Khánh thành tượng và đề nghị Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho bà Huỳnh Thị Sáu

Huyền Văn
Mỗi dịp tháng Tư, ký ức về chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 luôn là niềm tự hào không thể nào quên với người dân cả nước bởi đó chính là những thời khắc lịch sử của dân tộc là giải phóng thống nhất đất nước, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ hòa bình và phát triển.

Khánh thành tượng và đề nghị Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho bà Huỳnh Thị Sáu

Mỗi dịp tháng Tư, ký ức về chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 luôn là niềm tự hào không thể nào quên với người dân cả nước bởi đó chính là những thời khắc lịch sử của dân tộc là giải phóng thống nhất đất nước, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ hòa bình và phát triển.

Hơn ai hết, những cán bộ, chiến sĩ, những cựu chiến binh là người tham gia trực tiếp chứng kiến cuộc chiến tranh mới thấm thía những nỗi đau thương mất mát của đồng chí đồng đội, của nhân dân và cả sự góp sức thầm lặng quý giá của mỗi người dân đã tạo nên chiến thắng, hòa bình.

* Kỷ niệm 46 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Thượng tướng, viện sỹ, tiến sỹ, AHLLVTND Nguyễn Huy Hiệu nguyên UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ quốc phòng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 Triệu Hải - Anh hùng; cùng các tướng lĩnh các quân, binh chủng; Cựu chiến binh Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 27 miền Đông Nam Bộ về tri ân, hội tụ trước mộ Má, trân trọng nhân vật Má Sáu Ngẫu vì chiến công của Má đi cùng chiến công của Trung đoàn 27.

Công tác triển khai khu dựng tượng trong 6 năm thực hiện, qua bao cuộc họp, làm tờ trình, xin ý kiến của các cấp và tranh thủ ý kiến của Hội đồng Mỹ thuật tỉnh, với kinh phí 700 triệu, đến hôm nay TƯỢNG MÁ HUỲNH THỊ SÁU đã hoàn thành. Tượng Má được đưa vào khu quần thể mộ gia đình Má, diện tích 300m2, đặt trên nền gia cố chịu độ rung lắc địa chấn động đất.

Tượng được Nghệ nhân trẻ Đinh Trọng Duẩn, chủ xưởng mỹ thuật điêu khắc đá Đương Đại Sơn Lâm, phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương tạc, đá granite tự nhiên nguyên khối, trọng lượng gần 100 tấn, chiều cao tượng đài 6m05. Tượng Má cao 2m05. Được mô phỏng theo hình chân dung Má, tay phải cầm cây viết, tay trái cầm cây đèn dầu với ý nghĩa: Má tham mưu chỉ dẫn cho Trung đoàn 27 đánh vào Sài Gòn, cửa ngõ Lái Thiêu. Bệ đế đặt tượng cao 4m, phía trên được gắn hình "Tấm bản đồ Đô thành Sài Gòn" và tấm hình "Má Sáu Ngẫu chỉ dẫn cho Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu, Chính ủy Trịnh Văn Thư, bên cạnh cô con gái tên Phước (Ngân) 17 tuổi và một cậu con trai tên Đức 13 tuổi", được in trên gốm sứ, kích thước 55cm×35cm. Chữ khắc trên văn bia, khắc chạm bằng tay, kiểu chữ chân phương, sơn vàng nổi bật dòng chữ tóm tắt chỉ dẫn của Má.

Hôm nay, ngày 29/4/2021 tại 415/3 Khu Phố Thạnh Bình, TT An Thạnh, Thuận An, Bình Dương đã cắt băng khánh thành "TƯỢNG MÁ SÁU NGẪU".

Tới dự lễ khánh thành có các đồng chí lãnh đạo, cùng các cơ quan đoàn thể từ cấp tỉnh Bình Dương, thành phố Thuận An, phường An Thạnh; gia đình, bà con tới dự chung vui và các phóng viên báo, đài truyền hình tới đưa tin.

Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, đại biểu tới dự được kiểm tra đo thân nhiệt, phát khẩu trang đảm bảo chống lây lan dịch bệnh covid 19.

nlntv-d83718911544-1643421301.jpeg

Bình Dương, tháng 04/2021

* Mối tình bí mật và tiếng oan “gái chửa hoang”

Má Huỳnh Thị Sáu (Sáu Ngẫu) sinh năm 1930, tại quận lỵ Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Thân sinh của má là cụ Huỳnh Văn Thà, người có công lớn với cách mạng từ kháng chiến chống Pháp, là cơ sở của Việt Minh, nuôi giấu nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng. Kế thừa truyền thống của gia đình, ngay từ nhỏ, Sáu Ngẫu đã tham gia công tác giao liên ở địa phương, làm nhiệm vụ tuyên truyền, rải truyền đơn, dẫn đường cho cán bộ từ chiến khu về cơ sở hoạt động bí mật. Năm 18 tuổi, Sáu Ngẫu thoát ly đi làm cách mạng tại Chiến khu Đ. Luôn là người tham gia tổ chức cho chị em các địa phương xuống đường biểu tình đòi quyền sống, quyền tự do, vận động quyên góp lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh tiếp tế cho bộ đội ở Chiến khu Đ.

