Những điều mừng và lo với thị trường lao động năm 2022

Tín hiệu mừng đầu năm 2022 với thị trường lao động, việc làm đó là không thiếu hụt lao động lớn sau dịp Tết Nguyên đán như mọi năm.
mung-va-lo-voi-thi-truong-lao-dong-1644553668.jpg
Mừng và lo với thị trường lao động

Theo thống kê của nhiều doanh nghiệp, nhất là ở các thành phố tập trung các khu công nghiệp như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng... thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất. Trước đó đã có nhiều ý kiến lo ngại sau đợt dịch Covid-19 căng thẳng, nhiều doanh nghiệp ngừng hoặc thu hẹp sản xuất, người lao động (NLĐ) nghỉ việc phần vì do không có việc làm, phần vì lo phòng, chống dịch nên sẽ trở về các địa phương hoặc đi tìm việc làm mới mà không quay trở lại. Nhưng rất mừng là điều đó không xảy ra.

Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường lao động sau Tết không “khát” như mọi năm. Do tình hình dịch bệnh, nhiều NLĐ đã không về quê ăn Tết như thường lệ mà ở lại nơi làm việc. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp bước vào sản xuất, họ đã sẵn sàng được ngay. Thứ hai, các doanh nghiệp ngày càng coi NLĐ là trụ cột, là sự sống còn của mình. Bởi thế, doanh nghiệp đã có những chính sách để thu hút và giữ chân NLĐ.

Cùng với chế độ lương, thưởng, doanh nghiệp quan tâm đến NLĐ tốt hơn qua việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho họ, từ vấn đề nhà ở, sinh hoạt, điều kiện ăn học của con công nhân, điều kiện khám, chữa bệnh... Tại một số thành phố, các doanh nghiệp phối hợp với công đoàn các cấp còn có những hình thức hỗ trợ thiết thực khác như: Tặng quà, tổ chức xe đưa đón hoặc hỗ trợ tiền tàu xe dịp lễ, tết để thuận lợi cho NLĐ quay lại làm việc...

Chính điều đó khiến mối quan hệ giữa NLĐ và doanh nghiệp trở nên bền chặt, gắn bó, cần đến nhau, cùng có lợi ích. Doanh nghiệp có thể phải bớt thêm một phần lợi nhuận để bù đắp, tái tạo tốt sức lao động, nhưng họ sẽ được nhiều hơn. Đó là sự gắn bó, yêu mến nơi làm việc của NLĐ. Không gì bền vững hơn khi cả hai bên đều được bảo đảm lợi ích thiết thực, lâu dài.

Tuy vậy, đầu năm 2022, thị trường lao động cũng xuất hiện tín hiệu đáng lo. Theo đại diện của nhiều doanh nghiệp, họ đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, mà điều này khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Trong bối cảnh bùng nổ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới thì yêu cầu lao động chất lượng cao là tất yếu.

Việt Nam giờ không chỉ là công xưởng gia công, lắp ráp đơn thuần mà đang hướng mạnh đến sự sáng tạo đi liền với công nghệ, khoa học kỹ thuật, dịch vụ ứng dụng vào sản xuất, chế tạo. Bởi thế, nhiều ngành, nghề đang "khát" nhân lực chất lượng cao, nhất là những lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng... Theo báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện ở nước ta, lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, mới đạt 24,5% năm 2020, cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Kỹ năng lao động của Việt Nam chỉ đạt 46/100 điểm, kém xa Singapore, Malaysia và Thái Lan. Đây chính là thách thức có thể sẽ kéo theo sự tụt hậu của đất nước. Nguồn lao động giá rẻ dồi dào vốn là lợi thế nhưng nếu không nhanh chóng chủ động thay đổi cơ cấu sẽ trở thành rào cản cho doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hội nhập.

Để tuyển được nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp mất nhiều công sức. Từ việc tìm hiểu, tuyển dụng, đào tạo đến tích lũy kinh nghiệm làm việc của NLĐ. Trên thực tế, nếu một mình doanh nghiệp sẽ không thể đảm đương được. Theo các chuyên gia, nhà quản lý, điều quan trọng nhất là việc đào tạo phải bài bản, có chiến lược ở tầm quốc gia, giải quyết thỏa đáng vấn đề mấu chốt giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.

Một điều quan trọng nữa đó là các cơ quan quản lý, ngành chức năng cần tập trung vào đánh giá, dự báo các ngành, nghề mới trong tương lai để có sự chủ động tham mưu chính sách từ sớm. Suy cho cùng, đây là một lĩnh vực không thể “ăn xổi ở thì”.