NATO tiết lộ kế hoạch hạt nhân mới của châu Âu

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ sẽ đóng vai trò chủ lực trong nhiệm vụ chia sẻ hạt nhân của các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
nato-tiet-lo-ke-hoach-hat-nhan-moi-cua-chau-au-1650028868.jpg
Hai máy bay F-35 hoạt động tại căn cứ không quân 86 ở Romania tháng 2/2022. Ảnh: AP

Dẫn lời giám đốc chính sách hạt nhân của NATO, kênh truyền hình RT cho biết các nhà hoạch định chính sách NATO đang cập nhật chương trình “chia sẻ hạt nhân” của Mỹ để hầu hết các đồng minh châu Âu được trang bị máy bay tấn công F-35.

“Chúng tôi đang xúc tiến nhanh theo hướng hiện đại hóa F-35 và đưa loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này vào các kế hoạch tập trận, huấn luyện. Cuối thập kỷ này, gần như tất cả các đồng minh sẽ chuyển sang sử dụng F-35”, Jessica Cox, Giám đốc về chính sách hạt nhân của NATO, phát biểu trong một cuộc thảo luận trực tuyến do Trung tâm Răn đe Liên minh Vũ khí Hạt nhân Tiên tiến (ANWA DC) tổ chức ngày 13/4.

Phát ngôn của bà được đưa ra một tháng sau khi Đức tuyên bố sẽ thay thế các máy bay Tornado thành F-35, cam kết mua gần 40 chiếc máy bay và giải thích nhiệm vụ chia sẻ hạt nhân là yếu tố thúc đẩy quyết định này.

Bà Cox cho hay các đồng minh NATO khác hiện vận hành F-35, như Ba Lan, Đan Mạch và Na Uy, có thể được yêu cầu hỗ trợ các sứ mệnh chia sẻ hạt nhân trong tương lai. Ngoài Đức, Bỉ, Hà Lan, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang sở hữu khoảng 150 vũ khí hạt nhân của Mỹ - chủ yếu là bom trọng lực B-61.

Gần đây, Phần Lan và Thụy Điển lên tiếng muốn gia nhập NATO. Vào đầu tháng 2, Helsinki tuyên bố sẽ mua khoảng 60 chiếc F-35.

Đáp trả trước các động thái trên, Nga tuyên bố rằng sẽ buộc phải bố trí lại binh sĩ và lực lượng răn đe hạt nhân sao cho tương thích.

Mỹ triển khai bom hạt nhân ở châu Âu kể từ những năm 1960. Yêu cầu chấm dứt chương trình này nằm trong danh sách điều kiện an ninh mà Moskva đưa ra với Mỹ và NATO vào tháng 12/2021, song yêu cầu đã bị từ chối vào tháng 1/2022 - một tháng trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Ban đầu, chiến đấu cơ F-35 được đề xuất là phương tiện thay thế hiệu quả và tiết kiệm chi phí đối với nhiều mẫu máy bay cũ đang phục vụ trong Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ. Tuy nhiên, sau này, chi phí phát triển F-35 đã bị đẩy lên hơn 1.700 tỷ USD và được đánh giá là chương trình vũ khí tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Ngoài giá, mẫu chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm này cũng vướng phải các vấn đề về hiệu suất, đến mức vào tháng 2/2021, tham mưu trưởng Không quân Mỹ đã yêu cầu nghiên cứu một loại máy bay khác.