Một số chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần từ ngày 25/12 - 29/12/2023

Đinh Thảo
Giảm thuế giá trị gia tăng 2% từ 1/1/2024; Bảo đảm hoạt động thanh toán của tổ chức tín dụng; Các giải pháp quản lý thị trường vàng;... là một số thông tin chỉ đạo, điều hành nổi bật trong tuần qua.
chi-dao-1703905904.jpg
Một số chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần từ ngày 25/12 - 29/12/2023 (Ảnh minh họa: Internet)

Từ 1/1/2024, giảm thuế giá trị gia tăng 2%

Chính phủ ban hành Nghị định 94/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội.

Theo đó, giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất.

Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định.

Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.

Bảo đảm hoạt động thanh toán của tổ chức tín dụng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1436/CĐ-TTg ngày 29/12/2023 về bảo đảm hoạt động thanh toán của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Để đáp ứng nhu cầu về giao dịch, thanh toán và chi trả hợp pháp của người dân và doanh nghiệp trong những ngày cuối năm 2023 và dịp nghỉ Tết dương lịch, Tết Nguyên đán năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo tổ chức vận hành hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính đảm bảo hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt 24/24 giờ và 7/7 ngày, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán, nhu cầu rút tiền mặt qua hệ thống ATM trước và trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Các giải pháp quản lý thị trường vàng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 1/2024...

Các cơ quan chức năng, thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp công tác để kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi..., bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, minh bạch, an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1412/CĐ-TTg ngày 25/12/2023 chỉ đạo tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024 và các năm tiếp theo.

Công điện yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm cung ứng điện theo Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 được phê duyệt, nhất là công tác chuẩn bị sản xuất điện trong giai đoạn cao điểm cuối mùa khô; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách của ngành điện; chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện; hướng dẫn, khuyến khích, sáng tạo trong thực hiện công tác tiết kiệm điện đạt hiệu quả cao nhất...

Đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện và phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm; tổng kết việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, trên cơ sở đó đề xuất phương án, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội trong năm 2025; ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, phát hành để giảm giá thành sách giáo khoa.

Bộ Nội vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục.

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 1690/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 100% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin để tăng cường thực hiện nhiệm vụ, giải pháp mới về chuyển đổi số...

Định hướng đến 2030, mạng lưới chuyển đổi số được hình thành, hoạt động hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, phối hợp đồng bộ trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số quốc gia;

100% đội ngũ nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương hằng năm được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số, phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm.

Phương Thảo - TH