Nguyễn Đổng Chi nhà văn hóa lớn Xứ Nghệ

Huyền Văn
Sau 20 năm, vào dịp sinh nhật 100 năm Giáo sư Nguyễn Đổng Chi, những đóng góp khoa học và giá trị tinh thần mà Nguyễn Đổng Chi để lại cho hậu thế như được nêu trong hội thảo ấy, vẫn còn nguyên vẹn giá trị. 

Tháng 01 năm 1995, nhân 80 năm sinh và 10 năm mất của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi, một hội thảo lớn do Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia, nay là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cùng các Viện thuộc Trung tâm như Viện Sử học, Viện Văn học, Viện Hán Nôm, Viện Văn hóa dân gian, cùng Hội Văn nghệ dân gian tổ chức, đã hội được nhiều tham luận của nhiều nhà khoa học tên tuổi trong và ngoài cơ quan như Vũ Khiêu, Nguyễn Duy Quý, Trần Quốc Vượng, Đinh Gia Khánh, Bùi Văn Nguyên, Vũ Ngọc Khánh, Văn Tạo, Đặng Nghiêm Vạn, Chương Thâu, Ninh Viết Giao, Trần Lê Văn, Trần Văn Quý, Trần Thị Băng Thanh, Phan Văn Các, Ngô Đức Thịnh, Trịnh Khắc Mạnh... nhằm khẳng định những đóng góp quan trọng của Nguyễn Đổng Chi trên nhiều lĩnh vực của khoa học xã hội và nhân văn như văn học, sử học, khảo cổ học, Hán Nôm, văn hóa dân gian..., cùng nhiều kỷ niệm cảm động của những người từng được sống cùng ông, được biết về ông trên đường đời và nghề nghiệp.

nlntv-gsnguyen-dong-chi-1659082907.jpg
Giáo sư Nguyễn Đổng Chi- Ảnh Internet

Ấn tượng về thành công của hội thảo vẫn rất sâu sắc trong tôi cho đến bây giờ. Sau 20 năm, vào dịp sinh nhật 100 năm Giáo sư Nguyễn Đổng Chi, những đóng góp khoa học và giá trị tinh thần mà Nguyễn Đổng Chi để lại cho hậu thế như được nêu trong hội thảo ấy, vẫn còn nguyên vẹn giá trị.

Với tôi, lúc ấy, và cho đến bây giờ, Nguyễn Đổng Chi trước hết là một nhà khoa học có tư chất bách khoa, trong buổi đầu hình thành khoa học văn chương, khoa học nhân văn và xã hội ở ta. Nếu thời kỳ 1930-1945 là thời kỳ phát triển và hoàn thiện nền văn chương học thuật Việt Nam hiện đại thì ở chặng cuối của nó - thời kỳ 1941. 1945 là thời xuất hiện những tác phẩm tiêu biểu trên ba lĩnh vực: phê bình, nghiên cứu, lý luận văn học. Đó là Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh, Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi, và Văn học khái luận của Đặng Thai Mai. Trong 6 tên tuổi đã kể trên thì Nguyễn Đổng Chi là người trẻ nhất - chưa đến tuổi 30.

Như vậy, chỉ riêng với Việt Nam cổ văn học sử, Nguyễn Đổng Chi đã xác lập một vị trí quan trọng trên tiến trình hiện đại hóa văn chương học thuật dân tộc. Thế nhưng, trước đó ông đã có Mọi Kontum - một công trình dân tộc học có giá trị, viết chung với Nguyễn Kinh Chi. Đã có Túp lều nát, một phóng sự văn chương về tình cảnh khốn khổ của dân quê xứ Nghệ, ra đời cùng lúc với Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan. Còn có hoạt động báo chí, xuất bản và viết văn trong tư cách một thanh niên yêu nước xứ Nghệ... Một tuổi trẻ dưới ngưỡng “tam thập nhi lập” đã tạo được bao giá trị văn chương và học thuật; mà đó là những giá trị không tách rời với yêu cầu của thời cuộc, ở một con người luôn biết chọn cho mình một lẽ sống cao quý - nó là lợi ích của dân tộc (còn trong nô lệ), của nhân dân (còn rất lầm than). Một lẽ sống, được thể hiện ngay từ các tên riêng hoặc bút danh ông chọn như là Cậu Gióng, Bình Ân, Nguyễn Trần Ai, Nguyễn Đổng Chi đến cuộc cướp chính quyền ở quê hương Can Lộc tháng 8-1945…

Chặng đường đầu hoạt động xã hội ở tuổi 30, rồi vào tuổi 40 của Nguyễn Đổng Chi, kể từ khi cướp chính quyền ở huyện quê Can Lộc - Hà Tĩnh, rồi tham gia đội tự vệ bảo vệ thủ đô Hà Nội ở khu vực Bảy Mẫu đầu kháng chiến chống Pháp, rồi hoạt động trong Ban Kinh Tài Khu Bốn ở miền Tây Nghệ An... cần được xem là một thời kỳ quan trọng khẳng định nhân cách, cốt cách người công dân, người cán bộ, người chiến sĩ, bên cạnh tư cách nhà văn hóa, nhà khoa học ở Nguyễn Đổng Chi.

