Làng bánh giầy Quán Gánh rộn ràng ngày Tết

Đinh Thảo
Từ thời dựng nước, bánh giầy luôn có vị trí đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Trong các dịp lễ, Tết, đây là lễ vật không thể thiếu để dâng lên tổ tiên và những người có công dựng nước, giữ nước.

Hàng năm cứ vào mùa xuân, khi tiết trời vẫn còn se se lạnh, lòng người Quán Gánh, thuộc làng Thượng Đình, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội lại háo hức chuẩn bị những chiếc bánh giầy dẻo và thơm ngon nhất để dâng lên tổ tiên và đáp ứng nhu cầu mua bánh của người dân tại nhiều địa phương.

anh-banh-giay-quan-ganh-1707206962.png
Bánh giầy Quán Gánh

Cùng với bánh chưng, bánh giầy mang ý nghĩa tâm linh tượng trưng cho trời và đất, gắn liền với tấm lòng hiếu thảo của hoàng tử Lang Liêu theo truyền thuyết. Chính vì thế, trong những dịp đầu xuân, năm mới, các làng nghề sản xuất bánh giầy truyền thống như làng Thượng Đình, ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội lại trở nên nhộn nhịp hơn.

Dân làng Quán Gánh từ xưa sống chủ yếu bằng nghề nông, bản chất con người khéo léo thông minh nên sớm biết chế biến những nông sản do chính tay mình sản xuất. Người dân Quán Gánh thường truyền tai nhau câu nói “cái nghề vừa vo tròn, rồi lại bóp bẹp”, cái nghề tưởng như đơn giản ấy lại khá cầu kì và đòi hỏi sự khéo léo.

Quy luât của thị trường là có cầu sẽ có cung, nhưng để duy trì nghề truyền thống bánh giầy là cả sự tâm huyết, tự hào của người dân Thượng Đình về nghề truyền thống của cha ông.

Đi qua quốc lộ 1A, cắt ngang làng Thượng Đình, ai cũng đều ấn tượng bởi những dãy bánh giầy xếp thành hàng đều tăm tắp. Những chiếc bánh nhỏ nhắn, tròn xoe, trắng bóng, thơm mùi lá chuối, vị dẻo của nếp, ngầy ngậy của đậu xanh,…đã níu chân nhiều du khách.

Bánh giầy giản dị được gói gém trong lá chuối xanh và buộc bằng lạt trắng. Nhưng chiếc bánh ấy là truyền thống, là niềm tự hào của người bán lẫn người mua.

anh-banh-giay-duoc-dong-goi-can-than-1707206962.png
Bánh giầy được đóng gói cẩn thận

“Bánh giầy Quán Gánh” - thương hiệu ấy đã có hàng trăm năm nay. Đằng sau những chiếc bánh truyền thống ấy là cả sự tâm huyết, công sức của người dân Thượng Đình. Quan sát quy trình làm bánh của gia đình anh Nguyễn Viết Đại, gia đình có truyền thống làm bánh lâu đời, ở ngay đầu làng Thượng Đình, chúng tôi thấy sự kỳ công trong các công đoạn làm bánh.

Trong các công đoạn làm bánh giầy, giã xôi là tốn sức nhất. Vất vả là vậy, nhưng hơn 30 năm nay, anh Nguyễn Viết Đại, người tiếp nối nghề làm bánh từ thời ông cố nội vẫn gắn bó với chiếc chày dài khoảng 1m và chiếc cối đá. Xôi nếp quýt thơm phức nhưng rất dẻo và dính, mỗi lần chày giã xuống cối đá, anh Đại phải gắng sức mới nhấc được để giã tiếp. Anh cứ đều tay như thế cho đến khi xôi mịn, không còn một chút sượng nào.

Anh Nguyễn Viết Đại chia sẻ: “Dã tầm khoảng một tiếng mới được một mẻ bánh. Bình quân cứ giã tầm khoảng 200 bánh một ngày, nó tách được khoảng 1.000 cái bánh con. Để ra một cái bánh giầy thì mất nhiều công lắm”.

Anh Đại ví nghề truyền thống của gia đình cũng “bảy nổi, ba chìm”, chỉ có dịp lễ, Tết là lượng khách đặt nhiều, còn hầu như là lấy công làm lãi. Nhưng mỗi khi nói về nghề truyền thống của cha ông, anh lại cười vui vẻ và nói: “Từ bé tôi và bao đứa trẻ trong làng đều được làm quen với xôi nếp, đậu xanh, lá chuối,.. giờ không được ngửi những hương thơm ấy thì không chịu nổi. Cha ông để lại thì mình cứ nối nghiệp thôi. Nói chung là từ bé rồi, từ lúc bắt đầu biết đi đã học nặn, nộn, nắm đậu thì nắm cái tròn cái méo. Đến lúc xong thì nó thành cái tròn thì nó đã thành yêu nghề, thói quen rồi”.

Tình yêu nghề và bí quyết trong sản xuất bánh giầy còn được anh Đại truyền lại cho vợ, con. Chị Ngô Thị Tuyên, vợ anh Đại không được tiếp xúc với bánh giầy từ nhỏ nhưng từ khi về làm dâu đã được truyền dạy và cũng yêu nghề từ đó. Đôi tay chị thoăn thoắt, điệu nghệ, xôi vừa giã xong, còn nóng hổi, chị nhanh chóng đi găng tay bốc rồi nặn đều đặn. Chỉ vài giây, chị đã nặn xong chiếc bánh giầy tròn xoe và cẩn thẩn gói vào lá chuối đã được rửa sạch.

“Chỉ cần khéo tay là làm được. Từ khi tôi về làm dâu thì đã làm nghề bánh rồi, bây giờ là hơn 10 năm làm nghề truyền thống này” – chị Tuyên chia sẻ.

anh-lam-banh-giay-rat-ky-cong-1707206962.png
Làm bánh giầy rất kỳ công

Sản xuất bánh giầy trải qua nhiều công đoạn. Ở gia đình anh Đại, người lớn làm việc nặng, người nhỏ làm việc nhẹ. Mỗi này, sau khi đi học về, con gái anh là Nguyễn Thị Lan Anh, mới hơn 10 tuổi cũng tíu tít ngồi quanh mâm xôi học mẹ cách nặn và gói bánh.

“Cháu chỉ biết nộn bánh và nắm đậu thôi ạ! Cho nhân vào giữa bánh xong rồi cho mẹ gói. Khi nào rảnh, cháu lại giúp đỡ bố, mẹ làm bánh.” - Lan Anh chia sẻ.

Nghề nối nghề là vậy, gia đình anh Đại nói riêng và nhiều hộ dân của làng Thượng Đình nói chung đang duy trì nghề sản xuất bánh giầy bằng sự nhiệt huyết. Họ hiểu bánh giầy là đồ lễ, là phong vị truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết, cưới hỏi hay mừng thọ ông, bà. Chiếc bánh giầy đặt trên mâm lễ nhắc nhớ người trẻ luôn nhớ về quê hương đất nước, về những nét văn hóa của dân tộc.Với những giá trị ấy, bánh giầy là niềm tự hào của người dân Thượng Đình nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung./.

Mạnh Sáu