Thì thầm với Nghệ thuật

Huyền Văn
Liên tục gắn bó với thời cuộc, cũng liên tục bị thời cuộc chối bỏ, thậm chí bị coi thường, Bảo Toàn vẫn đứng vững, và nhìn thấy nghệ thuật của mình từ một góc độ riêng tư gắn với tất cả những gì ông sống, dù nó chỉ còn tồn tại trong ký ức. Ông tận dụng những kỹ năng xa xưa, truyền thống để làm việc hôm nay, không chán nản, không mặc cảm, biết hết, mà không nói gì, chỉ nói bằng những tác phẩm rất cụ thể, một cách nhất quán và hệ thống.

Hoàn cảnh nghệ thuật Việt Nam thay đổi vừa từ từ, vừa chóng vánh, so với 50, 40, 30 thậm chí là 20 năm trước, tất cả đã khác hoàn toàn. Một nghệ sỹ hoạt động trong vòng 50 năm qua, sẽ tự cảm nhận thấy điều đó rõ rệt trong vòng 50 năm qua, sẽ tự cảm nhận thấy điều đó rõ rệt và rất nhiều vui buồn về thời cuộc không thể khác. Bây giờ mọi thức vừa dễ hơn - phương tiện hành nghề, sự kinh doanh nghệ thuật, nhưng sự tồn tại của nghệ sỹ và nghệ thuật xem ra có vẻ lạc lõng, tính xã hội của nghệ thuật giảm sút rất nhiều, đến mức, người ta không cần sự cọ sát nữa, không cảm thấy vai trò nghệ sỹ của mình trong xã hội, rằng có ai cần đến nghệ thuật không? Nghệ sỹ thì luôn sáng tác một mình, nhưng khi mất đi tính xã hội hoá, rõ ràng là nỗi cô độc không thể bù đắp, đến mức cảm thấy những gì mình làm ra là vô nghĩa.

mg-1013-1666258534.jpg
Bình gốm - Hoạ sỹ Bảo Toàn

Liên tục gắn bó với thời cuộc, cũng liên tục bị thời cuộc chối bỏ, thậm chí bị coi thường, Bảo Toàn vẫn đứng vững, và nhìn thấy nghệ thuật của mình từ một góc độ riêng tư gắn với tất cả những gì ông sống, dù nó chỉ còn tồn tại trong ký ức. Ông tận dụng những kỹ năng xa xưa, truyền thống để làm việc hôm nay, không chán nản, không mặc cảm, biết hết, mà không nói gì, chỉ nói bằng những tác phẩm rất cụ thể, một cách nhất quán và hệ thống.

Nhìn lại cả quá trình sáng tác, Bảo Toàn có triển lãm cá nhân đầu tiên năm 1994, và tham gia triển lãm nhóm năm 1989. Triển lãm cá nhân gần đây nhất của ông là năm 2015, còn tham gia chung thì ngay năm trước 2021. Liên tục trong thời gian đó, Bảo Toàn có mặt ở những triển lãm chung và riêng ở nhiều mức độ khác nhau, liên tục nhất quán gốm và tranh, đồng thời ông cũng dự khá nhiều trại sáng tác nghệ thuật nước ngoài. Nhưng ở đâu, trưng bày gì, ông cũng hết sức độc lập, nổi lên một phong cách riêng không lẫn lộn, ngay cả biểu hiện hình thức cá nhân cũng thế, không giống ai, dị thường. Người ta thấy ông bình thản quan sát xung quanh, đưa ra một hình thức nghệ thuật, nhìn bên ngoài có vẻ gần với nghệ thuật dân gian, nhưng bên trong rất tinh tế, gần với ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại. Ông nắm được cái giản dị, hài hước, thô mộc, ngờ nghệch và rất nông dân của thẩm mỹ làng xã Việt Nam truyền thống, rồi đưa nó vào trong một kết cấu mới của nghệ thuật hiện đại với tính trực tiếp, gợi cảm, cụ thể nhưng tinh tế trong cảm xúc.

