Đề xuất được đưa ra tại hội thảo "Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững", tại đây các chuyên gia bàn về tác động của biến đổi khí hậu, từ đó thảo luận mô hình, công nghệ nhằm phát triển bền vững.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Trực, Khoa các Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, chỉ ra thực trạng dư thừa tro xỉ. Ông dẫn, công suất nhà máy điện than khoảng 18.000 MW/năm sẽ phát thải trung bình tới gần 17 triệu tấn tro và xỉ. Theo dự tính tới năm 2030, tồn dư khoảng 422 triệu tấn, mỗi năm thải thêm ra môi trường 32 triệu tấn.
"Nếu bãi thải đắp cao trung bình 5 m thì sẽ cần 65 km2 để chứa tro xỉ, và mỗi năm thêm 5 km2, tương đương diện tích một xã ở đồng bằng Bắc Bộ", ông nói. Ông nhận định, phát thải công nghiệp và năng lượng cho ra nhiều tro xỉ dẫn tới hệ lụy môi trường như ô nhiễm không khí, đất, nước.
PGS Trực dẫn số liệu thống kê cho thấy mỗi năm nhu cầu cát xây dựng cần khoảng 120 triệu m3, trong đó lượng cát khai thác được là 28.985 triệu m3/năm (chỉ đáp ứng được 24,2%). Sản lượng cát nhân tạo ở trong nước, chủ yếu là cát nghiền, chỉ đáp ứng 2,5% thị trường, song có nhiều bất cập như lãng phí thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Việc thiếu hụt vật liệu xây dựng dẫn tới gia tăng nạn khai thác cát trái phép gây ra nguy cơ cho các dòng sông như xói lở bờ sông, gia tăng tần suất lũ quét, lũ bùn đá, đe dọa an toàn đê điều và sinh kế địa phương.
Trước bài toán này, PGS Trực cùng các cộng sự đã xây dựng mô hình tận dụng xỉ đáy của nhà máy nhiệt điện than để sản xuất cát nhân tạo. Nhóm nghiên cứu xác định ba hạn chế của xỉ đáy là cường độ của hạt thấp, tính nở và hoạt hóa mạnh, cùng với độ thoi dẹt của hạt xỉ lớn. Những "điểm yếu" này được khắc phục bằng công nghệ có tên chọn lọc phân đoạn và giảm hoạt hóa, trong đó biến một phần đặc tính vốn có của xỉ đáy tiệm cận tới các đặc điểm của cát tự nhiên. Đây là mô hình mới đã được đăng kí độc quyền sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ.
Từ việc phát triển mô hình và nghiên cứu xỉ đáy ở các nhà máy nhiệt điện ở Thái Nguyên, Quảng Ninh, nhóm bước đầu đưa ra sản phẩm cát nhân tạo mẫu, dự kiến sẽ thương mại hóa vào cuối năm 2023. Theo ông Trực, việc nghiên cứu thành công cát nhân tạo từ xỉ đáy thay thế cát tự nhiên không chỉ giải quyết được bài toán khan hiếm cát mà còn góp phần tái sử dụng chất thải công nghiệp. Về hiệu quả kinh tế sản phẩm, PGS Trực cho biết cát nhân tạo được tính toán sẽ có giá thành rẻ hơn so với cát tự nhiên cùng loại từ 10-25%.
"Các nghiên cứu của chúng tôi đưa ra nhằm tận dụng các phế thải công nghiệp để bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu", PGS Trực nói.
Ở góc nhìn khác, TS Dư Văn Toán, Viện nghiên cứu biển và hải đảo, đề xuất cần phát triển mô hình điện gió ngoài khơi ở vùng biển Việt Nam, coi đó là tác động nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu.
TS Toán phân tích cho thấy, mô hình năng lượng gió ngoài khơi chỉ phát thải 16gCO2/kWh, thấp hơn nhiều so với các nguồn khác, như điện mặt trời (75gCO2/kWh), thủy điện, điện hạt nhân được coi là nguồn năng lượng sạch nhưng vẫn phát thải lần lượt 28 gCO2/kWh và 33gCO2/kWh. "Đây là lý do thế giới trong 5 năm gần đây thúc đẩy năng lượng nguồn điện mới chính là điện gió ngoài khơi", TS Toán nhận định.
Theo TS Toán, năng lượng gió có tiềm năng thương mại, nhất là với đường bờ biển Ninh Thuận- Bình Thuận. Ông đề xuất cần có chiến lược và thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi mang tầm quốc gia cho Việt Nam.
Tại hội thảo, nhiều đề xuất được đưa ra ở cả góc độ văn hóa. TS Bạch Tân Sinh, công ty Viet Insight gợi ý hướng tiếp cận từ khía cạnh văn hóa về môi trường và phát triển ở Việt Nam. Trong đó, nhắc tới mô hình phát triển dựa vào sinh thái (thuận thiên), tức là môi trường trở thành nền tảng phát triển, trao đổi học thuật. Ông nhấn mạnh vai trò của xã hội công dân, đại diện bởi tầng lớp trí thức có tinh thần phản biện như nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ, nhà khoa học.. trong việc ứng phó với bất ổn môi trường.