Phát biểu tổng kết Hội thảo Chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và phát triển bền vững

Dưới đây là bài phát biểu của PGS.TS. Nguyễn Thị Tố Quyên, Quyền trưởng khoa XHH&PT, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại Hội thảo "Chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và phát triển bền vững" tổ chức sáng 22/11 tại Hà Nội.
nlntv-toquyen-1669104901.jpg
PGS.TS. Nguyễn Thị Tố Quyên, Quyền trưởng khoa XHH&PT, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại Hội thảo

Kính thưa Bà Julia Behrens, Giàm dốc Dự án Khí hậu và Năng lượng châu Á!

Kính thưa PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Kính thưa các quý vị đại biểu và các nhà khoa học!

Sau hơn 3 giờ làm việc sôi nổi với 7 tham luận và ý kiến trao đổi tại hội trường, có thể nói hội thảo khoa học quốc tế Chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và phát triển bền vững của chúng ta đã thành công tốt đẹp. Đây thực sự là diễn đàn khoa học quan trọng cho các nhà hoạt động thực tiễn, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý Việt Nam trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau nhìn nhận chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và phát triển bền vững từ cả góc độ chính sách và thực tiễn cũng như của địa phương cụ thể, đồng thời qua đó bàn luận các giải pháp nhằm hướng tới đảm bảo cơ hội việc làm, quyền lợi của người lao động.

Các tham luận và ý kiến trao đổi tập trung vào 3 vấn đề lớn:

(1) Chuyển đổi năng lượng tại một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam; 

(2) Chuyển đổi năng lượng nhìn từ góc độ chính sách của một số quốc gia và Việt Nam

(3) Chuyển đổi năng lượng và các khía cạnh về việc làm, quyền lợi của người lao động

(4) thực trạng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam và trên địa bàn tỉnh Quảng Nam 

Thứ nhất, Chuyển đổi năng lượng tại một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam 

Nhiều nước ở Châu Âu vẫn đang nỗ lực tìm nhiều phương án để tăng sản xuất điện bằng NLTT như Điện mặt trời và điện gió đã tăng lên 25%. Nếu tính tất cả các nguồn năng lượng sạch thì tỷ trọng là 37%. Tính từ tháng 3 đến tháng 10 năm 2022 điện mặt trời và điện gió đã tiết kiệm được cho Châu Âu 99 tỷ Ero không phải mua khí đốt. Tỷ lệ NLTT trong cơ cấu năng lượng tại Asean năm 2020 là 14,2% và đưa ra mục tiêu 23% vào năm 2025.

Tại Việt Nam, những chủ trương, chiến lược phát triển NLTT đã được xác định từ sớm: các chính sách phát triển năng lượng tái tạo đã có từ sớm như Phát triển thủy điện từ những năm 2000, Phát triển điện gió từ sau 2010, …và năm 2020 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. 

Thứ hai, Chuyển đổi năng lượng nhìn từ góc độ chính sách của một số quốc gia và Việt Nam.

Đối với nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt là Đức từ cuối những năm 1990, chính phủ Đức đã thông qua một loạt các đạo luật nhằm mục đích chuyển gần như toàn bộ nền kinh tế Đức sang NLTT. Các mục tiêu: Năm 2022 tất cả các nhà máy điện hạt nhân ở Đức sẽ bị đóng cửa. Năm 2050, 80 phần trăm nguồn điện là từ năng lượng xanh. Điều này cũng tương tự với nhiều nước ở Châu Âu mặc dù điện than vẫn đang là nguồn cung cấp chính nhưng ngày càng nhiều các chính sách hỗ trợ nhằm tăng nguồn điện từ nguồn năng lượng tái tạo, điều này cũng phù hợp với nguyện vọng của đa số dân chúng các nước này.

Việt Nam mặc dù là quốc gia có sự phát triển về nguồn năng lượng tái tạo muộn hơn so với nhiều nước trên thế giới và khu vực nhưng Chính phủ VN đã có nhiều chính sách mạnh mẽ để thu hút làn song đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực NNTT như điện gió, điện mặt trời.

Thứ ba, Chuyển đổi năng lượng và các khía cạnh về việc làm, quyền lợi của người lao động. 

Chính phủ đã và đang tiếp tục triển khai các chính sách chuyển dịch công bằng đối với các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng với nguyên tắc lấy con người làm trung tâm, duy trì việc làm bền vững cho NLĐ. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy có nhiều thách thức trong quá trình chuyển dịch công bằng đó là Cần phát triển cân bằng giữa công nghệ và nhân lực; Lực lượng lao động có chuyên môn còn chưa nhiều trong khi các cơ sở đào tạo sinh viên ngành năng lượng tái tạo còn hạn chế, quy mô không tăng.

Thứ tư, thực trạng phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. 

Quảng Nam là tỉnh có nhiều tiềm năng về địa lý, khí hậu để phát triển năng lượng tái tạo nên việc phát triển điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, thủy điện nhỏ, điện rác là rất có tiềm năng. Tuy nhiên, trên thực tế việc phát triển được hết các loại hình năng lượng tái tạo là không dễ dàng bởi cơ chế chính sách thường xuyên thay đổi, các quy định ngày càng khắt khe (đặc biệt là vấn đề môi trường), Công tác đất đai, bồi thường - giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập. 

Kính thưa các quý vị đại biểu

Việt Nam đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và sạch hơn. Đây là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững. Phát triển năng lượng xanh, còn gọi là năng lượng tái tạo hay năng lượng sạch đang dần chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững ở các nước

Tôi hi vọng rằng, hội thảo đã mang lại những tri thức khoa học hữu ích cho các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý. Xin hẹn gặp lại quý vị đại biểu trong các hoạt động nghiên cứu, hợp tác khác. Xin trân trọng cảm ơn sự chú ý của các quý vị đại biểu và xin chúc các quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Trân trọng cảm ơn. 

Huyền Anh