Tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn dịp Tết, Lễ hội xuân 2024
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 5/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy.
Cụ thể, tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, ùn tắc giao thông như: Nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, quá tải, đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều, dừng, đỗ trái phép...
Đồng thời, ngăn chặn các vụ đua xe trái phép, tụ tập gây rối nơi công cộng; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không bảo đảm an toàn kỹ thuật; không có giấy phép lái xe, bằng cấp; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các loại phương tiện chở quá số người quy định...
Các đơn vị, địa phương phối hợp bảo đảm ATGT tại bến khách ngang sông, bến tàu khách du lịch, các tuyến, luồng đường thủy, nhất là các tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo, các tuyến sông và vùng nước có tổ chức lễ hội.
Ngăn chặn vận chuyển trái phép động vật, kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung thực phẩm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 6/12/2023 về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, Ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,... để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các cấp thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng để chủ động chỉ đạo các biện pháp phù hợp, tổ chức ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý nghiêm những sai phạm trong buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, cũng như trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và tiêm vaccine.
Nghiên cứu tầm quan trọng của giao thông, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao trong việc phát triển đô thị
Tại văn bản 502/TB-VPCP ngày 4/12/2023 thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Phó Thủ tướng chỉ đạo, quá trình triển khai nghiên cứu tiếp theo, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, làm sâu sắc thêm các nội dung.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, địa phương và doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách "đặc thù đặc biệt cả gói" để báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội khi thông qua chủ trương đầu tư.
Về hướng tuyến đường sắt tốc độ cao: nghiên cứu sử dụng hiệu quả các giải pháp công trình cầu, hầm để đảm bảo hướng tuyến thẳng nhất có thể, đảm bảo khả năng thoát lũ, hạn chế ảnh hưởng đến các khu bảo tồn và chia cắt cộng đồng; xem xét phương án bố trí điểm đầu, điểm cuối tuyến tại trung tâm Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Về nguồn vốn: bố trí nguồn vốn trong giai đoạn đầu; giai đoạn sau nghiên cứu kết hợp nguồn thu từ giá trị gia tăng phát triển đô thị, kêu gọi xã hội hóa, thu hút vốn tư nhân đầu tư đầu máy, toa xe để kinh doanh vận tải và trả phí cho Nhà nước.
Phát triển nguồn nhân lực phải đi trước một bước. Căn cứ nhu cầu, dự tính số lượng lao động chất lượng cao (tự động hóa, chế tạo máy, chuyển đổi số...), nhân viên kỹ thuật trình cấp có thẩm quyền giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện.
Hà Nội chốt số lượng biên chế công chức, viên chức năm 2024
Ngày 6/2, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND TP. Hà Nội Khóa XVI, các đại biểu HĐND thành phố đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về biên chế hành chính, sự nghiệp; số lượng cán bộ phường, xã, thị trấn... trong năm 2024.
Theo đó, đối với biên chế hành chính, giao biên chế năm 2024 cho các đơn vị bằng số giao năm 2023 (trừ các đơn vị có sắp xếp lại tổ chức bộ máy và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua). Các năm tiếp theo, căn cứ tình hình thực tiễn và kết quả trình sửa đổi Luật Thủ đô, UBND thành phố sẽ chỉ đạo xây dựng phương án cắt giảm biên chế để bảo đảm chỉ tiêu tinh giản của Bộ Chính trị giao. Đối với biên chế công chức phường, giữ nguyên theo số lượng công chức trung ương giao.
Nghị quyết thống nhất giao chỉ tiêu biên chế công chức hành chính cấp huyện trở lên và biên chế công chức phường thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị là 10.565 biên chế.
Hơn 10.000 học sinh cận nghèo Hà Nội được miễn học phí từ 1/1/2024
Chiều 6/12, HĐND TP. Hà Nội thông qua Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ học phí trẻ mầm non và học sinh phổ thông hộ cận nghèo trên địa bàn.
Theo đó, trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc hộ cận nghèo đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ được giảm 50% học phí năm học 2023-2024.
Nghị quyết áp dụng đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc hộ cận nghèo đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông của TP Hà Nội; học viên thuộc hộ cận nghèo đang theo học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông; các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của TP thuộc các trường hợp nêu trên.
Thời gian hỗ trợ từ ngày 1/1/2024 (theo thời gian học sinh học thực tế, tối đa không quá 9 tháng/năm học). Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo phân cấp.