Truyền thống quê hương, gia đình, sự thấu hiểu cảnh lầm than, khốn cùng của nhân dân cần lao dưới ách cai trị của thực dân Pháp và chế độ phong kiến thối nát đã hun đúc ý chí, quyết tâm vươn lên của người thiếu niên Trần Phú để trở thành thầy giáo và tham gia sáng lập tổ chức yêu nước Hội Phục Việt khi mới 18 tuổi; đánh dấu sự khởi đầu con đường hiến thân cho lý tưởng tranh đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của một nhân cách lớn, tấm gương mẫu mực về chí khí chiến đấu của người cộng sản, thể hiện trên các nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng kiên định, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn đấu tranh cách mạng. Giữa năm 1926, Hội Phục Việt cử Trần Phú và một số hội viên dự lớp huấn luyện, bồi dưỡng những kiến thức sơ giản về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga, Quốc tế Cộng sản, con đường cách mạng Việt Nam... do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Thanh niên tổ chức.
Sự kiện này làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức về chính trị tư tưởng, con đường cách mạng vô sản, Trần Phú quyết định gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được kết nạp vào Cộng sản đoàn. Khóa học kết thúc vào cuối năm 1926, đồng chí Trần Phú trở về Trung Kỳ hoạt động, tích cực tuyên truyền quan điểm, đường lối của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; ra sức vận động Hội Hưng Nam (tên mới của Hội Phục Việt) hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Trước sự truy lùng gắt gao của địch, đồng chí trở lại Quảng Châu, Trung Quốc hoạt động và được cử sang Nga theo học hai năm (1927-1929) ở Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Trong thời gian này, đồng chí Trần Phú đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Bolshevik Nga và được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu làm Bí thư Chi bộ của những người Cộng sản Việt Nam tại Trường. Mặc dù bị địch kết án tử hình vắng mặt, nhưng khi kết thúc khóa học, đồng chí Trần Phú vẫn trở về nước hoạt động, được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng lâm thời (tháng 7-1930) và được phân công chuẩn bị Luận cương chính trị của Đảng.
Bằng nhãn quan chiến lược, tư duy chính trị nhạy cảm, sáng tạo, đồng chí Trần Phú đã đóng góp to lớn vào hoàn thiện dự thảo Luận cương chính trị cùng nhiều văn kiện quan trọng, như: Án nghị quyết về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng; Điều lệ Đảng; Công nhân vận động; vấn đề thành lập Hội “Phản đế đồng minh”... trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất (tháng 10-1930) thông qua, góp phần hoàn thiện đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng. Luận cương chính trị là kết quả nghiên cứu, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin và nội dung cơ bản của Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt vào điều kiện cụ thể cách mạng Đông Dương để xác định, luận giải đúng đắn những vấn đề cơ bản, cấp thiết của cách mạng, đó là: Tính chất, mục tiêu, nhiệm vụ, động lực, đối tượng, con đường, phương pháp, hình thức đấu tranh cách mạng và vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng, “mãi mãi là ngọn đèn pha chiếu sáng con đường cách mạng của nhân dân ta”(1) vượt qua muôn trùng gian khổ, hy sinh từng bước giành thắng lợi vẻ vang.
Thứ hai, luôn bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, trực tiếp chỉ đạo củng cố, xây dựng tổ chức đảng và phong trào quần chúng cách mạng vững mạnh. Không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, đồng chí Trần Phú đã trực tiếp đi đến tận cơ sở để khảo sát phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân, thanh niên và các tầng lớp xã hội ở nhiều địa phương, như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, vùng mỏ Đông Bắc... để tìm hiểu về tình cảnh của công nhân, nông dân, tinh thần, thái độ giác ngộ cách mạng của các giai tầng xã hội và tổ chức hoạt động của các cơ sở Đảng nhằm nắm chắc, hiểu rõ tình hình, củng cố cơ sở cho xây dựng Luận cương chính trị. Qua đó, phát hiện những vấn đề khiếm khuyết trong công tác Đảng ở một số cơ sở Đảng cần phải điều chỉnh, thay đổi và đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, đề xuất chiêu tập, đoàn kết các tổ chức, lực lượng phản đế, như: Các hội công nông, học sinh, binh lính, thanh niên, phụ nữ và các đảng phái cách mạng khác... thành một hội phản đế thống nhất để thúc đẩy phong trào cách mạng. Trong thời gian ngắn, số lượng đảng viên và tổ chức đảng có sự phát triển vượt bậc, từ khoảng 300 đảng viên và 50 chi bộ khi Đảng mới thành lập thì đến tháng 4-1931 đã lên khoảng 2.400 đảng viên và 250 chi bộ; nhiều tổ chức quần chúng cách mạng được thành lập, như: Thanh niên Cộng sản Đông Dương, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cứu tế đỏ... góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, vị thế, uy tín của Đảng Cộng sản Đông Dương từ một chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp trở thành “chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản”(2).
