Hà Nội những ngày này đắm chìm trong cơn giá lạnh có mưa rét, khiến không ít người lao động phải bất đắc dĩ đi làm muộn và đành chịu phạt vào tiền lương. Một số nhân viên công sở tại các công ty ở Hà Nội cho biết, công ty đặt ra mức phạt trừ lương từ 50.000 đồng cho mỗi lần vi phạm đến muộn. Ngoài ra, cư dân mạng gần đây còn xôn xao với sự việc bị trừ lương khi mặc trang phục không phù hợp khi làm việc tại nhà. Vì không có nhiều kiến thức về Luật Lao động và văn hóa làm việc chưa thật sự tự tin của người Việt Nam mà nhiều nhân viên các công ty phải kiêng dè và ngậm ngùi chịu phạt.
Trên thực tế, Bộ Luật Lao động từ lâu đã có quy định cụ thể về vấn đề Xử lý kỷ luật lao động để đảm bảo quyền lợi và công bằng cho người lao động.
Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, quy định về nội quy lao động. Nội quy phải được lập thành văn bản, phải được thông báo đến người lao động và những nội dung chính phải được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.
Trường hợp người lao động vi phạm nội quy lao động, doanh nghiệp có quyền xử lý kỷ luật lao động. Điều 124 quy định cụ thể các hình thức xử lý kỷ luật lao động bao gồm: Khiển trách; Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; Cách chức; Sa thải.
Như vậy, Doanh nghiệp chỉ có quyền xử lý kỷ luật khi nhân viên vi phạm nội quy bằng một trong 4 biện pháp kể trên, mỗi biện pháp chỉ được áp dụng khi thoả mãn đủ tiêu chí theo quy định của Luật để đảm bảo công bằng với người lao động.
Điều 127 Luật lao động cũng quy định rõ hành vi "Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động" bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động.
Điều 127. Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động
1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.
2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm điều 127, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Cụ thể:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây: Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động; Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động; Áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
Như vậy, việc các doanh nghiệp đơn phương đưa ra các hình phạt bằng tiền đối với những lỗi của nhân viên như vi phạm nghiệp vụ, giờ làm, quy định nội bộ như trang phục,... là trái với quy định của Pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính.
Những quy định này không mới. Trước đây, Bộ luật lao động 10/2012/QH13 có hiệu lực từ 01/05/2013 đến 01/01/2021 cũng cấm doanh nghiệp sử dụng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động (Quy định tại điều 128) nhưng không phải đơn vị và cá nhân nào cũng nắm rõ nên thực trạng người lao động kêu ca bị công ty "phạt tiền, cắt lương" vẫn tồn tại nhiều năm nay.