Một số chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần từ 22-26/1/2024

Đinh Thảo
Chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài; Bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; Tăng cường phối hợp phòng chống bạo lực học đường;... là một số thông tin chỉ đạo, điều hành nổi bật trong tuần qua.
chi-dao-1706325056.jpg
Một số chỉ đạo, điều hành nổi bật trong tuần (Ảnh minh họa: CAND)

Chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 08/CĐ-TTg ngày 23/1 về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài.

Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người dân và diễn biến thời tiết khắc nghiệt nhất là người cao tuổi, trẻ em và người yếu thế…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thời tiết, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng; xây dựng và hướng dẫn kế hoạch sản xuất vụ Đông - Xuân, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết.

Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông phổ biến kiến thức, hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm độc khí khi đốt than, củi để sưởi ấm trong phòng kín; chỉ đạo lực lượng y tế tuyến cơ sở bảo đảm cơ số thuốc chữa bệnh cần thiết, tổ chức khám chữa bệnh cho người dân nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

Bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng

Đây là nội dung chính trong Công điện số 09/CĐ-TTg, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành, về việc bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình thị trường xăng dầu thế giới và trong nước; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường; chủ động có giải pháp từ sớm, từ xa và có phương án bù đắp nguồn cung xăng dầu phù hợp trong mọi tình huống; tuyệt đối không để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu xem xét, quyết định điều chỉnh các loại chi phí liên quan trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu, bảo đảm kịp thời, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với diễn biến thị trường xăng dầu.

Tăng cường phối hợp phòng chống bạo lực học đường

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 26/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật; giáo dục đạo đức, lối sống; văn hóa ứng xử, kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên...

Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1764/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.

Mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 là thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo nguồn cải cách tiền lương, đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong nhận thức và hành động của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 - 2030.

Mục tiêu chung của Chương trình nhằm bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới; nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia các lĩnh vực hòa bình, an ninh, góp phần duy trì hoà bình, ổn định và sự phát triển bền vững của quốc gia và trên phạm vi quốc tế.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là tăng cường sự tham gia đầy đủ, bình đẳng, có ý nghĩa của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và xử lý, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống của quốc gia, cũng như trong gìn giữ hoà bình, an ninh quốc tế; Phòng ngừa và ứng phó tốt hơn với bạo lực trên cơ sở giới trong bối cảnh sự cố, thảm họa và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; Tăng cường lồng ghép giới trong hoạt động cứu trợ và phục hồi, bao gồm khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Phương Thảo - TH