Tính toán huy động nguồn lực tư nhân vào phục hồi kinh tế

Ngoài chính sách về tài khoá, tiền tệ là cốt lõi, chương trình phục hồi kinh tế còn huy động nguồn lực từ các quỹ ngoài ngân sách, quỹ doanh nghiệp và khu vực tư nhân.

Thông tin này được ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nêu tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/12. Theo Thứ trưởng Phương, các nội dung của chương trình phục hồi kinh tế đã được cơ quan này báo cáo Thủ tướng, Thường trực Chính phủ nhiều vòng.

Ông Phương cho biết chưa "chốt" quy mô gói phục hồi kinh tế vì còn chờ các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tuy nhiên, công cụ chính để thực hiện chương trình này là chính sách tài khoá, tiền tệ. Ngoài ra, nguồn lực từ các quỹ ngoài ngân sách, quỹ doanh nghiệp và khu vực tư nhân thông qua các dự án đầu tư theo hình thức công - tư (PPP) sẽ được huy động.

tran-quoc-phuong-mpi-jpeg-3735-1638448156-1638459580.jpg
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư

Cùng ngày, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho biết, Quốc hội sẽ tổ chức diễn đàn kinh tế, lắng nghe ý kiến chuyên gia về gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế xã hội.

Ông Thanh cho hay, diễn đàn lần này sẽ thảo luận nhằm xác định quy mô gói phục hồi, trong đó, tài khóa bao nhiêu, tiền tệ bao nhiêu. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, phải cân nhắc vấn đề nguồn của gói tài khoá, trên cơ sở vay và có khả năng trả nợ, bảo đảm tính khả thi và đáp ứng được mức độ hấp thụ của nền kinh tế.

Về chương trình tổng thể phục hồi kinh tế, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết sẽ gồm 5 nhóm giải pháp: về y tế; an sinh xã hội; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình; kích thích đầu tư công và cải cách thủ tục hành chính.

"Năm nhóm giải pháp này cơ bản bao quát các lĩnh vực cần được hỗ trợ và đủ mạnh để phục hồi, phát triển kinh tế", ông Phương khẳng định.

Thời gian áp dụng chương trình phục hồi kinh tế trong 2 năm, tập trung vào năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, tuỳ hình hình diễn biến dịch bệnh có thể kéo dài thêm, nhất là với các dự án đầu tư công quy mô lớn như dự án đường cao tốc phía Đông Bắc - Nam.

Hiện chương trình phục hồi kinh tế đã được Bộ Kế hoạch và Đầu trình các cấp thẩm quyền xem xét và sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường cuối năm nay.

Trước đó, 6 trụ cột chính phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn tới từng được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi chủ trì đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hồi cuối tháng 10. Ông khẳng định, khi dịch bệnh cơ bản được đẩy lùi, Chính phủ Việt Nam quyết tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tầm nhìn, mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước.