'Vương quốc' mèo của người phụ nữ bán hủ tiếu

Những ngày cận Tết, khi ai nấy đều bận rộn về quê đoàn tụ cùng gia đình và người thân thì chị Huỳnh Thị Như Quyên (44 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) vẫn cặm cụi bên hàng hủ tíu, kiếm tiền chăm lo cho “đàn con” của mình - những chú mèo được chuộc ra từ các lò mổ.

Đi hết con đường trải nhựa, men theo con đường mòn nhỏ xíu vừa đủ một chiếc xe máy chạy qua, chúng tôi tìm đến “vương quốc” rộng 7.000m2 của chị Huỳnh Thị Như Quyên thuê tại xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) - nơi chị đang cưu mang hơn 400 con mèo.

chi-quyen-cham-soc-cho-dan-meo-hon-400-con-1674546547.jpeg
Chị Quyên chăm sóc cho đàn mèo hơn 400 con.

Bước vào đây, không khí yên ắng lạ thường. Thấy có người lạ đến, bọn mèo đồng loạt ngóc đầu lên kêu meo meo rồi dõi mắt theo bất kỳ “nhất cử nhất động” của chúng tôi. Bên trong, những con mèo nhiều màu sắc nằm san sát nhau, các đĩa đựng thức ăn được xếp gọn gàng, sạch sẽ. Một con mèo nằm gọn trong góc, ngóc đầu đưa mắt nhìn khách lạ tới nhà. Nó có vẻ khó gần và hung hăng hơn những con mèo khác, chị Quyên bảo đó là con mèo gần nhất mà chị vừa cứu được từ lò mổ về.

Mở cửa vào, chị Quyên gọi ngay: "con gái mẹ lại đây" rồi ôm chầm lấy một con mèo có bộ lông trắng tinh hôn lấy hôn để. Đặt con mèo xuống, chị lấy đĩa, tay tháo túi thức ăn rồi bày lên giường tre sẵn vài đĩa, miệng gọi í ới: "đến ăn đi các con".

moi-lan-gap-cac-con-cua-minh-la-chi-quyen-hon-lay-hon-de-1674546621.jpeg
Mỗi lần gặp các “con” của mình là chị Quyên hôn lấy hôn để.
nhung-be-meo-rat-thich-duoc-chi-quyen-nung-vuot-ve-1674546678.jpeg
Những “bé” mèo rất thích được chị Quyên nựng, vuốt ve.

Trong chuồng được bố trí sẵn các giường tre cho các chú mèo ngủ nghỉ, chị ngồi bệt xuống nền xi măng kể cho chúng tôi về kỷ niệm của "từng đứa". Ở đây, có con thì được nhận nuôi, có con thì được giải cứu từ các lò mổ, có con bị chủ bán… Đối với chị Quyên, dù chúng bị bỏ đi vì bất cứ lý do gì, khi về đây, chúng sẽ được chăm sóc và yêu thương vô điều kiện.

doi-voi-chi-quyen-du-chung-bi-bo-di-vi-bat-cu-ly-do-gi-khi-ve-day-chung-se-duoc-cham-soc-va-yeu-thuong-vo-dieu-kien-1674546751.jpeg
Đối với chị Quyên, dù chúng bị bỏ đi vì bất cứ lý do gì, khi về đây, chúng sẽ được chăm sóc và yêu thương vô điều kiện.

Chị kể, thời gian đầu, chị giấu chồng đi cứu chó mèo bằng tiền túi của mình. Cứu được một con, hai con, năm con… với giá chuộc từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng, chị bắt đầu… “bén duyên”. Sau này, nhờ tham gia cũng như được các hội nhóm cứu trợ động vật giúp sức, chị cứu được nhiều con hơn. “Từ đó, công việc cứ cuốn tôi tới bây giờ, tính ra cứu cũng tổng cộng hơn 1.000 con mèo”, chị Quyên kể.

