Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu lao động

Ðại dịch Covid-19 bùng phát trong suốt hai năm qua, khiến số lượng người ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đi xuất khẩu lao động giảm. Ðể chủ động thích ứng tình hình mới, hai tỉnh đang phối hợp các bộ, ngành, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu khẩu lao động, như: tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề, ngoại ngữ, ý thức kỷ luật; tìm kiếm các thị trường lao động có thu nhập cao phù hợp kỹ năng, thể trạng của người lao động.
nlntv-1647211332183-1647217479.jpg
Người lao động tìm hiểu thông tin, nhu cầu tuyển dụng của các nước tại sàn giao dịch việc làm (Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Tĩnh).

Xã Sơn Thành, huyện Yên Thành hiện có 1.600 người đang lao động ở các nước, là địa phương có nhiều người đi xuất khẩu lao động nhất tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, năm 2021, nhiều người lao động ở nước ngoài bị giảm thu nhập do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Thành Nguyễn Hữu Sáu cho biết: Các năm trước, ước tính mỗi năm lao động ở nước ngoài gửi về cho người thân khoảng 15 triệu đến 17 triệu USD (tương đương 400 tỷ đồng). Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn kiều hối giảm đáng kể. Riêng năm 2021, ước tính lượng kiều hối gửi về khoảng 10 triệu USD.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Thành Phan Văn Tuyên cho biết: Toàn huyện có khoảng hơn 17 nghìn người đang làm việc tại nước ngoài, mỗi năm gửi về quê khoảng hơn 200 triệu USD. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng đến việc làm, thu nhập của người lao động ở nước ngoài, dẫn tới lượng kiều hối gửi về bị ảnh hưởng, năm 2021 lượng kiều hối giảm khoảng vài chục triệu USD so với những năm trước.

Theo số liệu từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội của hai tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh, năm 2021, hai tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 62 nghìn lao động, trong đó có gần 17.500 người đi xuất khẩu lao động. Ðài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Ðông Âu là những thị trường lao động chủ yếu của người dân hai địa phương này.

Dưới tác động của dịch Covid-19, số lượng lao động xuất ngoại ở hai địa phương này giảm hơn 2.500 người so với thời kỳ chưa có dịch. Lý giải về tình trạng này, lãnh đạo các địa phương chia sẻ: Sở dĩ số xuất khẩu lao động trong hai năm qua giảm là do để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, các nước tiếp nhận lao động đã ban hành các quy định hạn chế nhập cảnh đối với công dân nước ngoài; nhiều quốc gia ban bố tình trạng khẩn cấp đã tác động đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Không ít doanh nghiệp ở các nước tiếp nhận lao động phải ngừng sản xuất hoặc bị phá sản; ngoài ra, việc tạm dừng các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia tiếp nhận lao động cũng ảnh hưởng đến việc xuất khẩu lao động. Ðơn cử, Ðài Loan (Trung Quốc) là nơi tiếp nhận nhiều lao động của tỉnh Nghệ An nhất, nhưng việc đưa lao động sang thị trường này trong tháng 5, tháng 6/2021 đã bị gián đoạn. Từ ngày 19/5 đến 18/6/2021, Ðài Loan tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài; trong đó có đối tượng lao động, do chính quyền nước này siết chặt các quy định phòng dịch.

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, lượng kiều hối năm 2021 gửi về Nghệ An, Hà Tĩnh ước giảm khoảng 80 triệu USD so với năm 2020 (tương đương 1.840 tỷ đồng), ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

Do tác động của dịch Covid-19, số lượng lớn lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng nhưng chưa thể về nước. Ðể giải quyết vấn đề nêu trên, các nước tiếp nhận đã ban hành chính sách tạm thời tái sử dụng số lao động này theo các hình thức như: gia hạn hợp đồng, chuyển đổi tư cách lưu trú cho lao động… dẫn đến việc giảm nhu cầu tiếp nhận lao động của các nước.

Ðể bức tranh xuất khẩu lao động năm 2022 khởi sắc hơn rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía. Trưởng phòng Việc làm-An toàn lao động (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An) kiến nghị: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục đàm phán với các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động để tiến tới ký kết thỏa thuận lao động với các quốc gia như: Thái Lan, Malaysia, Liên bang Nga…; tiếp tục tăng cường quản lý, thẩm định cấp phép các doanh nghiệp có đủ điều kiện, năng lực tham gia hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

nlntv-1647211410413-1647217528.jpg

 Nhờ thu nhập từ xuất khẩu lao động, diện mạo xã Sơn Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) có nhiều thay đổi. (Ảnh BẢO TRÂM)

Kế đến, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thường xuyên kết nối các chương trình phối hợp các trường, trung tâm dịch vụ việc làm, trung tâm dạy nghề, các địa phương ở Nghệ An trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu các thị trường khi mở cửa trở lại. Các huyện, thành phố, thị xã phải tiếp tục rà soát, tổng hợp danh sách người lao động có nhu cầu đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng ở nước ngoài để phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh, các doanh nghiệp, đơn vị có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tư vấn, giới thiệu các thị trường ngoài nước có việc làm ổn định và thu nhập cao cho người lao động.

Theo chia sẻ của Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh Ðặng Văn Dũng, để nâng cao thu nhập, thiết lập thị trường lao động bền vững, lực lượng lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần trau dồi trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ý thức chấp hành kỷ luật lao động đáp ứng được yêu cầu của một số thị trường có thu nhập cao, như: Ðức, Nhật Bản, Singapore, Australia... Cùng với đó, giảm thiểu tình trạng lao động vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật ở nước sở tại; lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp. Các bộ, ngành liên quan cần tích cực hỗ trợ tìm kiếm, kết nối với các thị trường lao động thu nhập cao cùng môi trường làm việc ổn định, phù hợp thể trạng, kỹ năng của lao động Việt Nam.