Bước vào kháng chiến chống Mỹ, má Sáu Ngẫu chuyển sang hoạt động bí mật, xây dựng cơ sở cách mạng, mở rộng mạng lưới hoạt động từ vùng Thủ Dầu Một vào nội đô Sài Gòn. Năm tháng hoạt động má Sáu Ngẫu được gặp gỡ, hoạt động chung với người cán bộ quê ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tên là Đinh Quang Ky, Chánh văn phòng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, với bí danh Tư Ca họ nên duyên nhau vợ chồng, lần lượt sinh hai người con là Huỳnh Thị Kim Ngân (tự Phước), sinh năm 1958 và Huỳnh Văn Đức, sinh năm 1962. Do điều kiện chiến tranh ác liệt, vợ chồng má Sáu Ngẫu lại hoạt động bí mật nên không thể công khai chuyện hôn nhân. Vì vậy, hai con đều phải mang họ mẹ.

Không chồng mà có con, má Sáu Ngẫu bị ngay cả những người thân thích coi là “gái chửa hoang”. Má cắn răng chịu đựng, chấp nhận mang tiếng xấu để bảo toàn bí mật cho chồng và các cơ sở cách mạng.

Trong những năm tháng cùng nhau hoạt động bí mật trong lòng địch, năm 1961 chồng Má Ngẫu đã có được tấm bản đồ vô cùng quý giá, thể hiện chi tiết đặc điểm địa lý, địa hình Sài Gòn và sơ đồ bố trí lực lượng các đơn vị của địch ở khu vực Lái Thiêu, vùng ven Sài Gòn và giao cho vợ cất giữ, bảo quản cẩn thận.

Năm 1968, trong một chuyến công tác thâm nhập cơ sở hỗ trợ chiến dịch tấn công địch từ hướng Lái Thiêu đến Sài Gòn, chồng má Sáu Ngẫu bị sa vào ổ phục kích của địch và anh dũng hy sinh. Vô cùng đau đớn sau ngày chồng mất nhưng má Sáu Ngẫu đã cắn răng vượt qua, một lòng một dạ thờ chồng, nuôi con, để toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ cách mạng.

Kỷ vật vô giá của chồng sau đó đã được má Sáu Ngẫu sử dụng làm công tác tham mưu, tổ chức lực lượng dẫn đường cho Trung đoàn 27 tiến vào nội đô Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau ngày đất nước thống nhất, má Sáu Ngẫu trở lại với công việc một nắng hai sương nơi miệt vườn Lái Thiêu quanh năm rợp mùa hoa trái. Má lâm bệnh nặng và qua đời năm 1989.

* Qua những cống hiến âm thầm, thành tích đặc biệt xuất sắc của má Sáu Ngẫu đã hạn chế thương vong về lực lượng và phương tiện, góp một phần nhỏ cho Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Trung đoàn 27 vừa hoàn thành hồ sơ đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho bà Huỳnh Thị Sáu. Rất mong các cấp chính quyền từ cơ sở đến Trung ương, quan tâm, xem xét thành tích, đề nghị Đảng và Nhà nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho má Huỳnh Thị Sáu./.

Nguyên văn khắc trên văn bia:

(Để thực hiện phương châm táo bạo, đánh nhanh, thọc sâu các mục tiêu được Bộ tư lệnh chiến dịch giao cho Trung đoàn bộ binh 27. Qua nắm bắt tình hình từ cán bộ địa phương tại địa điểm Búng, bắc ngã tư Hòa Lân, hồi 20h ngày 29/4/1975, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu, Chính ủy Trịnh Văn Thư cùng cán bộ Tác chiến và tổ Trinh sát Trung đoàn đã bắt được liên lạc với gia đình bà Huỳnh Thị Sáu (Má Sáu Ngẫu) tại xã An Thạnh. Má Sáu rất mừng và vào buồng lấy tấm bản đồ Đô thành Sài Gòn đã cất giữ từ lâu. Dưới ngọn đèn dầu, tay Má chỉ tường tận đường đi, các chốt đóng quân, trận địa hỏa lực và cách bố phòng của địch mà Má đã đánh dấu trong những lầm đi thâm nhập địa bàn. Nhờ tấm bản đồ chỉ dẫn của Má, sáng 30/4 cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 27 theo QL13 lần lượt đánh chiếm Quận lỵ Lái Thiêu, bao vây chia cắt cô lập bức hàng gần 2.000 têên địch tại trại lính Huỳnh Văn Lương và đánh chiếm cầu Vĩnh Bình. Theo thế tiến công đánh chiếm Bộ tư lệnh Thiết giáp Ngụy, căn cứ Lục quân công xưởng tại Gò Vấp, tiếp quản Tổng y viện Cộng hòa."

Trung đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thượng tướng, viện sỹ, tiến sỹ, AHLLVTND Nguyễn Huy Hiệu nguyên UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ quốc

phòng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 Triệu Hải - Anh hùng;

Ban LLTT Trung đoàn tại TPHCM, miền Đông Nam Bộ

Tri ân Bà Huỳnh Thị Sáu (Má Sau Ngẫu) "Bà má tham mưu của Trung đoàn 27")