Khoảng đầu tháng 11 năm nay, chị Quyên đã giải cứu 112 con mèo từ lò mổ, tuy nhiên khi mang về chăm sóc chỉ sống được 36 con. Nhắc lại, chị ứa nước mắt kể: “Đưa tụi nhỏ về mình cũng cách ly riêng, cho uống thuốc, bón thức ăn nhưng nhiều con vẫn không qua khỏi, có lẽ lúc bị bắt các “bé” đã bị đánh thuốc”. Chính những lúc như vậy, chị thấy tinh thần như bị tra tấn, cũng không ngờ rằng mình bỏ công sức cứu các “bé” về nhưng cũng chính tay mình tự chôn. Đó là những cảm xúc lẫn lộn, day dứt không dễ gì quên được.

mot-be-meo-dac-biet-voi-2-mau-mat-khac-nhau-duoc-chi-quyen-giai-cuu-tu-lo-mo-1674546822.jpeg
Một “bé” mèo đặc biệt với 2 màu mắt khác nhau được chị Quyên giải cứu từ lò mổ.

Theo chị Quyên, mỗi con khi cứu về đều có hoàn cảnh riêng nhưng hầu hết các “bé" mèo đều bệnh, gầy gộc, hoảng loạn bởi từng bị đối xử tệ trong các lò mổ. Hiện tại trạm, ngoài số lượng hơn ngàn con mèo thì chị Quyên cũng đang cưu mang hàng trăm chú chó.

Để có thêm chi phí lo thức ăn cho "đàn con", chị Quyên bán hủ tiếu buổi sáng và tối để có thêm thu nhập. Vào những lúc khó khăn nhất, chị đã phải cầm cố tài sản cá nhân, thậm chí bán cả xe và các tài sản có giá trị để có tiền mua thức ăn và thuốc men cho các chú chó, mèo ở tại trạm của chị. "Một tháng chi phí nuôi cũng hơn 60 triệu đồng chưa kể tiền thuốc men khi chó, mèo bệnh nên bán hủ tiếu thôi vẫn chưa đủ. May mắn tôi được gia đình ủng hộ, các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm nên hiện vẫn đủ sức lo cho chúng", chị nói.

tai-san-quy-gia-nhat-bay-gio-la-dan-con-mung-ro-moi-khi-chi-quyen-di-dau-ve-1674546879.jpeg
Tài sản quý giá nhất bây giờ là “đàn con” mừng rỡ mỗi khi chị Quyên đi đâu về.

Bình thường ở đây có các tình nguyện viên đến tham gia chăm sóc cho đàn mèo, nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến cận Tết, ai nấy đều về quê đón Tết cùng gia đình, chị thì vẫn tất bật, vẫn làm các công việc chăm sóc, dọn dẹp như ngày thường.

“Tết nhà mình cũng đơn giản, nồi thịt kho tàu với miếng dưa củ kiệu cho có không khí là được, còn những “bé” mèo mình cho ăn ngon hơn mọi ngày và mặc quần, áo cho có không khí Tết. Cũng nhiều năm rồi, mình chưa về quê để ăn Tết cùng với ba mẹ và người thân, vì ở đây ngày nào cũng cần có người chăm sóc, dọn vệ sinh”, chị Quyên chia sẻ.

cac-be-meo-duoc-chi-quyen-mac-quan-ao-moi-don-tet-1674546928.jpeg
Các “bé” mèo được chị Quyên mặc quần, áo mới đón Tết.

Nhìn tình cảm và công sức mà chị dành cho các “bé” mèo ở đây, không ai nghĩ người phụ nữ này lại mang trong mình nghị lực và sức chịu đựng phi thường khi kể về những kỉ niệm trong suốt hành trình 8 năm giải cứu chó mèo. Chị Quyên tâm sự: "Mình áp lực và day dứt vô cùng khi phải tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh đau lòng mà mình không thể cứu được. Có thể là mình không đến kịp lúc, mình chậm một chút… khi mình chứng kiến, mình chỉ thấy trách bản thân”.

Hạnh phúc nhất của chị có lẽ là được trở thành “mẹ” của hàng ngàn chú chó, mèo. Tài sản quý giá nhất bây giờ của chị có lẽ là “đàn con” mừng rỡ mỗi khi chị đi đâu về. Nhìn những “đứa con” của mình, chị chỉ mong ước mọi người bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo; có như vậy thì không có cảnh người đi bắt trộm, buôn bán chó mèo nữa. Chị cũng mong năm mới sẽ có thêm nhiều sức khỏe, có công việc và thu nhập ổn định để tiếp tục chăm sóc tốt nhất cho những “đứa con” đặt biệt của mình.