Lão nông 'bắt đồng hoang đẻ ra tiền'

Khi ông Lê Văn Bàng đặt vấn đề thuê 8 ha đất hoang ở huyện Nghi Xuân lập nghiệp, lãnh đạo xã đồng ý song bồi thêm câu "sợ rằng ông không làm được".

Giữa tháng 12, khu đất rộng 8 ha giáp ranh thôn Cương Thịnh, xã Xuân Liên và Bắc Sơn (xã Cương Gián) được phủ bởi những hồ cá nước trong xanh, xung quanh là hệ thống chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm hiện đại. 17 năm trước, nơi đây là một vũng sình, lạch nước xói lở, những lò gạch thủ công ngổn ngang. Nay được "thay áo mới" bởi ông Lê Văn Bàng, 58 tuổi, trú xã Xuân Liên.

Gia đình có nghề truyền thống chăn vịt chạy đồng, cuộc đời ông Bàng gắn với công việc nuôi vịt ấp trứng để bán vịt giống, thu nhập hàng tháng đủ nuôi 4 con ăn học. Bước ngoặt đến với lão nông vào năm 2003, khi xảy ra đợt dịch cúm gia cầm H5N1 diện rộng, chính quyền cấm nuôi vịt chạy đồng để ngăn nguy cơ lây nhiễm.

ong-le-van-bang-1-8925-1639725404-1639803653.jpg
Ông Lê Văn Bàng

"Gia đình tôi khốn đốn vì dịch, vịt chết nhiều phải bán rẻ", ông Bàng kể. Từng nhiều lần lùa vịt qua cánh đồng hoang ở xã Xuân Liên và Cương Gián, ông Bàng có ý tưởng thuê nơi này làm trang trại. Khi dừng nuôi vịt chạy đồng, ông bàn với vợ Nguyễn Thị Thủy, 53 tuổi, lên kế hoạch phát triển trại chăn nuôi.

Vợ gật đầu ủng hộ, lãnh đạo hai xã thời đó cũng chấp thuận cho thuê đất hàng chục năm khi ông đặt vấn đề, song họ bày tỏ sự hồ nghi, bởi trước đó một vài người thuê khu vực này cải tạo chăn nuôi song không ai thành công. "Sợ ông không làm được, sẽ sớm trả lại đất thôi", ông Bàng nhớ lại lời của một cán bộ xã lúc ông nộp tiền và hoàn tất thủ tục giao nhận đất năm 2004.

Lỗ hàng chục triệu đồng bởi dịch cúm gia cầm, song ông Bàng nói "đâm lao thì phải theo lao", vay tiếp 300 triệu đồng của người thân và ngân hàng cải tạo đồng hoang. Nhìn vũng sình lầy lội, xung quanh vắng bóng người, bùn đất ngổn ngang, bà Thủy lo "không biết làm năm nào mới xong". Ông Bàng động viên "sẽ sớm thôi". Vốn ít nên ông chỉ thuê máy xúc đào ao để tiết kiệm. Việc đắp đường, kéo điện, làm các hạng mục phụ trợ đều do vợ hai chồng tự lo liệu.

Tiếp tục chọn nuôi vịt để khởi nghiệp, lần này ông Bàng không nuôi chạy đồng mà chuyển sang làm hàng rào lưới, chăm sóc trong trang trại khép kín để đề phòng dịch bệnh, tuân thủ khuyến cáo của nhà chức trách. Làm xong chuồng, ông xây lò ấp trứng, nuôi 6.000 con vịt đẻ. Khoảng 6 ha mặt nước ao, ông thả các loại cá nước ngọt như rô phi, trôi, leo, chép... Phân vịt giúp thủy sinh trong ao phát triển, trở thành thức ăn cho cá. Đàn vịt bơi lội qua lại sẽ cung cấp lượng oxy lớn, giúp cá hô hấp và sinh trưởng tốt.

Người đàn ông 58 tuổi chia sẻ, nhờ có kinh nghiệm nuôi vịt từ nhỏ, nên không gặp khó khăn trong chăm sóc, vịt phát triển tốt và đẻ trứng đều ngay từ lứa nuôi đầu tiên. Song khó khăn nằm ở khâu tiêu thụ. Những đợt thu hoạch đầu tiên, ông không tìm được đầu mối bán trứng và cá, nên phải đưa ra chợ hoặc bán lẻ trong dân, nhiều lúc thu không đủ bù chi, phải vay thêm tiền ngân hàng để đầu tư.