Chặng đường tiếp theo - từ khi ông rời quê, sau tai nạn Cải cách ruộng đất, dắt díu cả gia đình ra Hà Nội theo lời mời và cách sắp xếp của Trưởng ban Ban Văn Sử Địa Trần Huy Liệu, vào năm 1955, ở tuổi 40, cho đến năm 1984 khi ông qua đời một cách đột ngột ở tuổi 69 - đó là 30 năm ông cống hiến hết mình cho một sự nghiệp nghiên cứu rất đa dạng, mà ở bất cứ lĩnh vực nào được giao, ông cũng đều có vị thế khai sáng và đạt đỉnh cao trong sáng tạo. Về văn học, sau Việt Nam cổ văn học sử là đồng tác giả của bộ Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (5 tập) của nhóm Văn Sử Địa, với khu vực chuyên sâu được phân công viết là văn học chữ Hán. Về sử học, đó là các công trình về nhiều danh nhân lịch sử và phong trào nông dân khởi nghĩa; và nhất là trong xây dựng một hệ thống tư liệu rất cơ bản cho Thư viện Viện Sử với cương vị Trưởng phòng rất lâu năm, theo sự tin cậy của Viện trưởng Trần Huy Liệu; tựa như nhà thơ, nhà Hán học Nam Trân cũng được Viện trưởng Đặng Thai Mai giao phụ trách Trưởng phòng Thư viện - Tư liệu Viện Văn. Với khảo cổ học, là các phát hiện về di chỉ người Việt cổ ở Núi Đọ mà ông là một trong số ít người tham gia đầu tiên.

Về Hán Nôm học, ông là vị Trưởng ban kế tiếp Phạm Thiều, với các công trình thư mục cơ bản làm nền tảng cho sự phát triển của một chuyên ngành rất quan trọng cho việc nghiên cứu văn hóa, văn chương học thuật Việt, mà theo ông, ngoài Hán và Nôm, còn cần biết thêm các ngôn ngữ cổ của nhiều dân tộc thiểu số anh em như Chăm, Khmer, Thái, Tày - Nùng, và như vậy thì nên hướng tới một Viện Văn tự cổ ở Việt Nam, rộng hơn Viện Hán Nôm. Về văn hóa, văn học dân gian, đó là công trình khai mở về Thần thoại Việt Nam; là một “lâu đài” Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam gồm 5 tập mà chỉ riêng nó đủ làm nên một sự nghiệp cho bất cứ ai; là khởi thảo Từ điển thuật ngữ văn hóa dân gian, và bộ Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh đồ sộ, bên cạnh Hát dặm Nghệ Tĩnh, Vè Nghệ Tĩnh, Ca dao Nghệ Tĩnh, không kể bản thảo chưa in Văn học dân gian sưu tầm ở Ích Hậu (quê hương của Nguyễn Đổng Chi).

Tham gia nhiều lĩnh vực học thuật, lĩnh vực nào cũng ở vị trí khai phá, đặt nền tảng và đạt các giá trị đỉnh cao, một phẩm chất bách khoa như vậy, theo tôi quan sát, chỉ có riêng ở một thế hệ những người mở đầu, tôi muốn gọi là Thế hệ Vàng. Một thế hệ thực sự là dấn thân, xả thân cho các mục tiêu được chọn, hoặc được giao mà không có sự phân vân, hoặc ngần ngại nào, càng không chút so đo, tính toán cho quyền lợi và đãi ngộ; nói cách khác, chưa bao giờ là vì danh hoặc vì lợi. Một thế hệ phải vượt bao khó khăn, những khó khăn chung - khỏi phải bàn, và những khó khăn riêng - rất nhiều, khi họ không phải thuộc “thành phần cơ bản”, hoặc được gọi là trí thức... tiểu tư sản... Tôi nói khó khăn riêng, bởi theo như tôi hiểu, Nguyễn Đổng Chi cũng đã phải nhận nhiều bất công trong ứng xử, thế nhưng những kham khổ ông phải chịu, ông ít khi hoặc chưa một lần kêu ca. Qua đời đột ngột vào năm 1984 là năm đất nước còn chìm trong những khó khăn đến tận đáy của thời bao cấp, gần như ông chưa được hưởng một chút gì là thảnh thơi, là thư nhàn, trong cả một đời tận tụy với nghề, với người...

Nhân cách, cốt cách kẻ sĩ xứ Nghệ của Nguyễn Đổng Chi trong mọi ứng xử của đời thường, với tất cả những ai quen biết, hoặc có quan hệ gắn bó rộng hẹp với ông thuộc các thế hệ là điều rất đáng ghi nhớ và trân trọng.

Mất ở tuổi 69, sau số lượng các công trình đồ sộ đã được in, trong tư cách một nhà khoa học lớn, một nhà văn hóa, và còn nhiều bản thảo chưa in, nhiều dự định còn chưa kịp thực hiện, đó là một thiệt thòi, một tiếc nuối lớn cho khoa học văn chương ở xứ ta. Không rõ sau 20 năm, cho đến bây giờ, những gì vị Thủ trưởng Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia, người chủ trì cuộc Hội thảo tháng 1-1995 ở Hà Nội là GS.TS Nguyễn Duy Quý gửi gắm với gia đình cố Giáo sư Nguyễn Đổng Chi lúc ấy đã thực hiện được trọn vẹn chưa: “.. xin đề nghị các anh chị cố gắng thu thập hết đi cảo và những vật kỷ niệm của nhà học giả, và giữ gìn bảo quản nghiêm Kate túc. Những gì của Nguyễn Đổng Chi để lại không còn là của gia bảo trong gia đình mà là của quý của cả dân tộc”.

Nghĩ về Nguyễn Đổng Chi, tôi luôn luôn có một niềm xúc động lớn về tấm gương lao động nghề nghiệp của ông và những người cùng thời để lại cho các thế hệ sau trên cả hai phương diện: tri thức và nhân cách. Chỉ mong tiếp cận được một góc nào đó trong cách sống, cách làm việc, cách ứng xử của Nguyễn Đổng Chi thì bất cứ ai thuộc các thế hệ hậu sinh như chúng tôi cũng có thể đến được một phẩm chất hoặc một chân dung tử tế trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình.

GS. Phong Lê