Thầy giáo nơi đảo xa

Cả đảo Hòn Chuối (thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chỉ có một lớp học do Thiếu tá QNCN Trần Bình Phục, Phó đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hòn Chuối đứng lớp.

Anh đã gắn bó 13 năm với công việc giảng dạy, chắp cánh ước mơ cho bao trẻ em nghèo không có điều kiện tiếp cận con chữ...

Lớp học đặc biệt

Đảo Hòn Chuối nằm cách đất liền hơn 31km. Hiện nay, trên đảo chưa có hệ thống trường học, cuộc sống của người dân còn rất thiếu thốn nên con đường đến trường của trẻ em cũng gặp nhiều trở ngại. 

Di chuyển bằng tàu cá đến đảo, sau đó tiếp tục leo bộ hơn 300 bậc đá, chúng tôi tới được lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối. Căn nhà cấp 4 nằm nép mình dưới những tán lá-đây là nơi duy nhất trẻ em trên đảo có thể học chữ. Phòng học rộng chừng hai chục mét vuông nhưng có tới 3 tấm bảng. Hỏi ra mới biết, học sinh của thầy Phục có 18 em, từ chưa biết chữ cho tới lớp 7, tất cả đều ngồi chung một lớp. Vì vậy, bàn học và bảng được chia thành 3 hướng để tránh các em bị ảnh hưởng lẫn nhau. Thầy Phục chủ yếu dạy các em tiểu học, nhưng hai em lớp 7 vì gia đình không có điều kiện cho vào đất liền học nên thầy cũng đảm nhiệm giảng dạy. Mỗi ngày lên lớp, thầy phải vận dụng hết kỹ năng, kiến thức của mình bởi lượng kiến thức bậc trung học cơ sở khá nặng. Một mình thầy dạy tới 10 môn, chưa kể lớp học có 3 em nhỏ mới 5-6 tuổi chưa biết chữ, cần thầy cầm tay dạy viết từng nét.

thay-giao-1-1675824526.jpg
Thiếu tá QNCN Trần Bình Phục tận tình giảng dạy cho những học trò nhỏ. Ảnh: THƯ ANH

“Thời gian đầu, cứ đi làm về, tối tôi lại ngồi soạn giáo án để hôm sau lên lớp. Dạy một lớp mà tới 7 bậc kiến thức khác nhau rất khó. Không chỉ phải bảo đảm chất lượng, thời gian học mà điều quan trọng nhất là các em phải hiểu bài. Mỗi lần soạn giáo án, tôi phải chắt lọc ra những kiến thức cơ bản nhất và phải thật ngắn gọn, dễ hiểu để dạy các em. Đa số các em ở đây do tiếp xúc môi trường bên ngoài rất ít nên kiến thức xã hội cũng hạn chế. Dạy các em kiến thức căn bản nhất, dẫn chứng những gì dễ hiểu nhất cũng giống như dắt tay các em leo lên từng bậc thang kiến thức vậy”, thầy Phục chia sẻ.

Không chỉ là thầy giáo

Đến với nghề giáo bằng chữ duyên, nhưng gắn bó thì bằng cái tâm. “Ngay từ đầu, gặp những đứa trẻ đầu trần chân đất lấm lem, suốt ngày đói khát và chỉ nghĩ tới làm sao để no bụng chứ không biết chữ là gì, tôi vô cùng xót xa”, thầy Phục kể về chuyến công tác đầu tiên tới đảo Hòn Chuối năm 1997. Cũng từ lần đó, anh đau đáu với suy nghĩ làm sao để giúp bọn trẻ có cơ hội vươn tới tương lai tươi sáng hơn.

Sau khi trở về đất liền, Trần Bình Phục quyết định viết đơn xin ra đảo Hòn Chuối công tác. Nơi đảo xa, không đường, không điện, thiếu nước sạch, vì thế, quyết định của anh bị gia đình và cơ quan ngăn cản. 5 lần nộp đơn đều bị thủ trưởng từ chối, không nản chí, anh viết lá đơn thứ 6 và cuối cùng cũng được chấp nhận. Năm 2010, thầy Phục đã thực hiện được ước mơ “gieo chữ” cho trẻ em nơi đảo tiền tiêu. Lớp học tình thương ban đầu chỉ có vỏn vẹn 4 học sinh. Việc thuyết phục gia đình cho các em đi học rất khó. Đó là cả một quá trình dài và phải kiên trì đến từng nhà vận động. Cuộc sống khổ cực, cái ăn, cái mặc còn lo chưa xong thì tính gì tới việc học? Đó là lý do mà nhiều gia đình trên đảo coi việc cho con tới trường là không cần thiết.