nlntv-hoa-sy-bao-toan-1666258398.jpg
Hoạ sỹ Bảo Toàn

Nghệ thuật gốm dân gian Việt Nam và những đồ vật dân gian mà người nông dân ngàn đời sử dụng, được chế tác đơn giản, nhưng điêu xảo đã cuốn hút Bảo Toàn. Chúng sinh ra từ đời sống, phục vụ cho đời sống trước tiên, một đời sống tự cung tự cấp, bao gồm cả tự cấp về thẩm mỹ, như cầy cuốc, rổ rá, chân đèn, giàn bếp... lâu năm chúng có vẻ đẹp nhất định của khoa tạo dáng mang tính thực dụng với vật liệu thô mộc từ thiên nhiên, chúng đã được Bảo Toàn tiếp nhận rất triệt để trong tạo dáng gốm mà ông chuyển từ gốm gia dụng sang tạo hình gốm nghệ thuật, tước bỏ cái công năng cụ thể của một đồ gốm.

nlntv-mg-0869-1666263375.jpg
Làng 1 - Hoạ sỹ Bảo Toàn
nlntv-lang-5img-4698-1666263362.jpg
Làng 2 - Hoạ sỹ Bảo Toàn

Người ta ít để ý đến Bảo Toàn vẽ, nhưng vẽ thực sự là phần quan trọng trong sáng tác của ông, nó cũng không bị lấn át bởi khoa gốm của ông, có điều gốm quá hiển hiện và cụ thể hơn những bức hoạ. Bảo Toàn vẽ rất nhiều, từ đơn giản đến kỹ lượng, nhất quán với cả nghệ thuật nói chung của ông, nhưng không quá trừu tượng như gốm. Hầu hết chúng xuất phát từ tranh phong cảnh, hay ấn tượng cảnh vật, ngoại thành Hà Nội, cầu đường làng quê, sự tiếp giáp giữa nông thông và thành thị - một dấu ấn rất đặc trưng của Hà Nội nhỏ hẹp xưa, ra quá ranh giới của đường tầu điện cổ là khoảng giữ nội, ngoại thành. Nơi đây không hẳn là thành phố, cũng không hẳn là làng quê cổ Bắc Bộ, bé nhỏ, chật hẹp, thân thương và rất ấn tượng với những tưởng nhà kéo dài thấp nhỏ, xen lẫn những hàng cây cũng trải dài. Bảo Toàn vẽ ngày càng phong phú và có lúc thuần là bút pháp thoáng hoạt như thư pháp trên giấy, không phụ thuộc vào đối tượng.

nlntv-img-4703-1666263452.jpg
Làng 3 - Hoạ sỹ Bảo Toàn

Những bức hoạ luôn là cái gì da diết của ký ức, của người từng trải với nơi sinh ra và lớn lên cùa mình, khó có thể chia sẻ. Chúng cũng bình lặng và trò chuyện như những bình lọ gốm, mà chỉ có ai biết nói với chúng thì chúng sẽ đáp lời. Ở đây cho thấy Bảo Toàn khá cô độc, khi sáng tác cho mình, nói chuyện với bản thân mình, như thở vào trong đất và tự nghe lời vang vọng lại. Ông giữ riêng cho mình những cảm xúc, ấn tượng bình lặng về một đời sống xa xưa, nhưng hiện tồn ở Việt Nam, mà ông không thể nói cụ thể với ai về nó, về sự yêu thuơng của mình với văn hoá và đời sống hàng ngày, mà những biểu hiện bên ngoài ông có vẻ lại không như vậy. Ông cũng muốn có một dấu ấn nghệ thuật vào nghệ thuật nhân loại chung, phần thì ngờ về khả năng ấy, phần thì lại quá tin vào chính mình, nhưng điều đó không thể khẳng định chính xác, cũng như không nhất thiết khoe khoang thành quả gì. Bảo Toàn tự mình có vị thế nghệ thuật hiện tại, lừng lững mà bất cẩn đến mức nói hay không nói về ông cũng được. Vì ông đã quen với sự thất bại, sự hiểu lầm, sự rút lui và thì thầm với nghệ thuật của mình là đủ.

Hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng - Nhà nghiên cứu & phê bình văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam