Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích và những ngày đầu xây dựng lực lượng pháo cao xạ

Đinh Thảo
Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích (1922-2010), nguyên Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, một trong số những cán bộ đầu tiên được cử đi học về pháo cao xạ tại Trường Sĩ quan Cao xạ Thẩm Dương (Trung Quốc). Sau khi về nước, ông đã trở thành lớp cán bộ đầu tiên góp công xây dựng lực lượng Pháo cao xạ (PCX) của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chàng trai Hà Nội Nguyễn Quang Bích tham gia cách mạng từ tháng 8-1945. Chưa đầy 1 tháng sau, ông theo đoàn quân Nam tiến vào chiến đấu ở mặt trận Quân khu 5. Giữa năm 1952, ông được cử ra dự hội nghị ở chiến khu Việt Bắc và được cấp trên giữ lại để chuẩn bị cho việc thành lập lực lượng mới. Năm 1953, Tổng Quân ủy có chủ trương thành lập đơn vị PCX, ông và đồng chí Trần Văn Giang được giao phụ trách đoàn 114 cán bộ sang học tập tại Trung Quốc.

Ông kể: “Trong buổi gặp mặt giao nhiệm vụ cho đoàn cán bộ được triệu tập từ các đơn vị trong toàn quân tại chiến khu Việt Bắc, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái khẳng định, bộ đội cao xạ sẽ là lực lượng quan trọng cùng các đại đoàn bộ binh, đơn vị pháo binh mạnh hạn chế hơn nữa tác dụng của không quân địch.

Trung đoàn pháo cao xạ 37mm đầu tiên của Quân đội ta sẽ gồm 6 tiểu đoàn và phát triển các đại đội trợ chiến của các đại đoàn bộ binh thành các tiểu đoàn phòng không trang bị thống nhất súng máy cao xạ 12,7mm. Chúng tôi - lớp cán bộ đầu tiên vô cùng tự hào khi đề xuất đặt phiên hiệu cho đơn vị mới là 367 đã được cấp trên chấp nhận”.

nqb-1-1680074940.jpg
Trung tá Nguyễn Quang Bích, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không-Không quân, năm 1963. Ảnh tư liệu gia đình cung cấp

Sau khi tiến hành các công tác chuẩn bị, ngày 26-1-1953, đoàn lên đường. Lúc này ở Trung Quốc đã có một đoàn 33 người do đồng chí Nguyễn Tâm Trinh phụ trách dự định học về không quân, nhưng do tình hình lúc đó Quân đội ta chưa có điều kiện xây dựng không quân nên các đồng chí này sáp nhập cùng đoàn của đồng chí Nguyễn Quang Bích để học PCX. Một thời gian sau, lại có thêm một đoàn nữa do đồng chí Đinh Thịnh làm trưởng đoàn sang sáp nhập vào là một đoàn.

Hướng về Tổ quốc thân yêu, những chiến sĩ cao xạ đầu tiên tích cực học tập, rèn luyện chờ ngày về nước để xây dựng lực lượng mới. Trong lúc đó ở Việt Nam, ngày 1-4-1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký quyết định thành lập Trung đoàn 367-Trung đoàn PCX đầu tiên của Quân đội ta. Theo quyết định, Trung đoàn gồm 6 tiểu đoàn hỏa lực mang phiên hiệu 381, 383, 385, 392, 394, 396, mỗi tiểu đoàn có 3 đại đội PCX 37mm (12 khẩu) và 1 đại đội súng máy 12,7mm (12 khẩu). Trung đoàn còn có một tiểu đoàn lái xe kéo pháo, xe vận tải và thợ sửa chữa. Một thời gian ngắn sau đó, 2.700 cán bộ chiến sĩ (có 350 đảng viên) của Trung đoàn 367 mới thành lập đã chia thành nhiều khối bí mật hành quân sang Trung Quốc.

Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích kể: “Sau khi hoàn thành khóa đào tạo ngắn, đoàn của chúng tôi được biên chế vào Trung đoàn pháo cao xạ 367 từ trong nước sang. Ngày 15-5-1953, Trung đoàn bắt đầu bước vào khai giảng huấn luyện chuyển binh chủng. Sau khi khai giảng huấn luyện chúng tôi được học nguyên tắc chiến thuật của đại đội, tiểu đoàn và trung đoàn PCX trong chiến đấu độc lập, chiến đấu hiệp đồng, chi viện và bảo vệ bộ binh trong chiến đấu tiến công và phòng ngự.

