Lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa Tết cổ truyền dân tộc

Đinh Thảo
Tết cổ truyền (Tết Nguyên đán, Tết Âm lịch) từ rất xưa, đã là một trong những nét văn hóa truyền thống được trân trọng và lưu giữ của người phương Đông với quan niệm đó là tiết lễ đầu tiên trong năm, là dấu mốc khởi điểm của một năm mới. Nhắc đến Tết cổ truyền của người Việt Nam, chúng ta sẽ nghĩ đến những hoạt động văn hóa, những phong tục, tập quán phong phú với nét đặc sắc rất riêng của người Việt.
tet-1-1707363410.png
Hướng về nguồn cội trong ngày Tết cổ truyền (Ảnh: Internet)

Nhiều hoạt động văn hóa trong ngày Tết cổ truyền mang đậm những giá trị nhân văn tốt đẹp, có ý nghĩa giáo dục, có tính chất gắn kết cộng đồng. Các hoạt động văn hóa được tổ chức ở các khu sinh hoạt chung và từng gia đình nhỏ như: Gói bánh chưng, bánh tét, bày mâm ngũ quả, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, tổ chức những trò chơi dân gian... Thông qua đó, người ta dường như gắn kết, gần gũi nhau hơn, hiểu thêm nhiều hơn về những phong tục tập quán của đất nước và vùng miền. Những năm gần đây, việc tổ chức những hoạt động này được nhiều địa phương, các tập thể chú trọng, góp phần tô đậm hơn sắc màu của những giá trị truyền thống. Ngày Tết, giống như một khoảng thời gian “đặt hẹn” cho những cuộc gặp gỡ sum vầy cùng gia đình, cùng bạn bè để thỏa những trông mong sau một năm vất vả lao động, học tập.

Càng đi xa, người ta càng háo hức được trở về quê hương, gặp gỡ người thân, bà con lối xóm. Những khoảnh khắc đoàn viên ấm áp thật quý báu và hạnh phúc, để lại những xúc cảm mãi không phai trong lòng người xa xứ. Người lớn giáo dục con trẻ và thể hiện lòng tưởng nhớ đến nguồn cội thông qua việc cúng tế gia tiên, đưa con cháu đi chúc Tết và thăm hỏi họ hàng nội ngoại.

tet-2-1707363410.png
Truyền thống gói bánh chưng ngày Tết là phong tục đẹp trong văn hoá dân tộc Việt (Ảnh: Internet)

Tết cũng là dịp để gìn giữ những giá trị văn hoá, hương vị truyền thống rất riêng của người Việt. Ngày Tết không thể thiếu bánh chưng, một đặc sản của nền nông nghiệp lúa nước. Mỗi một món ăn truyền thống ngày Tết như thịt mỡ, dưa hành, chả giò, canh măng hay thịt nấu đông đều mang đậm những nét rất riêng trong ẩm thực của người Việt. Hoa đào, hoa mai, câu đối đỏ, mâm ngũ quả, cho dù ở mỗi vùng miền khác nhau đều có những nét riêng biệt, nhưng về ý nghĩa đều gói trọn những mong đợi của con người vào một năm mới vẹn tròn, đầy đủ, thuận buồm xuôi gió.

Bên cạnh đó, trong ngày Tết, áo dài và những trang phục truyền thống trở thành “văn hóa thời trang” được phụ nữ Việt yêu thích. Chị em chọn cho mình và các bé gái trang phục áo dài với màu sắc ấm áp, rực rỡ để đi chúc Tết, đi lễ chùa đầu năm. Những dấu hiệu đó cho thấy, sự cố gắng của chúng ta trong việc giữ gìn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc theo chiều hướng tiến bộ.

tet-3-1707363410.png
Mâm cỗ cúng giao thừa là truyền thống từ bao đời nay. Ảnh minh họa (Ảnh: Internet)

Gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống trong dịp Tết không chỉ dừng ở việc đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức những hoạt động văn hóa và nhân bản những giá trị truyền thống cần được bảo vệ. Gìn giữ văn hóa truyền thống còn cần chúng ta phải biết cách chọn lọc và loại bỏ những hoạt động văn hóa chưa phù hợp với những giá trị cốt lõi mà chúng ta hướng tới trong thời đại mới. Ngày đầu năm mới, tình trạng cúng bái với tâm lý “trần sao âm vậy” của một số người dân diễn ra quá lãng phí và phản cảm, việc tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt liên miên gây mất an ninh trật tự. Một số hoạt động tâm linh có tính chất mê tín, dị đoan cũng nhân dịp Tết mà trỗi dậy như bói toán, xem quẻ, xem tướng... Thậm chí, còn có gia đình và một số bạn trẻ chuẩn bị thi cuối cấp còn đi cầu may đầu năm với hi vọng “cầu gặp may, quay cóp được, không bị phát hiện”. Hiện tượng lợi dụng dịp Tết để mở những “sới bạc” phục vụ cho ham muốn của những người ưa thích đỏ đen không còn là câu chuyện hiếm gặp trong thời gian gần đây. Những hoạt động đi lệch với những giá trị văn hóa tiến bộ, phi giáo dục như thế cần được bài trừ, xử lý nghiêm.

Càng tìm hiểu về văn hóa cổ truyền của người Việt nói chung, về Tết Việt nói riêng, chúng ta càng thấy được những giá trị tốt đẹp. Chúng ta tự hào, trân trọng và biết ơn các thế hệ trước, trong suốt hành trình tiến bộ của xã hội, đã để lại cho thế hệ sau một nền văn hóa giàu bản sắc. Sống nhân văn và biết yêu thương, giữ gìn giá trị thiêng liêng của đạo đức làm người là điều mà người Việt luôn luôn hướng tới. Nhớ về nguồn cội, tự hào về quê hương đất nước, yêu quý văn hóa dân tộc và bảo vệ, phát huy văn hóa Việt và trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam. Yêu thay mỗi khi “Tết đến xuân về”, nhà nhà, người người đều cùng nhau hướng tới những ngày Tết sum vầy, hạnh phúc, tràn đầy hương vị cổ truyền, đậm đà bản sắc của người Việt.

Lê Thị Thanh Huyền (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thụy Lâm A, Đông Anh, Hà Nội)