Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, ngày 18/4, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua: Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và 2 Nghị quyết quan trọng.
Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều (bỏ 5 điều, chỉnh lý 250 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6). Đến nay, dự thảo Luật đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa các quan điểm, nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng 2 lần, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều, chỉnh lý rất nhiều điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).
Đồng thời, Quốc hội tiến hành thông qua 2 Nghị quyết quan trọng gồm:
- Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;
- Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vụ cháy tại nhà số 4 phố Hàng Lược, Hà Nội
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 5/CĐ-TTg ngày 15/1/2024 về vụ cháy tại nhà số 4 phố Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn và có ý kiến chỉ đạo như sau: Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo tổ chức thăm hỏi chu đáo, động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy để xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho người dân và các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 16/1/2024 thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Hội đồng có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm, chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Phó Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 58/QĐ-TTg ngày 16/1/2024 thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hội đồng có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điểm mới trong quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 31/2023/TT-BGDĐT về Quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS.
Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học Cơ sở, trong năm có học sinh học hết lớp 9, tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất hai lần. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới.
Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học Cơ sở, trong năm có học sinh học hết lớp 9, tổ chức xét công nhận tốt nghiệp ít nhất một lần ngay sau khi kết thúc năm học.
Điểm mới của quy chế này là không xếp loại học sinh. Học sinh được công nhận tốt nghiệp được cấp bằng tốt nghiệp Trung học Cơ sở. Còn với quy chế hiện hành, kết quả tốt nghiệp của người đang học tại các cơ sở giáo dục được xếp thành 3 loại: Giỏi, khá, Trung bình, căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm và xếp loại học lực.
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) gửi công văn đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2024.
Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố sớm ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 và huy động nguồn lục, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là trong thời gian dịp Tết Nguyên đán 2024.
Đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở tăng cường hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp; khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe.