Người Việt và giá trị tâm linh của việc cắm hoa ngày Tết

KTDN
Cận Tết nhu cầu chơi hoa tăng cao nên những người thợ cắm hoa cũng tất bật với công việc của mình.

Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, anh Nguyễn Thành Luân, sống ở huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) lại tất bật cắm hoa trang trí bàn thờ gia tiên và tại các đền, chùa,... Anh đã làm công việc này được hơn 10 năm và thành lập được một đội cắm hoa chuyên nghiệp, phải thức dậy thật sớm để cắm hoa tại bàn thờ gia tiên trước rồi mới đi cắm thuê cho khách:

“Cắm hoa ngày Tết cũng như bình thường thôi nhưng quan trọng là mình muốn trang trí để làm sao ngày Tết nó sáng sủa hơn, rực rỡ hơn”- anh Luân chia sẻ.

Cắm hoa là công việc đòi hỏi sự chỉn chu, tỉ mỉ từ việc chọn hoa, cắt hoa, cho đến tạo hình khối cho hoa trên từng miếng xốp.

anh-anh-luan-ngam-xop-de-cam-hoa-copy-1707275831.jpg

Công đoạn ngâm xốp để cắm hoa

Đầu tiên là xả đầy nước vào một chiếc chậu nhôm, sau đó đặt vài miếng xốp màu xanh xuống để ngấm nước. Thấy anh tất bật, chúng tôi bước ra giúp, ấn miếng xốp để nước mau ngấm nhưng anh ngăn lại vì như thế nước sẽ không ngấm đều, hoa không tươi lâu mà phải để xốp tự ngấm, khi nào đủ nước sẽ tự chìm xuống đáy chậu, lúc đó mới vớt lên để tạo khối cho lãng hoa.

Anh Luân cho biết: “Hoa cắm lẵng thì phải xả nước ra, xong rồi ngâm xốp thì nó sẽ bền và đẹp hơn. Ban thờ mà chật thì mình chỉ cắm lọ thôi.”.

Ban thờ tại nhà anh Luân nhỏ, chỉ cần cắm một lẵng hoa lan, hồng đặt ở giữa và 2 lọ: 1 lọ hoa đào và 1 lọ hoa ly đặt 2 bên. Khoảng 1 tiếng lọ hoa trên bàn thờ gia tiên đã cắm xong rồi lại vội vàng lên đường đến điểm hẹn với anh Vũ Nghị, 40 tuổi, cũng ở Hưng Yên để cùng nhau cắm hoa tại đền, chùa.

anh-anh-luan-chuan-bi-di-chuyen-den-den-de-cam-hoa-copy-1707275972.jpg

Chuẩn bị di chuyển đến Đền để cắm hoa

Cắm hoa bàn thờ gia tiên thì đơn giản hơn cắm hoa ở các cung thờ tại đền, chùa. Ngôi đền này có 3 gian thờ, mỗi gian phải cắm ít nhất 3 lãng hoa. 10 thùng hoa to đủ loại: cúc, hồng, địa lan, đào, vũ nữ,... và xốp, lọ hoa đã được Thủ nhang đồng đền là ông Nguyễn Văn Hiện bày sẵn ở ngoài sân.

Sau khi nhận hoa từ Thủ nhang đồng đền, họ nhanh chóng bắt tay vào việc để còn kịp giờ cắm hoa nơi khác. Anh Luân đi ngâm xốp, anh Nghị thì cắt tỉa cành hoa. Công việc này trông thì nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mẩn. Công việc cắt tỉa hoa cần sự tỉ mỉ, phải cầm từng cành hoa hồng để cắt lá, tỉa gai rồi nhẹ nhàng bẻ cánh hoa để tạo độ xòe vừa đủ rồi đặt xuống chậu nước. Trong khi đợi xốp ngấm nước phải nhanh tay cắt tỉa, cắm cành đào vào lọ rồi bê vào đặt ở 3 gian thờ.

Anh Vũ Nghị chia sẻ: “Trong dịp Tết thì phổ biến nhất là hoa đào. Cắm hoa đào trong lọ rồi bày trên gia tiên, kể cả cửa Mẫu cũng được, nó tạo không khí rực rỡ ngày Tết. Các cụ có câu: Thứ nhất lộc hoa, thứ nhì lộc quả, thứ 3 lộc tiền. Chính vì thế, khi thờ cúng chúng ta nên có lọ hoa bày lên, trông bàn thờ sẽ đẹp và có sự linh thiêng”.

Trong lúc anh Nghị cắm hoa đào thì anh Luân và ông Hiện đã xếp từng loại hoa để cắm vào lẵng. Với kinh nghiệm cắm hoa lâu năm, các anh chỉ cần liếc mắt một lượt đã ướm chừng được kích thước của lẵng hoa. Mọi ý tưởng đã nằm trong đầu, bàn tay anh thoăn thoắt cắm từng bông hoa đã được cắt tỉa vào lẵng.

anh-mot-so-lang-hoa-do-anh-luan-va-anh-nghi-cam-1707275648.jpg

Đẹp là một chuyện, cắm hoa trên bàn thờ còn phải tuân thủ theo một số quan niệm tâm linh. Đối với lẵng hoa thì không cần đếm chính xác số lượng hoa nhưng khi hai anh cắm hoa vào lọ thì ông Hiện nhắc chỉ nên cắm số lẻ.

Ông giải thích: “Hoa thì không phải kiêng hoa gì cả, chỉ cần ta thành tâm, có hoa gì thì ta dâng lên tổ tiên, Phật, Thánh hoa đó, nhưng về số lượng, khi cắm lọ thì thường cắm 3, 5, 7 hoặc 11 bông. Vì người ta thường quan niệm về "sinh - lão - mệnh- tử", số lẻ sẽ hay vào chữ sinh, thể hiện sự sinh sôi, nảy nở và phát triển”.

Số bông hoa là lẻ nhưng mỗi gian thờ thì yêu cầu sắp xếp 2 bình ở hai bên. Điều này ngoài tạo nên sự cân đối trong các cung thờ nó còn mang những quan niệm tâm linh đáng chú ý. Ông nhấn mạnh: “Ở Việt Nam thường cắm một đôi, tức là song bình. Song bình nghĩa là gia đình có vợ, có chồng, ý là song thuận. Tuy nhiên, nếu cắm một bình cũng được, người ta gọi là "độc bình", tức là độc lập, bình là bình an. 2 hay 1 cũng không quá quan trọng nhưng có điều kiện thì vẫn nên cắm hai bình”.

anh-anh-luan-da-cam-xong-hoa-chuan-bi-di-chuyen-den-den-khac-de-lam-viec-copy-1707276201.jpg

 Lẵng hoa đã được cắm xong, chuẩn bị di chuyển đến Đền khác để làm việc

Sau khoảng 3 tiếng đồng hồ, sau khi đã cắm xong toàn bộ hoa dâng lên 3 cung thờ, mỗi cung 3 lẵng, 2 bình hoa ly, 1 bình hoa đào. Những lẵng hoa và bình hoa này được bài trí một cách hài hòa cả về màu sắc lẫn kiểu dáng. Hoa thơm đã trưng, quả ngọt đã bày,... Mọi người ngắm thành quả rồi yên tâm vào khóa lễ cuối năm.

Phong tục thờ cúng ngày Tết của người Việt là một nghi thức tâm linh, thấm đượm tính nhân văn và đạo lý. Tết là dịp để chúng ta mời ông bà tổ tiên, thần linh,... về chung vui với cháu con dịp đầu xuân năm mới. Hoa là một trong những lễ phẩm không thể thiếu trên bàn thờ của mỗi gia đình cũng như các ban thờ ở các đền, chùa,…thể hiện sự thành kính của con cháu với các bề trên. Chính vì vậy, hoa không chỉ tô điểm cho mùa xuân mà còn gắn liền với đời sống tâm linh phong phú của người Việt./.

Nguyễn Hà