Nguyễn Công Trứ - vị quan “ngông” 80 tuổi vẫn xin tòng quân đánh giặc

Nguyễn Công Trứ sinh năm 1778 mất năm 1858, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông được đánh giá là nhân vật kiệt xuất của Việt Nam cuối thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19 khi vừa là nhà quân sự, nhà kinh tế, nhà thơ lỗi lạc.

Từ nhỏ, ông nổi tiếng học giỏi, hay thơ văn, tính cách phóng khoáng. Mặc dù vậy, con đường đi thi của ông lại lận đận, mãi đến năm 41 tuổi mới đỗ Giải Nguyên và được bổ làm quan.

nguyen-cong-tru-vi-quan-ngong-80-tuoi-van-xin-tong-quan-danh-giac1-1661228329.jpg
Nguyễn Công Trứ nổi tiếng khi vừa là nhà quân sự, nhà kinh tế, nhà thơ lỗi lạc

Dù là quan văn nhưng số phận đưa Nguyễn Công Trứ làm tướng, cầm quân ra trận. Tuy vậy, ông đánh đâu thắng đó: 1827 dẹp khởi nghĩa Phan Bá Vành, 1833 dẹp khởi nghĩa Nông Văn Vân, 1835 dẹp giặc Khách. Ông cũng góp nhiều công lớn trong cuộc Chiến tranh Việt – Xiêm (1841 – 1845).

Không chỉ là nhà quân sự, Nguyễn Công Trứ còn là nhà thơ nổi bật trong nền văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ 19. Thơ ca của Nguyễn Công Trứ xoay quanh các chủ đề như chí nam nhi: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”.

Năm 1848, khi đã 71 tuổi, ông mới về hưu hẳn. Nhưng 10 năm sau, năm 1858, khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, dù đã 80 tuổi, ông vẫn tha thiết xin vua được tòng quân đi đánh giặc. Thấy ông tuổi già sức yếu, vua không chuẩn y.

Công lao của Nguyễn Công Trứ được ghi nhận ở nhiều lĩnh vực. Ông có sáng kiến chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp, khai sinh các huyện Kim Sơn (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay), Tiền Hải (nay thuộc tỉnh Thái Bình)…

Ngày nay, các nhà sử học đều khẳng định, Nguyễn Công Trứ là một trí thức lớn, một nhà chính trị và nhà thơ kiệt xuất của dân tộc. Cuộc đời ông là bản hùng ca về khí phách nam nhi và cái ngông của bậc dũng tướng.

 

Bích Liên