Ông Macron tái đắc cử Tổng thống Pháp, dư luận thế giới nói gì?

Tái đắc cử Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron nhận được nhiều lời chúc mừng từ giới lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, cũng có người bày tỏ lo ngại khi mà ông sẽ phải đối mặt với không ít thách thức cả về kinh tế, xã hội, đối ngoại và vấn đề môi trường.
ong-macron-tai-dac-cu-tong-thong-phap-du-luan-the-gioi-noi-gi-01-1650853629.jpg
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp những người ủng hộ sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Paris, tối 24/4/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đúng 8h tối 24/4 (giờ địa phương), kết quả bầu cử Tổng thống Pháp năm 2022 được công bố. Không nằm ngoài dự đoán, Tổng thống Emmanuel Macron tái đắc cử với tỷ lệ sơ bộ là 58%. Với kết quả này, ông Emmanuel Macron (44 tuổi) là Tổng thống mãn nhiệm đầu tiên tái đắc cử kể từ sau nhiệm kỳ của cố Tổng thống Jaques Chirac (2002-2007).

Giới lãnh đạo châu Âu là những người đầu tiên gửi lời chúc mừng tới ông Macron. Thông điệp trọng tâm trong những lời chúc chính là sự ổn định của châu Âu.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết Liên minh châu Âu (EU) hiện có thể "trông cậy vào nước Pháp" trong 5 năm nữa. Ông Michel cho hay: "Trong giai đoạn hỗn loạn này, chúng ta cần một châu Âu vững chắc và một nước Pháp hoàn toàn cam kết với một Liên minh châu Âu có chủ quyền hơn và chiến lược hơn".

Cảm ơn các bạn đã tiếp cho tôi niềm tin để làm nên một nước Pháp độc lập hơn và một châu Âu mạnh mẽ hơn, thông qua việc đầu tư và những thay đổi sâu rộng… đưa nước Pháp trở thành một quốc gia sinh thái tuyệt vời... Tôi không phải là ứng cử viên của một phe phái nào, tôi là Tổng thống của tất cả mọi người... Tôi rất tự hào khi được phục vụ các bạn thêm một lần nữa - Tổng thống Macron phát biểu sau khi tái đắc cử.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bày tỏ vui mừng vì có thể tiếp tục "mối quan hệ hợp tác tuyệt vời". Bà der Leyen viết: "Tôi mong muốn chúng ta tiếp tục hợp tác sâu rộng và mang tính xây dựng trong EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên trong liên minh".

ong-macron-tai-dac-cu-tong-thong-phap-du-luan-the-gioi-noi-gi-02-1650853800.jpg
Ông Macron đã giành chiến thắng ấn tượng trước bà Le Pen (Ảnh: CNBC)

Về phía các nước thành viên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng cử tri Pháp đã cho thấy cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mạnh mẽ ở châu Âu. Thủ tướng Italia Mario Draghi gọi chiến thắng của Macron là "tin tuyệt vời cho toàn châu Âu". Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết cử tri Pháp đã đưa ra "lựa chọn mạnh mẽ", lựa chọn "giá trị chắc chắn và khai sáng".

Các nhà lãnh đạo Thụy Điển, Romania, Lithuania, Phần Lan, Hà Lan và Hy Lạp cũng đều chúc mừng Tổng thống Pháp Macron chỉ trong vòng nửa giờ sau khi có kết quả bầu cử.

Dù thừa nhận thất bại trước ông Macron, đối thủ chính Marie Le Pen (phe cực hữu) vẫn cho rằng kết quả bầu cử cho thấy "chiến thắng rực rỡ". Bà Le Pen tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh với Tổng thống Macron, nói rằng bà "không bao giờ bỏ rơi" nước Pháp và đã chuẩn bị cho "cuộc chiến" trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6.

"Kết quả này là minh chứng cho thấy sự mất lòng tin lớn của người dân đối với họ" - bà nói và đề cập đến những người nắm quyền ở Pháp cùng Liên minh châu Âu (EU).

Dù đã rời khỏi EU, Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi Pháp là một trong những đồng minh thân cận và quan trọng nhất của Anh. Chia sẻ trên Twitter, bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục làm việc cùng nhau về các vấn đề quan trọng nhất của hai quốc gia và thế giới.

Tổng thống Ukraine hôm 25/4 cũng đã gửi lời chúc mừng Tổng thống Pháp Macron tái đắc cử. Trong khi đó, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban của Hội đồng Liên bang Nga về các vấn đề Quốc tế Vladimir Dzhabarov nói: "Chiến thắng của ông Macron đã được mong đợi, nhưng cuộc bầu cử cũng cho thấy một số thành công nhất định đối với bà Marine Le Pen. Một bộ phận đáng kể người Pháp không hài lòng với các chính sách của Liên minh châu Âu và NATO".

Theo dự báo, trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Macron sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức về kinh tế, xã hội, đối ngoại cũng như môi trường. Trước mắt, là cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6 tới bởi vì để có thể hiện thực hóa tham vọng cải cách đất nước, ông sẽ phải giữ được thế đa số.

Bảo Châu