Nhân lực AI chỉ đáp ứng 10% nhu cầu tuyển dụng, giải pháp nào cho đào tạo nhân lực chất lượng cao AI?

Thị trường AI trên toàn thế giới có trị giá 59,67 tỷ USD (2021), và dự đoán đạt hoảng 422,37 tỷ USD (2028), với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 39,4%. Theo các báo cáo chỉ số sẵn sàng về AI của chính phủ (Oxford Insights) phối hợp cùng Trung tâm NCPT quốc tế Canada (2021), Việt Nam đứng 62/160, và tăng 14 bậc so với năm 2020.
dao-tao-ai-vietnam-1664600150.jpg
(Ảnh minh họa Internet)

Trong 1.600 cán bộ người Việt đang nghiên cứu, và làm việc trong lĩnh vực AI trên toàn thế giới, có 700 người đang làm tại Việt Nam, số chuyên gia chỉ khoảng 300 người.

TS. Đinh Minh (Chủ nhiệm cấp cao Chương trình thạc sĩ AI, RMIT) cho biết, lĩnh vực AI đang phát triển như vũ bão, hiện tại khó có thể tìm được một chuyên gia có kiến thức sâu về AI như máy học - machine learning, ngôn ngữ... Công tác đào tạo hiện nay chỉ đáp ứng 10% nhu cầu tuyển dụng.

Còn ông Nguyễn Xuân Hoài (Viện trưởng viện Trí tuệ nhân tạo Việt nam) cho hay các doanh nghiệp ngày càng ứng dụng AI nhiều hơn, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là sự thiếu hụt nguồn lực về AI chất lượng. AI đang dần trở thành một ngành công nghiệp, là một nghề mới, nên khó khăn cũng là chuyện của cả thế giới.

Một thực tế đáng buồn là các ngành đào tạo hiện này đa dạng, nhưng lượng sinh viên đăng ký học AI, khoa học dữ liệu lại đang thấp nhất trong ngành học  CNTT. Có thể nghe đến nghề AI mông lung và quá cao siêu, thậm chí ít thông tin tham khảo nên phụ huynh và học sinh không dám lựa chọn, do vậy thiếu lại càng thiếu - ông Hoài đặt vấn đề.

nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-ai-1664600261.jpg
(Ảnh minh họa Internet)

Giải pháp liên kết với doanh nghiệp, đào tạo ở nước ngoài để có được nguồn nhân lực AI?

Ông Anissh Pandey (GĐ NVIDIA ASEAN) nhấn mạnh, trong đào tạo AI cần 3 yếu tố: hạ tầng, dữ liệu và nhân tài là trọng nhất. Ông đánh giá, Việt Nam đang cho thấy tốc độ phát triển AI hàng đầu khu vực, nhưng hạn chế là cơ sở hạ tầng còn thiếu nên khó thu hút nhân tài. Tuy được Chính phủ khuyến khích phát triển đào tạo lĩnh vực AI nhưng tốc độ phát triển và đào tạo AI để đáp ứng nhu cầu vẫn còn khoảng cách khá lớn.

TS. Đinh Minh, cho biết thời gian qua RMIT đã liên kết đào tạo AI tai Australia nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường, và đáng mừng lượng sinh viên tham gia chương trình AI đó rất lớn, cao hơn nhiều so với ngành khoa học máy tính.

Ở Australia, AI nền tảng để sinh viên ở lĩnh vực khác có thể tìm hiểu, và không chỉ là bộ phận liên quan đến CNTT. Ông Minh cũng nhấn mạnh, AI hoàn toàn có thể ứng dụng vào kinh tế, thị trường..

Ngoài ra ông Nguyễn Xuân Hoài còn khuyến nghị, để đào tạo nguồn lực chất lượng cao AI ở Việt Nam cần làm tốt hai yếu tố chi phí và nền tảng. Để làm tốt điều này các trường đại học cần hệ thống thiết bị máy móc, cơ sở hạ tầng tốt nhất để đào tạo. Ngoài ra cần cung cấp đúng, đủ và thông tin rõ ràng cho các bậc phụ huynh và học sinh.

Tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022 (AI4VN 2022), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình ứng dụng AI vào cuộc sống, bởi nguồn nhân lực còn thiếu, việc đào tạo chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của các công ty công nghệ trong nước và cả các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

“Trước đây, chúng ta nói về ‘xóa mù’ công nghệ thông tin, thì giờ là ‘xóa mù’ AI”, Phó Thủ tướng khẳng định và mong muốn đưa AI vào trường học để từ các em học sinh cũng có thể tiếp cận sớm.

Theo Phó thủ tướng, cần đào tạo nguồn nhân lực AI mở rộng, nghĩa là không chỉ dành cho những nhân tài, người giỏi, người làm trong lĩnh vực AI, công nghệ thông tin..., mà dành cho tất cả mọi người, ở mọi lĩnh vực.
 

Bùi Xuân Thắng/TH