Du lịch Tương Dương - vùng đất rừng thương, núi nhớ

Nhắc đến Tương Dương (Nghệ An), người ta thường liên tưởng đến địa danh hay được nhắc đến trong các bản tin thời tiết với khí hậu nắng, nóng khắc nghiệt nhất nước. Song ít ai biết rằng, ở vùng trung tâm của gió Lào này lại có những cảnh quan du lịch đẹp đến mức mê hoặc lòng người... Ai đã đến Tương Dương đều thốt lên rằng "muốn ở đây thôi, chẳng muốn về".

Một ngày cuối hạ, chúng tôi vào Nghệ An công tác và có kế hoạch lên Tương Dương, huyện miền núi của xứ Nghệ - vùng đất đã nghe danh rất lâu song chưa có dịp đến thăm. Trong đoàn, chú Trương Nam Điền - Trưởng ban Chuyên đề có tủm tỉm trêu đùa anh Võ Văn Nguyên - Giám đốc Khách sạn Ánh Dương 3D Cửa Lò, CTV của Ban Chuyên đề tại Nghệ An:  "Nghe địa danh Tương Dương, cứ nghe như nơi đánh nhau khốc liệt giữa Mông Cổ và Đại Tống ở truyện kiếm hiệp Kim Dung bác nhỉ?".

Sau khi xe chầm chậm lăn bánh khoảng 3 tiếng đồng hồ, từ thành phố Vinh xinh đẹp, chúng tôi đã đến khe Nậm Xán, bản Tùng Hương của xã Tam Quang. Dòng Nậm Xán bắt nguồn từ bên kia biên giới, chảy vào nước ta qua 2 bản Tùng Hương, Tân Hương của xã Tam Quang. Với lợi thế nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát và khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An, chưa có sự tác động của con người nên nơi đây vẫn còn giữ được dòng suối hoang sơ mát lành, rất sạch sẽ và có nhiều sản vật quý như cá chình, cá mát... Từ năm 2021, với sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân, những con đường mới đã mở, những lán trại từ tre, mét được dựng lên hài hòa cho manh nha một điểm du lịch sinh thái đẹp đẽ trong tương lai. Có thể nói không ngoa rằng, Suối Nậm Xán là một không gian "thiền" đủ để chúng ta bỏ quên đi tất cả "bụi trần" để cùng hòa mình vào thiên nhiên.

nlntv-xatamquan-1659448152.jpg
Bên dòng Nậm Xán, xã Tam Quang 

Nhắc đến Tương Dương, chúng ta không thể không nhắc đến cây săng lẻ. Dù nhiều địa phương có cây này, nhưng duy chỉ ở vùng đất Tương Dương, săng lẻ mới mọc thành những khoảnh rừng cây gỗ lớn. Có lẽ vì thế mà cũng có người gọi Tương Dương là "huyện săng lẻ". Rừng săng lẻ ở huyện này là khu rừng cổ thụ độc nhất ở Việt Nam. Đây không chỉ là khu rừng có giá trị phòng hộ mà còn là điểm tham quan vẻ đẹp tự nhiên lý tưởng. Với màu xanh ngút ngàn của lá, màu trắng xám nhạt của thân cây, khung cảnh tại đây như một bức tranh tuyệt đẹp. Bất kỳ ai khi đi qua khu rừng này đều phải dừng lại, trầm trồ trước sự bao la của núi rừng và khung cảnh nên thơ. Đây chắc chắn sẽ là điểm đến đáng trải nghiệm với nhiều du khách khi có dịp đi qua Quốc lộ 7 từ Việt Nam sang Cánh đồng Chum, nước bạn Lào. 

nlntv-rung-sangle-1659448231.jpg
Rừng săng lẻ - không gian " rừng sửng sốt " nằm trên Quốc lộ 7A

"Đẹp làm sao, yêu làm sao núi rừng Tương Dương" - lời bài hát của vũ điệu lăm vông "Về Tương Dương yêu thương" được bác tài xế bật lên làm cả đoàn cứ hào hứng, rạo rực như muốn hòa mình vào câu lăm bên chum rượu cần. Và rồi cuối chiều chúng tôi cũng đã đến được Đền Vạn, Cửa Rào. Đây là điểm di tích linh thiêng nơi dòng Nậm Nơn - Nậm Mộ hợp lưu thành Rào Cả (sông Lam ). 