Do ảnh hưởng của gió mùa, mỗi năm, người dân trên đảo Hòn Chuối phải chuyển nhà hai lần để tránh gió, từ Ghềnh Chướng sang Ghềnh Nam và ngược lại. Vì thế, hầu hết nhà ở của các hộ dân sống trên đảo chỉ được làm tạm bợ để đến lúc “chạy gió” đỡ tốn kém. Số phận con người ở đây cũng cứ lặp đi lặp lại cái đói nghèo và mù chữ từ đời này qua đời khác, chỉ nghĩ làm sao có cái ăn là được. “Nhìn thấy các em ngày càng lớn mà không biết đọc, biết viết, cha mẹ các em cũng vậy, tôi rất trăn trở! Nhiệm vụ của bộ đội biên phòng là xóa những "điểm mù" ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Do vậy, bằng mọi giá, chúng tôi phải thành lập một điểm trường để dạy dỗ những mầm non đất nước, giúp các em hun đúc tình yêu Tổ quốc, có ý thức giữ gìn chủ quyền lãnh thổ”, thầy Phục tâm sự với chúng tôi bên lớp học, cạnh chỗ thầy đứng là tấm bảng vẫn còn nguyên bài giảng “Bóp nát quả cam”-câu chuyện kể về Trần Quốc Toản, một thiếu niên anh hùng tuổi nhỏ, chí lớn, giàu lòng yêu nước và căm thù quân giặc xâm lược. Phía dưới, những đứa trẻ với ánh mắt trong veo đang nắn nót viết từng nét chữ.

Trong lớp của thầy Phục có cô bé học trò tên là Đậu Yến Nhi bị nhiễm chất độc da cam, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nhi đã 16 tuổi nhưng mới chỉ học lớp 2. Ban đầu, để dạy cho Nhi biết chữ cực kỳ khó. Gia đình Nhi bán tạp hóa ngay gần lớp học. Cha mẹ em đã lớn tuổi, ốm đau, bệnh tật liên miên, nhưng Nhi là cô bé rất ham học. Nhờ có thầy Phục, em đã có cơ hội vươn tới tương lai tươi sáng hơn. 

Kim Thị Trâm Anh, cô bé học trò được thầy Phục cõng đến trường nhiều năm, nay đã 14 tuổi và đang học lớp 7. Cô bé có đôi mắt rất sáng, tính tình hoạt bát. Khi còn nhỏ, Trâm Anh rất muốn đến lớp. Dù chưa đủ tuổi đi học, ngày nào em cũng đứng trước thềm nhà, mang sẵn cặp sách chờ thầy đi ngang qua. Mỗi lần thấy bóng dáng thầy từ xa, cô bé lại dõng dạc: “Em chào thầy ạ!”. Với Trâm Anh, thầy Phục giống như người cha thứ hai. Em luôn ước mơ mai sau có thể trở thành cô giáo, noi theo tấm gương của thầy, dạy học cho các em nhỏ nơi đây.

Với những đứa trẻ trong lớp học tình thương, thầy Phục không chỉ là thầy giáo mà còn như người thân trong gia đình. Trên đảo, địa hình đồi núi dốc đứng, đường sá đi lại khó khăn, lớp học lại ở trên cao. Lo cho tụi nhỏ, sáng sáng, thầy xuống chân dốc đón học sinh. Có em nhỏ quá, ngày nào thầy cũng phải cõng qua những bậc đá trơn trượt để lên lớp. Cứ thế, thầy và trò cặm cụi, trở thành ngọn đèn sáng giữa khơi xa...

Giải bài toán khó

Vừa đứng lớp, vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại Đồn Biên phòng Hòn Chuối, vì vậy, việc sắp xếp thời gian để chu toàn mọi việc là bài toán khó đối với Trần Bình Phục. Song, như thầy Phục tâm sự: “Bộ đội mà, ở đâu càng khó thì ý chí vươn lên càng mạnh mẽ”. Thầy Phục đã cố gắng tận dụng thời gian, sắp xếp công việc một cách khoa học để vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị, vừa bảo đảm việc lên lớp. Hơn 10 năm qua, thầy Phục đã dìu dắt nhiều trẻ em nghèo vượt qua khó khăn, tiếp cận con chữ. “Bài toán khó” vừa đứng lớp, vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng được thầy giải theo cách hiệu quả nhất.

Lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối có từ năm 1995, nhưng khi đó cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn. Đến nay, dù mọi thứ đã được cải thiện, lớp học cũng đàng hoàng và kiên cố hơn, nhưng mới chỉ ở mức gần đáp ứng được các tiêu chuẩn cơ bản trong giáo dục. Ước mơ về một ngôi trường khang trang, có đầy đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ việc học có lẽ còn xa vời với cả thầy và trò, nhưng hiện tại, ai nấy đều vui mừng khi lớp học đã được công nhận là một điểm trường của Trường Tiểu học 4, thị trấn Sông Đốc. Từ chỗ chỉ lác đác vài học sinh, nay 100% các em trong độ tuổi đến trường đều đã được đi học, biết đọc, biết viết, nắm được những kiến thức căn bản của chương trình giáo dục hiện hành. Có những em đã được đưa vào đất liền để tiếp tục học tập. Đến nay đã có 5 em tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Năm học vừa qua có thêm hai học trò của thầy Phục đỗ đại học, gieo thêm những hy vọng cho mảnh đất nghèo.

Sáng mùa xuân, ánh nắng len lỏi qua kẽ lá chiếu vào lớp học rộn vang tiếng cười. Đâu đó vang lên câu nói ngây thơ của cậu học trò nhỏ: “Ước mơ của con là được giống thầy, trở thành bộ đội giúp dân”. Chúng tôi cảm nhận rõ nét điều thầy Phục mang đến cho các em không chỉ là kiến thức mà còn là một bầu trời ước mơ.