Thầy giáo Việt và hành trình 10 năm gieo chữ trên đất Lào

Huyền Văn
Bằng lòng yêu nghề và nhiệt huyết tuổi trẻ, hơn 10 năm qua, thầy giáo Trương Văn Phương đã hết mình với nhiệm vụ dạy tiếng Việt trên đất Lào cho các thế hệ con em Việt kiều và học sinh nước bạn.

Đó là câu chuyện về thầy giáo Trương Văn Phương (SN 1987), quê tại xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) - giáo viên dạy tiếng Việt tại nước bạn Lào.

Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Bình luôn duy trì việc cử giáo viên sang dạy tiếng Việt tại tỉnh Khăm Muộn và thầy giáo Trương Văn Phương là một trong những giáo viên đang thực hiện nhiệm vụ ở nước bạn, góp phần gìn giữ mối quan hệ hữu nghị giữa hai đất nước.

nlntv-thay-giao-viet-day-hoc-tai-lao-8-crop-1644546772126-1644581400.jpeg
Thầy giáo Trương Văn Phương và học sinh của mình tại Lào (Ảnh: NVCC).

Theo thầy giáo Trương Văn Phương, vào năm 2011, sau khi tốt nghiệp đại học, qua tìm hiểu anh được biết Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình đang tuyển giáo viên tham gia dạy tiếng Việt tại Lào nên đã quyết định đăng ký tham gia và trúng tuyển. Hiện thầy Phương đang công tác tại Trường Tiểu học Thống Nhất, thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn.

"Tuổi trẻ mình muốn xông pha một chút nên đã đăng ký, tuy nhiên khi trúng tuyển mình lại vừa vui vừa lo lắng. Còn với bố mẹ, khi biết con sẽ sang làm giáo viên tại Lào thì phản đối lắm. Tuy nhiên mình quyết tâm và cố gắng thuyết phục nên bố mẹ đã ủng hộ", thầy Phương nhớ lại.

Nói về những ngày đầu đến với Trường Tiểu học Thống Nhất, thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn dạy học, theo thầy Phương, lúc bấy giờ tiếng Lào chưa thông thạo để giao tiếp, văn hóa và đời sống sinh hoạt nơi đây khác biệt với Việt Nam, cộng thêm nỗi nhớ gia đình khiến thầy giáo trẻ gặp không ít khó khăn.

nlntv-img7926-1644547251102-1644581465.jpeg
Thầy giáo Trương Văn Phương cùng các đồng nghiệp người Lào tại Trường Tiểu học Thống Nhất, thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn (Ảnh: NVCC).

Dù vậy, bằng tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề và nhiệt huyết tuổi trẻ, thầy Phương đã nỗ lực mỗi ngày để tiếng Việt được nối dài trên đất bạn Lào. Để sớm hiểu hơn nơi mình làm việc, thời gian rảnh rỗi, thầy Phương theo chân học sinh về các gia đình Việt kiều để học tiếng Lào và tìm hiểu văn hóa của cư dân bản địa.

Học trò của thầy Phương chủ yếu ở bậc Tiểu học gồm con em người Lào và Việt kiều. Với sự gần gũi, thân thiện và hết lòng vì học sinh, thầy Phương luôn được các em yêu mến. Theo thầy Phương, học sinh người Lào cũng vô cùng hiếu học và đam mê tiếng Việt, đây chính là động lực giúp thầy Phương gắn bó với công việc tại Lào suốt 10 năm qua.

"Việc dạy chữ cho học sinh Lào đòi hỏi sự kiên nhẫn cao bởi tiếng Việt và tiếng Lào có sự khác biệt lớn. Khi dạy, ngoài chuẩn bị giáo án thì mình vừa phát âm nhưng cơ thể phải làm rất nhiều động tác tạo hình, thậm chí phải thể hiện bằng hình vẽ trên bảng để người học dễ hiểu hơn", thầy Phương chia sẻ thêm.

nlntv-img7924-1644547302992-1644581508.jpeg
Thầy Phương cũng tâm sự, dạy học trên đất bạn Lào không những thực hiện nghĩa vụ quốc tế mà còn có ý nghĩa trong việc gìn giữ, phát huy tiếng Việt, văn hóa Việt cho các thế hệ con em Việt kiều, cũng như học sinh người Lào (Ảnh: NVCC).

Thầy Phương kể, dạy học trên đất bạn Lào không những thực hiện nghĩa vụ quốc tế mà còn có ý nghĩa trong việc gìn giữ, phát huy tiếng Việt, văn hóa Việt cho các thế hệ con em Việt kiều, cũng như học sinh người Lào.

Thành quả lớn nhất mà thầy Phương nhận được sau những tháng ngày dài thực hiện nhiệm vụ đó chính là đã giúp nhiều học trò người Lào thông thạo tiếng Việt và tình yêu Việt Nam, qua đó tạo điều kiện để những học trò người Lào thực hiện nguyện vọng sang học tập tại các trường học ở Việt Nam.

Em Denouphab Outhen, ở thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn, một du học sinh Lào đang học Khoa Giáo dục Tiểu học tại Trường Đại Học Quảng Bình, là một trong những học sinh của thầy giáo Trương Văn Phương.

Theo em Denouphab Outhen, chính thầy giáo Phương là người giúp em có thể nói, viết thông thạo tiếng Việt, đồng thời là người truyền cảm hứng và nhiệt tình hướng dẫn để chàng trai người Lào này làm hồ sơ, thủ tục sang Việt Nam học tập.

"Thầy Phương đã dạy em tiếng Việt từ nhỏ, em rất yêu tiếng Việt và đất nước Việt Nam. Sau khi tìm hiểu em đã quyết định sang Việt nam học để về dạy học trò Lào như là thầy Phương đưa kiến thức sang dạy chúng em", em Denouphab Outhen cho biết.

nlntv-thay-giao-viet-va-hanh-trinh-10-nam-gieo-chu-tren-dat-lao-4-1644552488332-1644581386.jpeg
Gia đình nhỏ của thầy giáo Trương Văn Phương (Ảnh: NVCC).

Ở trên đất bạn Lào, mỗi năm thầy Phương và các giáo viên Việt Nam được 2 lần đón ngày hiến chương Nhà giáo, đó là Ngày Nhà giáo Lào (7/10) và Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Xa quê hương, nhưng ở trên đất bạn, thầy Phương luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ phụ huynh và người dân địa phương.

Sau hơn 10 năm sinh sống và làm việc trên nước bạn Lào, thầy Trương Văn Phương xem đất nước Triệu Voi như là quê hương thứ 2. Cũng trong thời gian đó, thầy Phương quen biết và tiến tới hôn nhân với cô giáo người Việt, cũng đang thực hiện nhiệm vụ dạy học tại Lào.

Sau thời gian về quê ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đón Tết Nguyên đán cùng gia đình, thầy giáo Trương Văn Phương cùng vợ và con gái 2 tuổi đã trở lại Lào để tiếp tục công việc.