Tập trung đào tạo nhân lực cho ngành năng lượng

Việt Nam đứng trước nhu cầu phát triển các hình thức năng lượng mới do vậy việc có được một nhân lực có chất lượng, xử lý được các vấn đề khoa học liên quan đến việc vận hành các dự án liên quan đến năng lượng mới càng lúc càng trở nên bức thiết.

Chia sẻ tại Diễn đàn Khoa học và Năng lượng tổ chức chiều ngày 30/11/2021, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, trong các chiến lược phát triển khoa học từ nay đến năm 2030, vấn đề xây dựng được đội ngũ có trình độ khoa học để phát triển năng lượng sẽ được xem là một trọng tâm.

Cùng đó là vấn đề giáo dục, tuyên truyền tới cộng đồng, doanh nghiệp về năng lượng xanh, vai trò của việc chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo đối với kinh tế - xã hội

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Hoàng Tiến Dũng cho biết, các lĩnh vực sẽ được ưu tiên tập trung đào tạo gồm đào tạo nhân lực cho xây lắp vận hành các dự án điện gió, chế tạo pin tích trữ năng lượng, vận hành lưới điện thông minh.

2935-img20211130165948-edited-copy-1638455410.jpg
Thảo luận giữa các chuyên gia năng lượng trong và ngoài nước

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, với nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày một gia tăng, tốc độ trung bình hàng năm tăng tới 10,5%, những năm gần đây nước ta đã phải nhập khẩu từ 1-2% tổng công suất của toàn hệ thống điện. Dự báo trong tương lai, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn năng lượng.

Vì vậy, việc phát triển các nguồn năng lượng khác bên cạnh các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng trở nên quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng Việt Nam, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo sẽ góp phần giải quyết được bài toán thiếu hụt năng lượng, giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng, phân tán rủi ro, tăng cường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần quan trọng giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu

Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021 được tổ chức nhằm phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng với mục tiêu đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới. Diễn đàn giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và doanh nghiệp nhìn nhận tổng quan về thực trạng các hoạt động liên quan đến ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng”- ông Tùng cho biết.

Kết quả của Diễn đàn là cơ sở để các Bộ ngành tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước trong xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu làm chủ, ứng dụng và phát triển công nghệ với mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời trao đổi về thách thức và giải pháp công nghệ trong phát triển ngành năng lượng.

Thông qua đó góp phần thúc đẩy thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại Diễn đàn, nhận định Việt Nam đang ở trong giai đoạn nhu cầu năng lượng tăng mạnh, ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành Ủy ban Năng lượng gió toàn cầu cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã nhận ra các thách thức và thể hiện vai trò lãnh đạo đúng đắn trong việc áp dụng chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng nâng cao tỉ trọng năng lượng tái tạo như một phương thức để xây dựng một hệ thống năng lượng linh hoạt, đáng tin cậy với mức chi phí hợp lý cho quốc gia.

Điều này đã được thể hiện rõ trong cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 năm 2021 ở Glasgow, Vương quốc Anh mới đây. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra thông điệp và cam kết Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ.

Trong khi đó, bà TitaThy Nguyen- Giám đốc Hội đồng Năng lượng thế giới tại Việt Nam cho biết, xét về Chỉ số bộ ba năng lượng (Trilema Index), Việt Nam năm 2021 xếp thứ 61/128 nước. Bộ ba này gồm các chỉ số an ninh năng lượng - công bằng năng lượng (khả năng tiếp cận và khả năng chi trả) – tính bền vững của môi trường. “Việt Nam cần phấn đấu cân bằng được cả ba chỉ số này”- bà TitaThy Nguyen nói.

Tiếp ngay sau Diễn đàn, trong hai ngày 1 và 2/12/2021, hội nghị “Năng lượng gió Việt Nam - Vietnam Wind Power 2021” sẽ được diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Hội nghị là nơi quy tụ các nhà lãnh đạo hàng đầu trong ngành năng lượng gió toàn cầu, sự kiện sẽ mở ra cánh cửa cho năng lượng gió Việt Nam tiếp cận với công nghệ và giải pháp của thế giới, cùng với chia sẻ và bàn luận về chính sách để thúc đẩy tăng trưởng ngành năng lượng gió trên bờ và ngoài khơi tại một trong những quốc gia năng động nhất của khu vực Đông Nam Á.