Hội thảo đã tập trung phân tích, đánh giá khách quan, khoa học, khẳng định được các giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của các di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hạ Long; từ đó nghiên cứu bổ sung lý luận, tổng hợp khái quát có hệ thống, khoa học các tư liệu lịch sử liên quan, làm sáng tỏ cơ sở khoa học cho việc huy động các nguồn lực vào công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di sản văn hóa, với định hướng phát triển bền vững.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hạ Long Vũ Thị Mai Anh nhấn mạnh, thông qua hội thảo xác định rõ quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực, sức mạnh nội sinh và động lực đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống - sức mạnh “Kỷ luật - Đồng tâm”, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, nhất trí, khát vọng phát triển để xây dựng thành phố Hạ Long kiểu mẫu, giàu - đẹp, văn minh, nghĩa tình.
Đây cũng là hội thảo khoa học lần đầu tiên thành phố Hạ Long tổ chức về lĩnh vực văn hóa để nhận diện một cách sâu sắc hơn triết lý phát triển bền vững phải dựa trên nguyên tắc “thiên nhiên - lịch sử, văn hóa - con người” mà tỉnh Quảng Ninh đã thành công kiên trì chuyển đổi phương thức từ “nâu” sang “xanh”.
Hội thảo đã nhận được 55 tham luận của các nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý, cán bộ lãnh đạo trên các lĩnh vực thuộc các cơ quan Cục, Viện, Trung tâm nghiên cứu, các trường Đại học ở Trung ương và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, chuyên gia có kinh nghiệm nghiên cứu về văn hóa, lịch sử thuộc tỉnh.
Các tham luận đã tập trung làm rõ những nội dung về nhận diện tiềm năng, thế mạnh từ các di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hạ Long; thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa; định hướng, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, phục vụ sự phát triển bền vững thành phố Hạ Long trong giai đoạn mới.
Văn hóa Hạ Long là một trong bốn nền văn hóa biển có vị trí quan trọng trong nền văn hóa tiền sử Việt Nam. Các trầm tích văn hóa được bồi tụ và thấm sâu vào đời sống qua hàng nghìn năm lịch sử tạo nên hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú về loại hình, giàu về giá trị, đặc sắc về nội dung, hiện hữu sinh động qua những huyền tích, đền miếu, văn bia, nghi lễ, lễ hội, phong tục, tập quán của cộng động cư dân Hạ Long.
Trên địa bàn thành phố hiện có 96/683 di tích lịch sử - văn hóa của toàn tỉnh; trong đó đặc biệt có Di tích cấp quốc gia đặc biệt là Danh thắng vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Thành phố có 16 lễ hội văn hóa truyền thống, gần đây nhất là lễ hội Carnaval Hạ Long, món ăn tinh thần đã trở thành “thương hiệu” của thành phố.
Những năm gần đây, Hạ Long trở thành trung tâm văn hóa của tỉnh, thường xuyên diễn ra các hoạt động luyện tập, thi đấu, biểu diễn văn nghệ, thể thao, chiếu phim, triển lãm, tổ chức các sự kiện văn hóa của tỉnh, cả nước và quốc tế.
Theo đánh giá của Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến: Ngoài việc khai thác giá trị cảnh quan của vịnh Hạ Long hàng năm đón hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan thì các điểm di tích văn hóa khác trên địa bàn chưa phát huy được tối đa hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền quảng bá, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng giá trị lịch sử của di tích.
Để khắc phục những tồn tại trên, năm 2024, thành phố Hạ Long sẽ tập trung nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; huy động nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã; xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và bảo vệ môi trường; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hạ Long trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.