Nên cấm tuyệt đối học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong trường học?

Hiện có nhiều luồng ý kiến khác nhau đối với vấn đề liệu có nên cấm tuyệt đối học sinh sử dụng điện thoại tại trường học, bao gồm cả giờ giải lao.

Năm học 2024 - 2025 bắt đầu, một số trường học của nước ta ban hành quy định mới, trong đó cấm học sinh sử dụng điện thoại cả giờ giải lao, đặc biệt có trường cấm học sinh dùng điện thoại trong khuôn viên trường. Thực tế này tạo ra các luồng dư luận khác nhau đối với các chuyên gia, giáo viên, phụ huynh và học sinh.

anh-1-1727142525.jpg
Nhiều học sinh, kể cả cấp học tiểu học vẫn được bố mẹ "ưu ái" trang bị điện thoại thông minh đến trường. (Ảnh minh họa: Internet)

"Đã đến cổng trường, là không dùng điện thoại"

Bạn Phương Anh, có con đang học THPT tại Nghệ An chia sẻ: "Con mình học V1 (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - phóng viên)  đầu buổi học tất cả học sinh trong lớp đều phải nộp lại điện thoại. Mỗi tổ một hộp bỏ tủ khoá lại. Cuối buổi đọc tên từng bạn lên trả. Trường hợp phát hiện không nộp mà dùng trong giờ học thì lớp lập biên bản thu máy cuối kỳ học sẽ trả."

Bạn Huy Lê, một phụ huynh trẻ cũng tâm tư: "Hệ lụy của việc đưa điện thoại đi học là các con không chơi, không giao lưu với nhau, học không tập trung; thi và kiểm tra thì lo gõ seach mạng.Do vậy, nên cấm triệt để là đúng...."

Phụ Huynh Lê Đức Tài, một bạn đọc của Tạp chí Nhân lực Nhân tài Việt lo lắng: "Lớp con mình đã có tủ khoá điện thoại trên lớp, nhưng như thế mình thấy chưa đủ. Ngoài giờ lên lớp các con vẫn dùng nhiều quá..nóng ruột"

Phụ huynh Lê Thị Phương, trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh - Nghệ An, nói: "Cho học sinh mang điện thoại di động vào trường thì hại nhiều hơn lợi. Những học sinh có ý thức, kỷ luật tốt không sao. Còn lại những học sinh thiếu nghiêm túc, lợi dụng việc được mang điện thoại bên người, trong giờ học thì các em lên mạng, chơi game, xem phim, nói chuyện riêng… rất không tập trung cho việc học tập. Mặt khác, còn nhiều thông tin xấu, độc trên môi trường mạng tác động đến độ tuổi mới lớn mà chúng ta không thể kiểm soát hết".

anh-2-1727142525.jpg
Nhiều phụ huynh đồng tình việc cấm điện thoại thông minh với học sinh trong trường học (Ảnh chụp Facebook)

"Không nên cấm hẳn nhưng hạn chế việc ra các bài tập trên nhóm mạng xã hội"

Chia sẻ cùng báo chí, một cựu học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM, cho biết không đồng tình với việc cấm tuyệt đối học sinh dùng điện thoại di động trong trường.

"Tôi ủng hộ việc cấm học sinh dùng trong giờ học khi chưa có sự đồng ý của giáo viên và việc sử dụng đó không phục vụ cho việc học thôi. Còn giờ ra chơi là tự do giải lao, cũng chỉ có 30 phút thôi. Chính hồi đó tôi học THPT trong giờ học, 45 phút mỗi tiết không đủ để giáo viên vừa giảng mà học sinh có thời gian chép bài nên giáo viên có thể nói học sinh chụp lại bài giảng về nhà chép, hay chụp lại các lời dặn dò, lịch kiểm tra, thi cử… rất cần thiết. Điện thoại di động có nhiều ứng dụng hay, cho phép học sinh vừa chơi vừa học, cũng rất thú vị. Do đó không nên cấm tuyệt đối học sinh dùng điện thoại di động trong trường", cựu học sinh cho hay.

Bạn Bun Lyn Bun, một phụ huynh trăn trở: "Các giáo viên ra bài tập về nhà thì có thể photo đề để phát cho học sinh, Bố mẹ sẽ nạp thêm khoản tiền này vào quỹ lớp cũng được. Các vấn đề quan trọng thì nhắn trực tiếp ở lớp, truyền đạt ở lớp. Không nhất thiết phải lập nhóm zalo để gửi đề bài tập. Đây là một trong những lý do để các học sinh này tiếp cận máy điện thoại mà học thì ít chơi thì nhiều. Ngày xưa không có máy điện thoại thông minh, không máy tỉnh bảng mà bố mẹ cũng hoàn thành bài tập đầy đủ cho thầy cô giáo. Giờ ra chơi còn vui vẻ, hoà đồng chơi với nhau. Từ khi có thêm điện thoại thông minh học sinh giảm đi cái vẻ vô tư, hoạt bát và gần gũi thân thiện. Cấm triệt để các trường lớp luôn càng tốt..."

Ông Đậu Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Nghệ An khẳng định: "Khoản 4, Điều 37 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15.6.2020 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) quy định về các hành vi học sinh không được làm, trong đó có quy định: "Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép" chưa thực sự phù hợp, khi mà còn nhiều học sinh thiếu tự giác và chăm chỉ trong học tập.

