Được sự kết nối từ trước với một số anh em cơ sở về việc đi khảo sát vùng nguyên liệu chè dây Yên Tĩnh và thời tiết đã bắt đầu thuận lợi, đoàn thực địa chúng tôi lên đường hướng về xã Yên Tĩnh (Huyện Tương Dương, Nghệ An). Sau khi di chuyển khỏi TP. Vinh hơn 3,5 tiếng đồng hồ, băng qua những khu vực sạt lở trên quốc lộ 7A do hậu quả của hoàn lưu bão số 4, nhóm chúng tôi đã đến trung tâm xã vào đêm khuya. Được anh em bố trí, chúng tôi nghỉ tạm trong khu KTX thuộc Trường PTDTBT THCS Yên Tĩnh. Ngoài trời có những trận mưa nhẹ như thử thách tâm trạng của lữ khách phương xa. Đêm miền núi với đặc trưng của âm thanh dế kêu và tiếng thú rừng gọi bạn trên những triền dốc xa. Anh Phạm Kim Tiến - Chủ tịch HTX Sen Quê Bác tâm sự với Anh Đậu Quang Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội KH - KT tỉnh Nghệ An: "không biết ai đặt tên Yên Tĩnh bác nhỉ? Trước đây còn các mỏ vàng hoạt động thì náo loạn, xác xơ cả vùng quê nghèo. Còn khoảnh khắc này, mới thực sự Yên, Tĩnh anh ạ".
Dậy sớm, thời tiết cũng như chiều lòng người, những tia nắng xuất hiện trên đỉnh núi sau khu nhà KTX. Chúng tôi hội quân cùng nhóm anh Nguyễn Văn Thắng - Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy và ăn sáng vội với xôi nương trước khi lên đường. Mỗi anh em đều tự chuẩn bị dép đi rừng, quần áo leo núi và được anh em địa phương kỷ niệm cho mỗi người một cây gậy "Trường Sơn" cùng kinh nghiệm bọc muối nhỏ để trị sên, vắt cắn.
Đoàn chúng tôi gần 10 anh em men 1 km theo dọc Khe Chà Hạ đục ngầu mùa lũ để tìm đường lên núi Pu Phen. Khe Chà Hạ là dòng suối chảy dài từ Yên Tĩnh về các xã vùng dưới, trong đó có 1 phần gắn với dãy cọn nước di sản làm mê hoặc lòng người tại xã Yên Hòa. Đỉnh núi Pu Phen là nơi giáp ranh giữa 3 xã Yên Na, Yên Hòa và Yên Tĩnh của huyện Tương Dương; Trước đây, khu vực rộng gần 130 ha với trữ lượng khoảng 80kg vàng nằm trên đỉnh Pu Phen liên tục bị nạn khai thác vàng thổ phỉ tấn công. Thậm chí, đã có cán bộ bị kỉ luật vì để xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự và ô nhiễm môi trường từ nạn “vàng tặc”. Cô Lương Xoa, người con gái Thái xinh đẹp là bí thư chi bộ bản Cành Toong dẫn đường chia sẻ: " Anh ạ, núi Pu Phen theo nghĩa của người Thái là đỉnh núi của cây Phen. Quả chua chua, ăn vào thì sâu lắng như gia vị cuộc đời, đặc biệt tuổi thơ của miền núi bọn em".
Đường leo dốc gần 4 km, quanh co và nhiều đoạn dựng đứng. Những chú sên, vắt ngủ mưa xong thì bỗng thấy tiếng động, thấy hơi ấm của người nên co lên tiếp cận mục tiêu. Trơn trượt băng qua những tầng rừng tre, nứa và dây leo chằng chịt, qua độ dốc hơn 800m, một bình địa nhỏ nhắn với cơ man nào là cọ xuất hiện như một miền cổ tích. Anh Quang Văn Đặng - Bí thư Đảng ủy xã nói: "Thành công rồi, anh em mình còn 2/3 chặng đường nữa thôi là đến được khu vực có chè dây sinh trưởng và phát triển".
