Suy nghĩ về việc đẩy mạnh khai thác giá trị của các danh nhân văn hóa trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Việt Nam (Phần 2 và hết)

Đinh Thảo
Trong lịch sử của mỗi dân tộc, các danh nhân là những đại diện xuất sắc cho nền văn hóa, bản sắc dân tộc. Thế giới biết đến danh tiếng của mỗi quốc gia, một phần là nhờ tầm ảnh hưởng, sự lan tỏa các giá trị mà danh nhân trên các lĩnh vực khác nhau (văn hóa, quân sự, khoa học, nghệ thuật v.v... ) lan tỏa ra bên ngoài biên giới quốc gia.
the-he-tre-vn-1700016481.jpg
Suy nghĩ về việc đẩy mạnh khai thác giá trị của các danh nhân văn hóa trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Việt Nam (Ảnh minh họa: Internet)

Trong lịch sử Việt Nam, những nhân vật lịch sử sau có thể xếp là những Danh nhân văn hóa: Chu Văn An (1292-1370) - người được nhân dân tôn vinh là Vạn thế sự biểu (Người thấy của muôn đời); Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791) - tác giả của bộ Bách khoa toàn thư của nền y dược học cổ truyền Việt Nam; Nguyễn Trãi (1380-1442) - người được Vua Lê Thánh Tông ban tặng câu thơ: “Ức trai tâm thượng quang Khuê tảo” (“Lòng Ức trai sáng tựa sao Khuê”); Nguyễn Du (1766 - 1820) -người được Đại Hội đồng Tổ chức Văn hóa Giáo dục của Liên hợp quốc (UNECO) tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới năm 2013, do có tinh thần tự hào dân tộc và tình yêu mãnh liệt với tiếng mẹ đẻ, người đã dũng cảm sử dụng chữ Việt (chữ Nôm) để sáng tác văn chương, đỉnh cao là kiệt tác Truyện Kiều, niềm tự hào của Việt Nam v.v...

Danh nhân lịch sử nói chung, Danh nhân văn hóa nói riêng là những nhân vật lịch sử có nhân cách đạo đức cao đẹp trong cuộc sống, tài năng kiệt xuất trong lĩnh vực mà họ hoạt động. Vì thế, cuộc đời và sự nghiệp của họ luôn là tấm gương cho hậu thế, có giá trị giáo dục, có tầm ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đối với các thế hệ sau. Chính vì vậy, trong bối cảnh Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; toàn cầu hóa nói chung, toàn cầu hóa về văn hóa nói riêng trở thành xu thế không thể đảo ngược hiện nay, việc tăng cường phát huy giá trị giáo dục của các danh nhân lịch sử, trong đó có Danh nhân văn hóa trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là rất cần thiết. Điều này sẽ góp phần rất lớn vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế. Hoạt động này sẽ giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam nhận diện được bản thân khi giao lưu với bè bạn quốc tế, qua đó, góp phần bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, củng cố niềm kiêu hãnh quốc gia.

Trong những năm đầu thế kỷ XXI, kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ, vị thế của quốc gia không ngừng cải thiện, sự giao lưu với thế giới bên ngoài được tăng cường, ngày càng có nhiều người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ sẽ đi du học, công tác ở nước ngoài. Thực tế đó, để phát triển bền vững, nhận diện được bản sắc Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, thiết nghĩ, chúng ta cần đánh giá đúng vai trò của “Danh nhân văn hóa” trong nỗ lực phát triển tri thức và nền văn hóa dân tộc, đó cũng chính là một cách để “bồi dưỡng sức dân”.

3. Thay cho lời kết

Trong hoạt động giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ, “Danh nhân văn hóa” luôn là nguồn cảm hứng để khơi dậy trong các em lòng tự hào dân tộc, nuôi dưỡng niềm đam mê, tâm gương về nhân cách đạo đức, đức tính kiên trì, nỗ lực vượt khó để đi đến thành công, xây dựng và bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do của dân tộc, hiện thực hóa lòng mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các em học sinh, đó là, phấn đấu để Việt Nam thịnh vượng, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Để tăng cường và phát huy giá trị của các Danh nhân văn hóa trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Việt Nam, theo quan điểm của cá nhân tác giả bài viết, chúng ta cần: (1) Nhận diện đầy đủ, chính xác sự nghiệp và công lao, đóng góp của các Danh nhân văn hóa: (2) Cần có chính sách đúng đăn, theo kịp thực tiễn của Nhà nước trong phát triển văn hóa, coi văn hóa là kim chỉ nam dân đường, chỉ lối cho quốc dân đi trong tiến trình phát triển của đất nước. Sự chung tay, đồng lòng của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của các nhà giáo dục, của nhà trường của tất cả các cấp học sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát huy tối đa giá trị giáo dục của cuộc đời, sự nghiệp của các Danh nhân văn hóa. Còn văn hóa là còn dân tộc. Điều đó vẫn đúng dù thế giới đổi thay nhanh chóng và sâu sắc.

PGS.TS Đào Tuấn Thành (Trường ĐHSP Hà Nội)