Tài liệu học tập dựa vào giáo trình huấn luyện của Hồng quân Liên Xô và kinh nghiệm tác chiến phòng không của giải phóng quân Trung Quốc. Việc học tập lúc đó rất khó khăn với chúng tôi vì mọi người có trình độ văn hóa không đồng đều, nhiều đồng chí mới qua lớp “xóa mù”. Đã xuất hiện tình trạng một số đồng chí lo lắng, nảy sinh vấn đề về tư tưởng. Vì vậy, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn đã họp, triển khai nhiều biện pháp phong phú, cụ thể phù hợp với đối tượng học tập. Các giáo viên sử dụng nhiều tranh vẽ, mô hình và vật thực làm cho buổi học sinh động, dễ hiểu, chú trọng hướng dẫn học viên thực hành thao tác. Tôi còn nhớ ngày 10-6, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 367. Một tháng sau, trong dịp sang làm việc ở Trung Quốc đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã đến thăm và kiểm tra việc học tập của chúng tôi...”.

Tháng 11-1953, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điện triệu tập cán bộ Trung đoàn pháo cao xạ 367 về Bộ nhận nhiệm vụ. Đảng ủy và Ban Chỉ huy Trung đoàn đã cử Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Nguyễn Quang Bích, Tham mưu phó Hoàng Hoa Nam và một số cán bộ tác chiến về nước báo cáo với Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh kết quả huấn luyện và nhận nhiệm vụ về tham gia chiến đấu trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954.

nqb-2-1680074940.jpg
Đồng chí Nguyễn Quang Bích (hàng sau, thứ ba từ trái sang) cùng tập thể Đảng ủy Quân chủng Phòng không-Không quân, năm 1977. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp

Tại mặt trận Điện Biên Phủ, những ngày đầu tháng 12 1953, khi lực lượng địch chưa được tăng cường, trận địa phòng ngự mới xây dựng, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy hạ quyết tâm tập trung lực lượng tiêu diệt quân địch theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Ngày 21-12-1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại đoàn công pháo 351 và Trung đoàn PCX 367 tham gia chiến dịch. Cuộc hành quân đưa những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn qua những đèo Lũng Lô, Pha Đin, suối Nà Nham, đỉnh Pha Sông, vực Nậm Khô Hu, cánh đồng Nà Hi, Bản Tấu… Những ngày vượt đèo cao, suối sâu, vực thẳm ấy mãi là bản hùng ca của bộ đội cao xạ mà không bao giờ Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích có thể quên.

“Ngày 25-1-1954, chúng tôi đã đưa được một đại đội pháo vào bố trí trận địa đúng theo kế hoạch của trên giao. Nhưng lúc này địch tăng cường lực lượng lên Điện Biên Phủ, tổ chức hệ thống phòng thủ khá vững chắc. Thấy tình hình không thể “đánh nhanh, giải quyết nhanh", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương châm chiến dịch sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là một quyết định sáng suốt, chính xác, bảo đảm cho chiến thắng sau này. Nhưng với bộ đội cao xạ lúc đó việc rút pháo ra là một gian nan thử thách. Có thể nói cuộc kéo pháo bằng tay trong chiến dịch Điện Biên Phủ là một sự kiện phi thường của Quân đội nhân dân Việt Nam” - Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích tự hào nhớ lại.

Chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức bắt đầu ngày 13-3-1953. Lúc này mới 32 tuổi, đồng chí Nguyễn Quang Bích đã chỉ huy một trung đoàn PCX lần đầu xuất quân với hai tiểu đoàn (383 và 394). Mặc dù có số lượng PCX ít ỏi, đối đầu với hàng trăm máy bay các loại của thực dân Pháp, nhưng ngay từ đợt 1 của chiến dịch, 2 hai gọng kìm của 2 tiểu đoàn PCX đã thành công kẹp và khống chế địch ở trung tâm Mường Thanh.

nqb-3-1680074940.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích (thứ hai từ trái sang) trong một lần cùng các tướng lĩnh đến thăm Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Trong ký ức rất nhiều đồng đội của ông, suốt chiến dịch, Trung đoàn phó Nguyễn Quang Bích luôn là người chỉ huy xuất sắc trong mọi thời điểm. Khi cần tháo gỡ những nút thắt khó khăn nhất, mở đường cho PCX lập công, ông đã tỏ rõ được bản lĩnh và khả năng xử lý tài tình. Thành công của ông không chỉ nằm ở việc giải quyết tốt những vấn đề về chiến thuật, kỹ thuật mà còn ở thái độ điềm tĩnh, cẩn trọng và cách hành xử độ lượng với cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Trải qua 55 ngày đêm ở chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ông cùng đồng đội ở Trung đoàn 367-đơn vị nòng cốt của lực lượng phòng không chiến dịch đã bắn rơi hơn 50 máy bay và bắn bị thương gần 120 máy bay khác của thực dân Pháp.