Chè dây, là loại cây leo mọc hoang trong rừng, có tên khoa học là Ampelosis cantoniensis (Hook. et Arn.) Planch, thuộc họ Nho (Vitaceae). Có vị ngọt, đắng, tính mát, được đồng bào dân tộc miền núi sử dụng như một vị thuốc dân gian hiệu quả trong điều trị Viêm loét dạ dày – tá tràng. Ngoài ra Chè dây còn có tác dụng an thần, chữa mất ngủ, chữa tê thấp đau nhức và phòng bệnh sốt rét, giải nhiệt. Người dân tộc Thái ở đây gọi là cây che Ngỏng/ Che Hò hoặc Xồm Hò Linh.
Kết quả nghiên cứu trên chè dây của Viện dược liệu (Bộ Y tế) đã từng công bố các kết luận như: Chè dây có tác dụng diệt vi trùng, vi khuẩn, giảm độ axit tại dạ dày, giúp cho bệnh loét dạ dày dễ liền sẹo; cắt cơn đau do viêm loét hành tá tràng đạt 93,4%, với Alusi (loại thuốc chuyên trị bệnh viêm loét hành tá tràng hiện nay) là 89%; khỏi bệnh ở mức độ liền sẹo là của chè dây là 36,36% với Alusi 30,56%... Sử dụng chè dây không gây độc và không có tác dụng phụ. Ở xã Yên Tĩnh, loại cây này mọc phát tán tự nhiên dưới tán rừng trên đỉnh núi cao Pu Phen. Trong vài năm qua, chính quyền và một số hộ dân bắt đầu thử trồng tại các vườn ươm khu vực Khe Chà Hạ.
Ông Quang Văn Đặng - Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm: “Trong những năm gần đây, với những công dụng của cây chè dây nên thị trường tiêu thụ tương đối lớn. Tuy nhiên, công tác quy hoạch, trồng, phát triển cây chè dây trên địa bàn chưa được triển khai, chỉ có một vài hộ dân tại các bản chăm sóc, bảo quản và trồng mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Do khai thác quá mức phục vụ nhu cầu thị trường, nên trữ lượng chè dây còn rất thấp có nguy cơ cạn kiệt, lượng trao đổi, bán ra thị trường không ổn định. Bên cạnh đó, khâu chế biến, bảo quản mang tính truyền thống, thủ công của đồng bào nên chất lượng sản phẩm không đảm bảo, dễ bị ẩm mốc, hư hỏng. Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm thị trường chưa được thực hiện, các điểm thu mua, trao đổi mang tính tự phát, giá cả không ổn định... Trước thực tế đó, xã mong muốn cùng các cấp xây dựng đề án bảo tồn, phát triển chè dây Yên Tĩnh, hy vọng mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, đồng thời tạo thương hiệu cho loại chè dây đặc trưng của vùng núi cao Pu Phen."
Sau hơn 1,5 giờ đi bộ, không gian bình địa với khí hậu mát lành, quang đãng mở ra. Chúng tôi đã lên đến khu vực đỉnh Pu Phen huyền thoại ở độ cao hơn mực nước biển khoảng 1,500m. Các chuyên gia trong đoàn đã tiến hành lấy mẫu cây, mẫu đất để phục vụ nghiên cứu, phân tích kiểm nghiệm, đánh giá mẫu. Đứng từ Pu Phen nhìn những bạt ngàn của núi, của mây, của cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ; tôi thầm hy vọng, một ngày nào đó với sự đầu tư xứng đáng giá trị cây chè dây Pu Phen sẽ được đặt đúng vị trí mà nó đáng có; là một sản phẩm quý như "vàng" từ thiên nhiên hỗ trợ sức khỏe con người; tinh hoa đất trời từ thảo dược trên đỉnh cao Pu Phen sẽ góp phần quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.