Người (của) Hà Nội (văn) cho cả nước (Phần 2 và hết)

Đinh Thảo
Hiếm, hoặc chưa có vùng đất nào sự sống đậm nét và sinh động đến thế trong văn - thơ - nhạc - hoa như Thăng Long, Hà Nội. Lý do thật dễ hiểu: Đây là đất “ngàn năm văn vật”. Là kinh đô, là thủ đô - bao giờ cũng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước. Là nơi hội tụ cái vốn người, vốn tài năng và tinh hoa của đất nước để đóng góp cho cả nước.
hn-2-1703908945.jpg
Một góc của Thủ đô Hà Nội (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Nếu Thạch Lam cho ta cảm nhận với tất cả các giác quan về cảnh trí và hương vị hiện tại của đời thường Hà Nội thì Nguyễn Huy Tưởng lại là người thật là chăm chỉ dành cho Hà Nội một mối quan tâm đến bền bỉ và dài lâu trong suốt ngót hai mươi năm đời viết của mình, kể từ Đêm hội Long Trì Vũ Như Tô năm 1942, đến Sống mãi với Thủ đô Luỹ hoa năm 1960. Ông người làng Dục Tú phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh - nay là Đông Anh, Hà Nội. Gọi ông là người Hà Nội cũng phải, nhưng đúng hơn là người Kinh Bắc, với nửa phần Bắc - Bắc Ninh, nửa phần Kinh - Hà Nội. Cũng như Thạch Lam và nhiều bạn văn khác, sự lập nghiệp và việc thực hiện “phận sự của một người tầm thường… muốn tỏ lòng yêu nước” bằng việc “viết văn quốc ngữ”(1) nơi ông vẫn phải là địa bàn Hà Nội. Ở nhà văn có tư cách là nhà văn hoá này, Hà Nội được hiện lên trong suốt chiều dày lịch sử, kể từ thời Trần với hào khí Đông A trong An Tư, qua thời vua Lợn Lê Tương Dực trong Vũ Như Tô, đến thời Lê mạt với cung vua phủ chúa trong Đêm hội Long Trì... Đối với Nguyễn Huy Tưởng, cảm hứng lịch sử luôn luôn đậm đà trên mỗi trang viết về Hà Nội quá khứ; và chiều sâu lịch sử luôn luôn là sự cần thiết, là ưu thế cho ông nhìn về Hà Nội của hiện tại. Cái hiện tại với khoảng lùi trên mười năm trong Sống mãi với Thủ đô ra mắt năm 1960 đã một lần được áp sát qua ống kính thời sự, vào những năm đầu nửa nước có hoà bình, trong Một ngày chủ nhật. Và, nếu sự tinh tế đến tài hoa luôn lấp lánh trên các trang Thạch Lam thì chiều sâu những khát khao, trăn trở, kiếm tìm lại luôn luôn trĩu nặng trên các trang của Nguyễn Huy Tưởng.

Tôi muốn bổ sung vào cùng hàng với Nguyễn Tuân, Tô Hoài hai gương mặt Thạch Lam, Nguyễn Huy Tưởng cho trọn vẹn bức phác thảo, muốn là một bộ tứ bình về Người Hà Nội - Văn Hà Nội.

Câu chuyện tưởng có thể dừng ở đây; nhưng rồi tôi bỗng tiếp tục một sự phân vân nếu không được viết thêm về Nam Cao - người gốc quê Hà Nam. Sự nghiệp mà ông để lại, như ta thấy, thật đặc sắc và dường như là dồn tụ ở truyện ngắn. Nhưng không thể không tính đến truyện dài Truyện người hàng xóm và tiểu thuyết Sống mòn, cả hai đều chưa kịp in thành sách khi Nam Cao còn sống. Cả hai đều viết về Hà Nội, với bối cảnh sống và nhân vật đều là người cư ngụ ở Hà Nội. Một Hà Nội lam lũ ở ngoại ô, không giống với Nguyễn Tuân, Thạch Lam đã đành, mà cũng không giống với thế giới ngoại ô vương vấn nhiều kỷ niệm tuổi thơ của Tô Hoài.

Nghĩ về Nam Cao tôi lại không quên Vũ Trọng Phụng - người gốc quê Mỹ Hào - Hưng Yên, nhưng sống và viết ở Cầu Gỗ, ngõ Sầm Công, Hàng Bạc, rồi mất ở Ngã Tư Sở. Vũ Trọng Phụng - người đã viết bao nhiêu là phóng sự và tiểu thuyết về Hà Nội. Người cho thấy, hơn bất cứ ai, một mặt trái nhầy nhụa và nhếch nhác của Hà Nội với biết bao là khinh ghét và căm phẫn.

Cứ thế mà băn khoăn: Sao mãi đến giờ ta vẫn thường ít nghĩ đến việc đưa Nam Cao, Vũ Trọng Phụng vào hàng những danh nhân viết về Hà Nội? Và nếu câu hỏi đó là có lý thì danh sách hẳn còn có thể kéo dài thêm với Vũ Bằng trong Miếng ngon Hà Nội, Thương nhớ mười hai, Tam Lang trong Tôi kéo xe, Trọng Lang trong Hà Nội lầm than, Nguyễn Đình Lạp trong Ngoại ô và Ngõ hẻm v.v...

Hoá ra vấn đề quan trọng không phải là cái kết luận đơn giản, thậm chí là thổ sơ, được rút ra từ sự trình bày có phần nhẩn nha trên: Người Hà Nội viết hay về Hà Nội như Nguyễn Tuân, Tô Hoài. Người không phải quê Hà Nội nhưng sống nhiều với Hà Nội, nên cũng viết hay về Hà Nội, như Thạch Lam, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Bằng hoặc Nam Cao, Vũ Trọng Phụng...

Điều quan trọng, hơn thế, như một khẳng định chắc chắn, đó là: Hà Nội - nơi nuôi dưỡng, nơi gieo trồng, nơi làm nảy nở và phát triển những tài năng, những sáng tạo tài hoa của đất nước, trong đó có Hà Nội, trong đó Hà Nội là trái tim của cả nước. Để cho họ có thể viết hay về Hà Nội, cũng như viết hay về bất cứ đề tài nào.

Và, cũng chẳng riêng trong lĩnh vực văn chương. Nghĩ rộng ra mọi lĩnh vực hoạt động nghệ thuật và khoa học thì gần như số rất đông các tên tuổi lớn, không ai không chọn Hà Nội làm nơi sinh thành; bởi ở Hà Nội họ có đủ các điều kiện để phát huy tối ưu những tiềm năng; và đến lượt họ, họ lại làm sáng danh cho Hà Nội.

Tháng 10 - 2000


(1) Nhật ký ngày 19-12-1930; Toàn tập Nguyễn Huy Tưởng, tập V, Nxb. Văn học; 1996; tr.294.

Phong Lê