Cuộc chiến ở Ukraine khiến nền kinh tế châu Âu không thể quay về bình thường

Cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đã khiến nền kinh tế và thị trường của châu Âu dịch chuyển với quy mô lớn hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đó như đại dịch Covid-19, các nhà kinh tế học cho hay.

Vì chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, các nhà lãnh đạo châu Âu đã buộc phải nhanh chóng thúc đẩy kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Nghị viện châu Âu ngày 7/4 đã kêu gọi cấm vận toàn bộ và ngay lập tức dầu mỏ, than đá, năng lượng hạt nhân và khí đốt Nga.

ukrai-1649765559.jpg
Ảnh minh họa: Reuters

Tuy nhiên, những động thái này cũng đang khiến nền kinh tế châu Âu phải trả giá, đẩy lạm phát lên mức cao kỷ lục và đe dọa làm suy yếu quá trình khôi phục sản xuất bắt đầu vào năm ngoái khi các nền kinh tế nỗ lực vực dậy sau đại dịch Covid-19.

Người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu vĩ mô toàn cầu Carsten Brzeski nhận định hồi tuần trước rằng, châu Âu đang đứng trước nguy cơ mất đi khả năng cạnh tranh trên thế giới do tác động từ các lệnh trừng phạt Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

"Đối với châu Âu, cuộc chiến này đang làm thay đổi cuộc chơi thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả đại dịch Covid-19. Tôi không chỉ nói về các chính sách quốc phòng và an ninh mà còn là toàn bộ nền kinh tế", ông Brzeski cho hay.

"Khu vực đồng euro hiện đang chứng kiến sự suy giảm của mô hình kinh tế căn bản - một nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu với công nghiệp đóng vai trò xương sống và phụ thuộc lớn vào nhập khẩu năng lượng".

Hiện nay, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa thể nhất trí về lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga. Trong khi EU nhất trí về nhiều biện pháp trừng phạt Moscow thì các quốc gia thành viên vẫn bất đồng về lệnh cấm nhập khẩu năng lượng Nga. Điều đó là bởi nhiều nước EU vẫn phụ thuộc lớn vào năng lượng Nga.

Hungary đã phủ quyết lệnh cấm nhập khẩu hoàn toán khí đốt Nga, đồng thời nói khí đốt Nga là lựa chọn duy nhất bởi quốc gia này không giáp biển nên không thể nhận được khí tự nhiên hóa lỏng trực tiếp từ Mỹ. Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc các nước EU cần ít phụ thuộc hơn vào năng lượng Nga, cho rằng việc mua khí đốt từ Nga là đang "tài trợ cho chiến tranh". Tuy nhiên, ông thừa nhận không thể cắt giảm phụ thuộc vào 55% khí đốt Nga chỉ sau 1 đêm khi dẫn ra trường hợp của Đức, quốc gia cảnh báo điều này sẽ dẫn đến sự "sụp đổ" của nền kinh tế.

Hưởng lợi từ toàn cầu hóa và sự phân chia lao động trong những thập kỷ gần đây, khu vực đồng euro hiện đang tăng cường chuyển dịch sang năng lượng xanh và theo đuổi sự độc lập về năng lượng, đồng thời tăng cường ngân sách cho quốc phòng, kỹ thuật số và giáo dục.

"Châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng nhân đạo và sự dịch chuyển kinh tế quan trọng. Chiến tranh đang diễn ra ở ngay tại "giỏ bánh mì" của châu Âu - một khu vực sản xuất lúa mì và ngô quan trọng. Giá lương thực sẽ tăng lên mức chưa từng có. Lạm phát cao ở các nền kinh tế phát triển cũng có thể là vấn đề sống còn với những nền kinh tế đang phát triển", ông Brzeski nói.

Sự dịch chuyển căn bản trong nền kinh tế của châu Âu và nền kinh tế toàn cầu sẽ gia tăng sức ép lên các ngân hàng trung ương và các chính phủ đang gặp khó khăn trong việc điều chỉnh tỷ lệ lạm phát, các nhà kinh tế thừa nhận./.