Đền Vạn - Cửa Rào nằm trên địa bàn xã Xá Lượng, vùng đất ngã ba sông nơi hợp lưu của dòng Nậm Nơn và dòng Nậm Mộ, khởi điểm dòng sông Lam hiền hòa từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa của xứ Nghệ. Ngôi đền thiêng này gắn liền với sự nghiệp và công đức của Đoàn Nhữ Hài (đời Trần) - vị đốc tướng đã hy sinh trên mảnh đất này để bảo vệ giang sơn, bờ cõi và cuộc sống nhân dân. Trong các triều đại phong kiến, khu vực Đền Vạn là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt. Nơi đây được xem là địa bàn xung yếu với vị trí đắc địa là ngã ba sông. Nên ở đây giai đoạn nào cũng là địa điểm chiến lược và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong mọi giai đoạn lịch sử: Thời Lý với chiến công của Lý Nhật Quang mở ra con đường thượng đạo lên sát biên giới Việt Lào (tiền thân của con đường quốc lộ 7 ngày nay) để đánh tan quân Ai Lao giữ yên vùng biên giới.  

nlntv-denvan-1659448304.jpg
Chiều về trên Đền Vạn - Cửa Rào

Bước sang thời Trần, để bảo vệ bờ cõi Đại Việt, Đoàn Nhữ Hài - một tướng giỏi của nhà Trần thân chinh đi đánh giặc Ai Lao (giặc Xá) đã hy sinh tại đây. Đến thời Lê, Tương Dương nói chung và Cửa Rào nói riêng là nơi giao chiến cũng như là nơi mà nghĩa quân Lam Sơn lập căn cứ vùng thượng đạo, trong giai đoạn kháng chiến chống quân Minh.

Trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khu vực Cửa Rào và Đền Vạn trở thành nơi trú ẩn của nhân dân và bộ đội địa phương. Bên cạnh đó, đền cũng là nơi cất giấu vũ khí, lương thực góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc. Đến Đền Vạn dâng nén tâm nhang thành kính cảm tạ và tri ân công lao của cha ông dựng nước, giữ nước và hòa lòng mình vào sơn thủy hữu tình của dòng Lam bên trong, bên đục.

nlntv-lanh-dao-nlntv-traotang-1659448392.jpg
Lãnh đạo Tạp chí điện tử Nhân lực Nhân tài Việt cùng Lãnh đạo UBND huyện Tương Dương trao quà ủng hộ bà con Tổ Du lịch cộng đồng bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng

Sẽ là thiếu sót nếu nhắc đến du lịch Tương Dương mà không nhắc đến xã Yên Hòa. Gần đây, Yên Hòa được biết đến là điểm du lịch mới nổi của huyện nhà. Với hệ thống gần 50 cọn nước và khu rừng săng lẻ tuyệt đẹp, Yên Hòa thực sự đã chinh phục được nhiều du khách gần xa. Nét đặc sắc ở đây chính là hệ thống cọn nước nằm dọc khe Chà Hạ. Những cọn nước này được người dân địa phương lắp đặt từ hàng chục năm trước để lấy nước tưới cho đồng ruộng, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hệ thống cọn nước dày đặc đã tạo nên cảnh quan sinh động và hấp dẫn, thể hiện sự sáng tạo trong lao động sản xuất và mang đậm bản sắc vùng cao. Sau bao bộn bề của cuộc sống mưu sinh, chúng ta đến với những cọn nước, nghỉ chân bên những hàng quán làm từ tranh nứa đơn sơ, ngắm hệ thống cọn nước, nghe tiếng róc rách của guồng nước, bao mệt mỏi dường như tan biến. Là con người ưa thích "xê dịch", dù đã đi gần 30 quốc gia và đến tất cả các tỉnh thành của nước mình, song chưa điểm du lịch cọn nước nào gây cho chúng tôi ấn tượng mạnh như ở Tương Dương.

nlntv-connuoc-yenhoa-1659448481.jpg
Trao đổi về tình hình KT-XH địa phương cùng đồng chí Lô Thanh - Chủ tịch UBND xã bên cọn nước Yên Hòa đẹp như tranh vẽ

Sau hai ngày kết thúc chương trình làm việc tại miền Tây xứ Nghệ, đi trên xe vẫn văng vẳng đâu đó câu hát: "Dù ai đi xa gần hãy nhớ, về thăm quê em Tương Dương yêu thương". Chúng tôi lại hồi tưởng về những ký ức đẹp của hành trình, những điểm đến  đẹp đến mê hoặc, sự nồng hậu thân thiện của của tình người Phủ Tương và muốn lắm sẽ sớm quay lại vùng đất này để quảng bá nhiều hơn nữa cho tiềm năng du lịch địa phương; cùng những chương trình thiện nguyện hướng về bà con, đặc biệt là trẻ em vùng khó khăn. Yêu lắm cảnh đẹp hùng vĩ của núi thương, rừng nhớ Tương Dương.

Nguyễn Đình Chiến, Lâm An