Lễ "Vinh danh ngôi sao sáng chế IPStar 2021" nhằm tôn vinh cá nhân, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp có nhiều bằng sáng chế, giải pháp hữu ích trong giai đoạn 2016 đến tháng 9/2021. Sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Techfest 2021 bởi Làng Sáng chế và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, Hội sáng chế Việt Nam, Viện nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ông Đỗ Đức Thắng (Hà Nội) được xướng tên trong top 1 ở hạng mục cá nhân của danh sách vinh danh. Từ một giảng viên đại học cho đến khi trở thành chủ doanh nghiệp xây dựng, ông Thắng sở hữu 40 bằng sáng chế và giải pháp hữu ích. Ông theo đuổi cách tiếp cận mới nhằm đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao nhất cho các công trình từ gia cố đất yếu đến cột, tường, sàn và mái nhà. Các sáng chế của ông giúp giảm 15-25% giá trị xây dựng phần kết cấu, thi công nhanh hơn, giá trị sử dụng cao hơn, thân thiện môi trường.
Các cá nhân Nguyễn Dần, Trần Ngọc Đảm (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thiện Phúc, Nguyễn Gia Long (Hà Nội) cũng được vinh danh trong top 5.
Đối với chủ sở hữu là viện nghiên cứu, trường đại học, top 1 ngôi sao sáng chế thuộc về Đại học Bách khoa Hà Nội. Các đơn vị trong top 5 gồm Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phòng thí nghiệm Trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu và Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Là đại diện doanh nghiệp nhận top 1 danh hiệu ngôi sao sáng chế, ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) nói với VnExpress: "rất vinh dự khi được nhận giải". Ông Thảo xác lập kỷ lục thế giới về người có nhiều bằng sở hữu trí tuệ nhất, với nghiên cứu khoa học sử dụng công nghệ theo chu trình khép kín, ứng dụng vào các lĩnh vực, phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng trong bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu. Ông Hoàng Đức Thảo là nhà khoa học với hơn 40 năm kinh nghiệm, đồng trưởng làng sáng chế, cũng là người Việt Nam đầu tiên là thành viên của Liên đoàn các nhà sáng tạo thế giới. Ông cũng là tác giả giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 5 năm 2016.
Top 5 doanh nghiệp được vinh danh gồm công ty cổ phần công nghệ Sinh học (Bio Group); công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, công ty cổ phần công nghệ mới Nhật Hải, công ty cổ phần chế tạo máy và sản xuất vật liệu mới Trung Hậu.
Chương trình cũng vinh danh các ngôi sao sáng chế trẻ là những tác giả có bằng sáng chế, giải pháp hữu ích tại thời điểm nộp đơn dưới 18 tuổi, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo đó, nhóm nhà sáng chế Smart Tree đến từ Hà Nội gồm 3 thành viên Nguyễn Anh Đức (sinh năm 2003), Trần Vũ Phương Uyên và Trần Hà Nhật Minh được trao tặng. Nhóm là đồng tác giả giải pháp hữu ích chậu cây thông minh sử dụng năng lượng mặt trời.
Hai nhà sáng chế trẻ dưới 18 tuổi khác là Phan Tuấn Khôi (sinh năm 2003) với giải pháp hữu ích hệ thống tưới cây tự động và Nguyễn Vĩnh Phúc (sinh năm 2002) với chậu trồng cây tưới nước tự động.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức cũng vinh danh các tác giả "Cuộc thi Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021". Cuộc thi này nhằm tìm kiếm giải pháp hỗ trợ quá trình thương mại hóa các sáng chế, giải pháp hữu ích để thúc đẩy hoạt động chuyển giao sáng chế, công nghệ vào cuộc sống và phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đất nước.
Ở nội dung này, ban tổ chức không chọn được công trình trao giải nhất, có 4 giải nhì, 4 giải ba và 5 giải khuyến khích.
Giải nhì thuộc về anh Hồ Xuân Vinh, đại diện Công ty Hồ Hoàn Cầu (Nghệ An) với giải pháp cụm sáng chế máy xây dựng Việt Nam. Nhà sáng chế Hồ Xuân Vinh sở hữu một bằng độc quyền sáng chế, ba giải pháp hữu ích, sáu kiểu dáng công nghiệp. Anh cũng là nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng Quả cầu Vàng năm 2021, trong lĩnh vực công nghệ môi trường.
Chia sẻ với VnExpress, anh Vinh cho biết đây là một sự ghi nhận, động viên đến các nhà sáng chế, những người sáng tạo các giải pháp hữu ích phục vụ đời sống lao động sản xuất của nhân dân.
Theo anh Vinh, quá trình thương mại hóa các sáng chế là con đường khó khăn không phải ai cũng thành công. "Tôi mong qua các cuộc thi sẽ phát hiện, chia sẻ được nhiều kinh nghiệm hay trong thương mại hóa sáng chế, để Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn nữa", anh nói.
Ông Lưu Hải Minh, đại diện Công ty cổ phần công nghệ mới Nhật Hải cũng đoạt giải nhì với sáng chế công nghệ nano và hành trình thương mại ra thế giới.
Trong khuôn khổ Techfest 2021, Làng Sáng chế và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo được hình thành để hỗ trợ các startup thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Làng sáng chế tập trung 5 hoạt động chính: vinh danh "Ngôi sao sáng chế IPStart", tổ chức cuộc thi Giải pháp thương mại hóa sáng chế, tổ chức các hội thảo, tập huấn và triển lãm công nghệ, các kết quả được vinh danh.