Hơn hai năm trước, tôi đến Lộc Điền và được nghe các nữ CCB kể câu chuyện đầy cảm động về bà Trần Thị Đẹp, một CCB trách nhiệm và nghị lực. Tuy sức khỏe yếu và hoàn cảnh gia đình còn gặp nhiều khó khăn nhưng bà Đẹp vẫn tích cực tham gia đều đặn các phong trào hoạt động của ban liên lạc nữ CCB và hội CCB xã Lộc Điền; tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới và Quỹ "Nghĩa tình đồng đội"...
Tuy nhiên, có một điều canh cánh trong lòng các thành viên ban liên lạc, bởi từ trước đến nay, bà Đẹp chưa làm hồ sơ thương binh. Bà luôn suy nghĩ liệu có làm được không, hay chỉ tốn thêm thời gian? Cảm thương trước hoàn cảnh của bà, tôi đề nghị các thành viên ban liên lạc nữ CCB xã Lộc Điền tạo điều kiện để tôi được gặp, tìm hiểu kỹ câu chuyện về bà Đẹp.
Bà Đẹp đang sống trong căn nhà tình nghĩa được Ban liên lạc nữ CCB xã Lộc Điền vận động quyên góp, cùng lãnh đạo, các ban, ngành đoàn thể địa phương xây tặng vào năm 2012. Qua trò chuyện, tôi được biết, bà Đẹp tham gia cách mạng tháng 10-1968. Bà thuộc cán bộ giao liên mật đơn vị C4 đội biệt động huyện Ba Tri (Bến Tre). Ngày 10-12-1974, bà bị thương trong một trận đánh đồn, mảnh mìn của địch ghim vào lồng ngực phải. Sau khi bị thương, bà được điều trị tại Bệnh viện tỉnh Bến Tre, đến ngày 20-12-1974 thì ra viện.
Lúc tôi gặp thì cũng là hơn 46 năm bà Đẹp âm thầm “giữ” mảnh mìn trong lồng ngực. Bà cho biết, mỗi khi trời trở gió, thời tiết nóng lạnh thất thường, bà hay ho lên đờm, đau tức vùng ngực. Những lần cơn đau tức ngực ập đến dữ dội, bà lại phải vào viện. Quá trình bà Đẹp điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Ninh, trong bệnh án đều ghi: Vật cản quang kim khí ở ngực (P). Hiện nay, chồng bà đã mất, hoàn cảnh gia đình khó khăn, dù sức khỏe yếu nhưng bà Đẹp hằng ngày vẫn phải đi làm thuê: Hái tiêu, nhặt điều... theo mùa vụ để mưu sinh.
Năm 2020, khi bà Đẹp mang hồ sơ xác nhận bị thương kèm theo phim chụp lồng ngực ở Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Ninh về Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ba Tri thì được cán bộ chuyên trách đề nghị lên Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre chụp vùng ngực. Kết quả qua chụp X-quang tại Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu được các bác sĩ xác định, ghi rõ: Mảnh mìn Claymor ngực (P) khoảng gian giữa sườn 3-4 trước.
- Sao bà không đi làm hồ sơ thương binh để hưởng các chế độ, chính sách đối với người có công nhằm giảm bớt khó khăn trong cuộc sống?-tôi hỏi.
- Cái khó của tôi là thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị giao liên mật, thân phận được giấu kín nên tôi chưa hiểu việc tiến hành làm thủ tục thương binh đối với cán bộ giao liên mật sẽ tiến hành như thế nào? Phần vì sức khỏe yếu, phần vì hoàn cảnh gia đình còn khó khăn... -bà Đẹp trả lời.
Sau đó, bà Đẹp lấy từ trong tủ ra giấy tờ, hồ sơ xác nhận bị thương của các cấp chính quyền địa phương và đồng đội cho tôi xem.
Trước đề nghị của tôi, bà Đẹp trao cho tôi toàn bộ hồ sơ tham gia kháng chiến và bị thương rồi ký nhận trước sự chứng kiến của bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Trưởng ban liên lạc nữ CCB xã Lộc Điền. Ngay sau đó, tôi mang hồ sơ của bà đến Bộ CHQS tỉnh Bình Phước. Được các đồng chí trong Ban Chính sách, Phòng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Bình Phước hướng dẫn, giúp đỡ, ít hôm sau, tôi đưa bà Đẹp đến nộp hồ sơ về Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ba Tri (Bến Tre). Cán bộ chuyên trách phòng đề nghị bà Đẹp lên Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre chụp lại phim lồng ngực và được xác định kết quả vết thương như kể trên.
Sau gần hai năm, kể từ ngày nộp hồ sơ tham gia kháng chiến và các giấy tờ, phim chụp liên quan bị thương của bà Đẹp đến Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ba Tri, hiện bà Đẹp đã được Trung tâm Giám định y khoa, pháp y tỉnh Bình Phước mời đi giám định vết thương tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước. Thông qua bài báo này, mong rằng, các cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng giải quyết chế độ, chính sách cho bà Đẹp, bởi ngoài mảnh mìn còn nằm trong vùng ngực, bà Đẹp còn mang bệnh tiểu đường tuýp 2, hiện bà rất cần những hỗ trợ về chế độ, chính sách để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.