Vừa là nhà sản xuất kiêm người tiếp thị, ông Bàng đi đến nhiều huyện đặt vấn đề với các cơ sở thu mua sản phẩm. Sau hai năm, trang trại bắt đầu có lãi

he-thong-chuong-trai-6335-1639725404-1639803653.jpg
Khoảnh đồng hoang rộng hơn 8 ha nay được ông Bàng cải tạo thành hệ thống ao nuôi cá, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm

Hiện, trại của ông Bàng có 1.500 con vịt siêu đẻ, ấp lấy trứng vịt lộn bán. Một ngày đàn vịt đẻ 1.200 quả trứng, liên tục trong 10 tháng. Một quả trứng vịt lộn giá khoảng 3.200-3.500 đồng, trừ chi phí mỗi năm ông thu khoảng 600 triệu đồng từ bán trứng. Với đàn cá, sản lượng một năm hơn 25 tấn, giá 20.000-25.000 đồng một kg nhập cho thương lái, cho lời 400-500 triệu đồng.

Năm 2012, ông Bàng vay thêm 2 tỷ đồng xây 3 dãy chuồng trại trên diện tích đất 3.000 m2, đầu tư hệ thống làm mát bằng hơi nước, bể biogas 5.000 m2 để nuôi lợn liên kết cho Công ty CP Việt Nam. Với mô hình này, công ty cung cấp con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu. Khi xuất chuồng, ông Bàng được doanh nghiệp trả 5.000 đồng một kg thịt. Trừ chi phí, mỗi năm thu về khoảng một tỷ đồng. Thời điểm này trang trại nuôi 1.800 con lợn. Để vận hành tốt, ông Bàng thuê 4 công nhân, trả lương một tháng 6-8 triệu đồng.

Theo ông Bàng, để chăn nuôi thành công, quan trọng nhất là phải "bình tĩnh trước khó khăn". "Vấp ngã thì có, nhưng tôi không bao giờ để gãy chân. Có ngã cũng phải cố mà đứng dậy", ông nói. Ông Bàng áp dụng các phương pháp khoa học nhằm phục vụ tốt hơn cho công việc. Để hạn chế ánh nắng chiếu thẳng vào chuồng trại gây nhiệt độ cao, ông xây chuồng lợn theo hướng Đông - Tây, đầu phía Đông lắp hệ thống làm mát bằng hơi nước, phía Tây lắp cánh quạt tốc độ cao, mùa hè nhiệt độ trong chuồng thấp hơn ngoài từ 3-5 độ.

"Vịt thì nuôi dễ, chỉ cần tiêm phòng chu đáo là được. Cá chủ yếu nuôi quảng canh, chi phí ít, lợi nhuận thường đạt 100%. Lợn là con vật khiến tôi băn khoăn, trăn trở, bởi hiện dịch tả châu Phi chưa có thuốc phòng chữa", ông cho hay.

ong-le-van-bang-7960-1639725404-1639803653.jpg
Ông Bàng bên hệ thống chuồng chăn nuôi lợn liên kết

Đến nay ông Bàng đã bỏ ra khoảng 5 tỷ đồng cải tạo đồng hoang thành trang trại khang trang. Hàng năm, sau khi trừ các chi phí, tiền thu về từ bán trứng vịt, cá và nuôi lợn liên kết gần 2 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Thủy tâm sự, vợ chồng từng bị coi là gàn dở khi vay tiền tỷ "đầu tư vào đất hoang". Những người ngày xưa hoài nghi, nay đến thăm trang trại đều chúc mừng, nói "đã hiểu sai".

Gia đình bà Thủy hiện kinh tế khá, 4 người con đã trưởng thành, cậu cả lập gia đình ở quê, 3 người còn lại đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định.

Nhận danh hiệu Nông dân xuất sắc năm 2021 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Bàng nói rất vui, song "còn nhiều người xứng đáng hơn mình". Lão nông dự định sắp tới dồn vốn xây thêm 4 chuồng nuôi lợn nữa để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh, đánh giá hội viên Lê Văn Bàng là một người chịu khó, luôn biết vượt qua mọi hoàn cảnh để vươn lên khẳng định mình. "Ông ấy luôn tìm ra hướng đi mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đó là điều đáng ghi nhận", bà Thủy nói.