Thứ ba, kiên quyết đấu tranh với trào lưu tư tưởng phi vô sản để Bolsherik hóa Đảng và kiên cường bất khuất trước kẻ thù, luôn tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Thời gian học tập ở Nga, đồng chí Trần Phú đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ quan điểm, tư tưởng của Lênin về đấu tranh chống lại bọn cơ hội trong Quốc tế II và phê phán quan điểm sai lầm của một số người quốc gia tư sản cho rằng ở Đông Dương không có giai cấp vô sản nhằm khẳng định lập trường vô sản của cách mạng Đông Dương. Trong Luận cương chính trị và các Án nghị quyết của Đảng thể hiện rất rõ ràng, đúng đắn những nguyên tắc, chiến lược, chiến thuật Bolsherik đã nói lên dấu ấn, đóng góp to lớn của đồng chí Trần Phú đối với Bolsherik hóa Đảng về mặt tư tưởng. Trong chỉ đạo thực tiễn, đồng chí luôn nhấn mạnh: Phải đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng quốc gia cải lương, dứt khoát phải khai chiến quả quyết với hoạt đầu chủ nghĩa trong Đảng, bởi vì “nếu còn không quả quyết khai chiến với nó, quyết liệt bới rễ nhổ gốc của nó trong Đảng thì không thể nào mong đào tạo cho Đảng được một nền tư tưởng cộng sản thống nhất”(3). Đồng thời, đề xuất Thường vụ Trung ương quyết định xuất bản báo nội bộ lấy tên là “Cộng sản” để đăng những bài bàn luận, giải thích, bày tỏ ý kiến của mọi cán bộ, đảng viên nhằm làm rõ chính sách của Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Đông Dương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng trong Đảng. Những vấn đề đó khẳng định “đồng chí Trần Phú luôn là người bảo vệ bền bỉ những nguyên tắc về lý luận về thực tiễn mácxít-lêninnít và là người kiên quyết chống lại bất cứ một sai nhỏ nào đi chệch đường lối chính trị chung của Quốc tế Cộng sản”(4).
Trong thời gian bị tù đày (từ ngày 19-4-1931 đến 6-9-1931), đồng chí Trần Phú đã nêu cao tấm gương sáng ngời về lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng, tinh thần bất khuất trước kẻ thù. Mọi âm mưu hiểm độc và tra tấn dã man không thể khuất phục ý chí đấu tranh của người cộng sản, ngược lại, đồng chí còn tận dụng quãng thời gian ngắn ngủi, quý báu của mình để tuyên truyền, động viên đồng chí, đồng đội luôn giữ vững chí khí chiến đấu, biến lao tù thành trường học cách mạng, giữ gìn khí tiết người cộng sản và bí mật của Đảng, của cách mạng. Lời nhắn nhủ hãy giữ vững chí khí chiến đấu của Tổng Bí thư Đảng trong lao tù trước lúc hy sinh đã trở thành lời hiệu triệu non sông, cội nguồn sức mạnh, “mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản trên toàn thế giới, đặc biệt là những người Cộng sản Đông Dương”(5) noi theo.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 50, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, H.2002, tr.11
(2), (3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 3, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, H.2002, tr.309, 97
(4), (5) Tạp chí Quốc tế Cộng sản, số 4, năm 1932, tiếng Nga (bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)