Khắc phục đứt gãy thị trường lao động

Huyền Văn
Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm ứng phó với dịch bệnh, phát triển kinh tế đi đôi với chăm lo phúc lợi, an sinh xã hội.

Trao đổi với báo chí chiều 28-1, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch; tạo chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc...

Phóng viên: Sau khoảng thời gian giãn cách xã hội, hàng loạt lao động đã về quê, điều này dễ đến đứt gãy thị trường lao động. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã có những biện pháp nào để ngăn chặn sự đứt gãy trên, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Trong tác động của đại dịch Covid-19 thì vấn đề lao động việc làm bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu tính từ tháng 4 đến tháng 10-2021, có khoảng 38 triệu lao động bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, số lao động bị gián đoạn hoặc tạm dừng trong năm 2012 khoảng 18 triệu người. Đặc biệt trong quá trình tác động của đại dịch lần thứ 4 thì dòng người di chuyển từ TP Hồ Chí Minh và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam về nông thôn, về các vùng quê tương đối lớn, ước tính khoảng 1,3 triệu lao động và chiếm 60% trong khối dịch chuyển này.

Vấn đề mà chúng ta dự báo và nhiều quốc gia đã lo lắng khi đại dịch diễn ra, đó là bên cạnh việc đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất thì việc lo lắng hơn là đứt gãy về chuỗi cung ứng lao động. Vì vậy, ngay từ rất sớm, trên tất cả các phương tiện truyền thông, trong tất cả các cuộc họp của Chính phủ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội luôn nêu vấn đề bàn bạc để chủ động đối phó. Đến giờ này chúng ta đã có thể yên tâm bởi thị trường lao động của chúng ta phục hồi rất nhanh chóng.

Ước tính ban đầu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cuối quý I, đầu quý II thị trường lao động của chúng ta mới trở lại được cơ bản. Nhưng đến hết tháng 12-2021, thị trường lao động đã phục hồi cơ bản. 95% lực lượng lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trung tâm lao động đã hoạt động trở lại. Những vấn đề cốt lõi nhất để bảo đảm duy trì cho người lao động cũng đã được bảo đảm, đặc biệt là trong vấn đề tiền lương, bảo hiểm, các địa phương cũng hỗ trợ thêm để bảo đảm sàn an sinh cho người lao động. Đến thời điểm hiện tại, cá nhân tôi cho rằng thị trường lao động của chúng ta đã phục hồi nhanh chóng và ổn định tương đối.

nlntv-bo-truong-bo-lao-dong-tbxh-3968624744659452607-n-1643384470.jpg
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Phóng viên: Bộ trưởng có nhận định như thế nào về nguồn lao động sau Tết Nguyên đán, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Thông thường hằng năm, trước Tết Nguyên đán chúng ta thường thiếu khoảng 10% lực lượng lao động, sau Tết thường thiếu 20%. Nhưng năm nay, trong hoàn cảnh như này, cá nhân tôi cho rằng nguồn lao động sẽ duy trì thấp hơn. Bởi lẽ, những người lao động khi đã quay về quê một thời gian, khi quay trở lại nơi mình công tác thì thông thường Tết ít khi về nhà.

Mặt khác, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đều có phương án để giữ chân người lao động. Ví dụ như ngoài những chính sách như nâng lương, chế độ Tết, chế độ thưởng thì họ còn những chính sách khác để giữ chân người lao động. Thời gian qua, các địa phương cũng đã chủ động để thực hiện các biện pháp phục hồi lao động. Do đó có thể thấy rằng là đến giờ này, theo báo cáo mà tôi nhận được từ các Tập đoàn lớn, các Tổng công ty các doanh nghiệp nước ngoài, lực lượng lao động Tết dự báo của chúng tôi cũng chỉ thiếu khoảng 10 đến 15% và so với những năm trước đây thì nó không phải là cao. Đây là vấn đề chúng ta có thể an tâm được.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, hiện nay các nhà máy mới chỉ chạy được khoảng 65% công suất. Theo Bộ trưởng, thị trường lao động năm nay sẽ ra sao và chúng ta sẽ phục hồi thị trường như thế nào?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tôi cho rằng thị trường lao động của chúng ta bây giờ phục hồi và đảm bảo cơ bản. Bởi có những doanh nghiệp, có những đơn vị phục hồi tới 100%, có đơn vị 90% nhưng mà có những đơn vị thì chỉ có 60%. Tuy nhiên, theo nhận định của tôi, cái thiếu nhất hiện nay chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi vì thời gian vừa qua do tác động của đại dịch lực lượng lao động của chúng ta chuyển dịch từ nhà máy này, từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Do đó, các doanh nghiệp bắt buộc phải vừa tiếp nhận, nhưng vừa phải đào tạo, vừa phải bồi dưỡng.

Có những ngành nghề công nghệ thấp, không cần tay nghề cao thì có lao động ngay. Nhưng với những ngành nghề đòi hỏi công nghệ cao, kỹ thuật cao thì phải có một thời gian phục hồi và cần một khoảng thời gian để có được một lực lượng lao động chất lượng cao. Do đó, các doanh nghiệp hiện nay đang phối hợp rất chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm hướng nghiệp để đảm bảo được nguồn cung lực lượng chất lượng cao.

nlntv-355455ec5c0b9155c81a-1643384540.jpg
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng quà Tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Nhà máy sản xuất bao bì Đại Dương (khu Kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: TRẦN THẮNG

Phóng viên: Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp là một trong những chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 do Quốc hội ban hành đang được người lao động hết sức quan tâm. Xin Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì phục hồi an sinh được coi là một trong 5 nội dung của Chương trình phục hồi này. Trong phục hồi an sinh thì vấn đề được quan tâm nhất là phục hồi lao động. Mà để phục hồi thị trường lao động thì phải tập trung giải quyết 5 nhóm vấn đề.

Nhóm thứ nhất là cho người lao động được vay tiền với lãi suất thấp để phát triển sản xuất với mức vay có thể lên đến hàng trăm triệu. Thứ hai: hỗ trợ 6,6 nghìn tỉ để hỗ trợ tiền thật, tiền mặt cho người lao động với 2 đối tượng khác nhau: đối tượng lao động đang ở tại chỗ thì hỗ trợ 3 tháng, còn đối tượng mà người lao động khuyến khích người lao động quay lại thị trường trước đây thì cũng hỗ trợ 3 tháng nhưng mức cao gấp đôi so với mức mà người đang ở lại.

Mức 3, giao cho Ngân hàng chính sách được sử dụng một khoản tiền tương đối lớn để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay với mức lãi suất rất thấp để doanh nghiệp xây dựng nhà, xây dựng ký túc xá, xây dựng nhà cho công nhân và cho công nhân có thể mua hoặc thuê. Thứ 4 là lấy một khoản nữa từ ngân sách nhà nước cho người công nhân có thể vay với lãi suất thấp để người công nhân có thể mua nhà với giá rẻ. Tôi nghĩ rằng cái sàn an sinh tối thiểu như vậy.

Thứ 5 sẽ hỗ trợ một phần về toàn bộ tiền lương; trả lương cho người lao động không có lãi suất (thông qua doanh nghiệp để trả lương cho đến hết ngày 31-3); hỗ trợ cho doanh nghiệp toàn bộ phần đào tạo mà nhà nước miễn phí (hỗ trợ này nằm trong chương trình 7.500 tỷ đồng hiện nay đã được cung cấp). Tôi nghĩ rằng cái cách tư duy như vậy chúng ta tạo ra nhiều cách khác nhau để hỗ trợ cho người lao động.

Phóng viên: Xin cảm ơn Bộ trưởng!