Quy định này đồng nghĩa với việc không cấm học sinh mang điện thoại vào lớp; theo đó, với một lớp học giáo viên sẽ rất khó kiểm soát hành vi sử dụng điện thoại vào mục đích khác ngoài phục vụ học tập của học sinh. Thực tế, đã có nhiều học sinh lợi dụng việc được mang điện thoại vào lớp để sử dụng vào việc riêng, như xem phim, chụp ảnh, quay clip đưa lên mạng, vì hiện nay đa số đều sử dụng điện thoại thông minh; những hành vi trên đã làm xao nhãng việc học tập của cá nhân và ảnh hưởng lớn đến việc tập trung học tập của lớp. Do vậy, ngành giáo dục cũng nên xem xét lại quy định này chặt chẽ hơn để tăng cường công tác định hướng, quản lý và giáo dục học sinh tốt hơn".

anh-3-1727142526.jpg
Tăng cường giao tiếp, hạn chế sử dụng điện thoại thông minh trong trường học với học sinh là mong muốn của đại đa số phụ huynh (Nguồn: Du lịch PhucGroup)

Quy định của nước ngoài

Ngày 1/2/2021, Bộ Giáo dục Trung Quốc cấm học sinh mang điện thoại đến trường để ngăn việc “nghiện game và Internet”, giúp các em tập trung học tập hơn.

Theo thông báo của Bộ Giáo dục Trung Quốc, quy định này áp dụng cho học sinh mọi cấp học. Những trường hợp bất khả kháng hoặc chính gia đình có nguyện vọng, việc học sinh mang điện thoại đến trường phải có sự chấp thuận bằng văn bản của phụ huynh và nhà trường. Tuy nhiên, mọi thiết bị phải được để tập trung tại một khu vực, không được sử dụng trong giờ học.

Bộ Giáo dục Trung Quốc giải thích, chỉ thị này nhằm bảo vệ thị lực, giúp học sinh tập trung học và giảm chứng nghiện Internet cũng như trò chơi điện tử. Ngoài ra, nó cũng hỗ trợ tăng cường sự phát triển thể chất và tâm lý của học sinh.

Theo báo cáo của Trung tâm thông tin mạng Internet Trung Quốc, năm 2019, Trung Quốc có 175 triệu người dưới 18 tuổi sử dụng Internet, trong đó 74% sử dụng điện thoại di động để học trực tuyến, nghe nhạc và chơi trò chơi. Do đó, Bộ cũng cấm giáo viên giao bài tập về nhà qua điện thoại hoặc yêu cầu học sinh dùng điện thoại để hoàn thành bài. Các trường học phải xây dựng nhiều điện thoại công cộng hơn để hỗ trợ học sinh liên lạc với gia đình, thay vì dùng di động.

Hồi tháng 8, tại Hội nghị giáo dục chuẩn bị cho năm học mới 2024-2-025, Bộ trưởng Giáo dục quốc gia Pháp, bà Nicole Belloubet cho biết sẽ tiến hành thử nghiệm quy định cấm sử dụng điện thoại di động thông minh trong hơn 200 trường tiểu học và trung học cơ sở, trước khi tiến tới lệnh cấm hoàn toàn trong các trường học vào tháng 1.2025.

Tại Bỉ, học sinh cũng sẽ bị cấm sử dụng điện thoại kể từ năm học mới này. Quy định này được áp dụng tại 373 cơ sở giáo dục với khoảng 132.600 học sinh ở vùng Wallonie-Bruxelles, cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp. Bộ trưởng Giáo dục và Giảng dạy thúc đẩy xã hội của Liên đoàn Wallonie-Bruxelles, việc cấm sử dụng điện thoại trong phạm vi trường học sẽ giúp các học sinh trò chuyện và tương tác với nhau nhiều hơn, thay vì ngồi bấm điện thoại, từ đó cũng tránh được mọi tình huống quấy rối trên không gian mạng.

Việc sử dụng điện thoại di động trong trường có bị cấm ở Việt Nam?

Website Bộ GD-ĐT ngày 4.3.2021 cho biết:

"Điều lệ trường trung học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15.9.2020 của Bộ GD-ĐT có quy định "học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép". Như vậy, việc sử dụng điện thoại trong lớp học về cơ bản vẫn là hành vi bị cấm. Việc sử dụng điện thoại trong lớp học với mục đích học tập của học sinh chính là khai thác các lợi thế kết nối của các thiết bị thông minh (trong đó có điện thoại) góp phần nâng cao hiệu quả dạy học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thời kỳ chuyển đổi số đang diễn ra.

Để hướng dẫn giáo viên và các nhà trường quản lý, khai thác và sử dụng thiết bị dạy học (trong đó có điện thoại di động) một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học và kinh tế xã hội của địa phương, Bộ GD-ĐT có Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18.12.2020 hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục: "không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được giáo viên hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập. Giáo viên thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học".

Như vậy, việc sử dụng điện thoại ở trường về cơ bản vẫn là hành vi bị cấm và học sinh chỉ được sử dụng khi được sự đồng ý của giáo viên và phục vụ mục đích học tập dưới sự quản lý, giám sát của giáo viên, nhà trường và gia đình học sinh".

Lâm An