Tôn vinh giá trị của Sen Hà Nội trong cuộc sống hiện nay

Ngày 4/7, Báo Hànộimới phối hợp với UBND quận Tây Hồ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức buổi giao lưu, tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phát huy giá trị của Sen Hà Nội trong cuộc sống hiện nay”

Sự kiện là một trong những hoạt động điểm nhấn hướng đến Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024 diễn ra từ ngày 12 đến 16/7/2024 nhằm quảng bá, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa của Thăng Long - Hà Nội và văn hóa Việt Nam nói chung.
Buổi giao lưu, tọa đàm có sự tham dự của bà Lê Thị Thu Hằng - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ; ông Nguyễn Đình Khuyến - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Sen 2024; ông Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, Trưởng Ban Quản lý hồ Tây; ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội; ông Đoàn Đức Dân - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội; cùng đại diện các phòng, ban ngành thuộc quận Tây Hồ.
Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, tọa đàm, bà Lê Thị Thu Hằng - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ - cho biết: Chương trình giao lưu, tọa đàm hôm nay có ý nghĩa hiện thực hóa Chương trình số 06-CTr/TU về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" và Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" của Thành ủy Hà Nội".

baf-hawngf-1720163905.jpg
Bà Lê Thị Thu Hằng - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ phát biểu tại buổi giao lưu, tọa đàm

Những năm qua, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển văn hóa, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của quận, Tây Hồ xác định phát triển văn hóa là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đem lại nhiều việc làm và thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô.
Tại buổi giao lưu, tọa đàm tọa đàm về chủ đề “Phát huy giá trị của Sen Hà Nội trong cuộc sống hiện nay”, ông Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập Báo Hànộimới - chia sẻ: Trong văn hóa của người Việt, hoa sen mang những ý nghĩa biểu tượng nhân văn sâu sắc. Nét đẹp tinh khôi của hoa sen cũng tượng trưng cho sự duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.
Tại vùng đất Tây Hồ (Hà Nội), từ nhiều đời nay, người dân đã lưu giữ và vun trồng được giống sen quý Bách Diệp có màu sắc tươi sáng, hương thơm độc đáo. Sen Bách Diệp Tây Hồ cũng là nguyên liệu chính, góp phần tạo nên món trà ướp hương sen thơm ngát được vinh danh là "Thiên cổ đệ nhất trà".
Buổi giao lưu hôm nay, Ban Tổ chức rất mong muốn được lắng nghe những kinh nghiệm hay, bài học quý trong việc phát huy những tiềm năng, thế mạnh của cây Sen nói chung, loài sen Bách Diệp Tây Hồ nói riêng. Từ đó, xây dựng và quảng bá rộng rãi thương hiệu Sen Tây Hồ cũng như những sản phẩm độc đáo từ cây sen.
Đồng thời mong muốn, Lễ hội Sen Hà Nội sẽ được tổ chức thường niên tại quận Tây Hồ; trở thành nơi quy tụ những người yêu sen, những nghệ nhân, những doanh nhân có trí tuệ, có tâm huyết, từ đó hiện thực hóa khát vọng xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm văn hóa - du lịch của Thủ đô.

tbt-hnm-1720164104.jpg
Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức phát biểu tại buổi giao lưu,tọa đàm

Ngay sau phát biểu đề dẫn của Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức, các vị đại biểu và khách mời đã tập trung thảo luận và làm rõ các chủ đề, như: “Giá trị của cây sen trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt”; “Việc gìn giữ, phát triển những giống sen quý đặc biệt là giống sen Bách Diệp có nguồn gốc ở Hồ Tây trong đời sống hôm nay”;…
Ban Tổ chức cũng đã dành thời gian thông tin, chia sẻ về “những hoạt động ý nghĩa sẽ được tổ chức tại Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất”. Theo đó, Lễ hội Sen Hà Nội 2024 được tổ chức nhằm giới thiệu những giá trị độc đáo của nghề "ướp trà sen" cũng như những nét đặc trưng riêng vốn có của văn hóa Sen trong đời sống người Việt; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tăng cường liên kết, sản xuất và tiêu thụ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm các sản phẩm sen Hà Nội với các tỉnh, thành trên cả nước.
Lễ hội Sen Hà Nội 2024 nhằm góp phần phát triển kinh tế, du lịch địa phương và chuẩn bị các điều kiện để đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - nghề ướp trà sen Tây Hồ. Đồng thời, quảng bá và kích cầu du lịch, khơi dậy tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP của các địa phương; thu hút du khách đến tham quan Hà Nội, Tây Hồ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm văn hóa du lịch của Thủ đô.
Theo kế hoạch, Lễ hội Sen Hà Nội 2024 được tổ chức trong 5 ngày, từ 12 đến 16/7/2024, tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (ngõ 612, Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội). Các hoạt động chính của lễ hội gồm: Khai mạc Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024, diễn ra từ 20h - 21h30 ngày 12/7/2024; giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc...

toan-canh-1720164259.jpg
Toàn cảnh buổi giao lưu, tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Phát huy giá trị của Sen Hà Nội trong cuộc sống hiện nay"

Tại lễ hội sẽ trưng bày, giới thiệu 100 gian hàng tiêu chuẩn trưng bày sản phẩm OCOP và đặc sản về sen; khu trải nghiệm về sản phẩm sen (tranh, ảnh, sơn mài, vải, thơ ca từ xưa đến nay); khu trưng bày không gian giới thiệu trình diễn sản phẩm: Hoa sen, tơ sen, chè sen, xôi sen, giò sen, các món ăn từ sen, sản phẩm trang trí từ sen, thủ công mỹ nghệ về sen; trưng bày đại diện một số giống sen thuộc các vùng trong cả nước và một số giống sen quý của Việt Nam và Hà Nội...
Trong khuôn khổ lễ hội, sẽ diễn ra Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam; Lễ khánh thành Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP quận Tây Hồ - Phố Trịnh; khai mạc Triển lãm không gian nghệ thuật sắp đặt sen, Triển lãm ảnh sen trong đời sống Việt;…
Ngoài ra, còn có chương trình Khảo sát - Hội nghị “Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến du lịch của quận Tây Hồ với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024”; Đêm nhạc “Trịnh Công Sơn và những người bạn”; Ngày hội đạp xe Hành trình xanh “Sắc sen Tây Hồ” với sự tham gia của 7.000 người đạp xe quanh hồ Tây...
Trong số các ý kiến chuyên môn xoay quanh chủ đề “Phát huy giá trị của Sen Hà Nội trong cuộc sống hiện nay” tại buổi giao lưu, có ý kiến đáng chú ý của PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội. Theo đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của biểu tượng hoa Sen trong đời sống văn hóa, tâm linh người Việt. Đồng thời đề nghị, với những giá trị thiết thực trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt, hoa sen cần phải được tôn vinh nhiều hơn nữa. Và quận Tây Hồ cũng cần có thêm nhiều hành động ý nghĩa tôn vinh hoa sen, để địa danh này xứng đáng là trung tâm lan tỏa những giá trị của biểu tượng hoa sen đến cả nước.

Nguyễn Liên