Hành trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông

Hội đồng các nhà khoa học, Nhà nghiên cứu văn hóa đã hoàn thiện Hồ sơ khoa học trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đề nghị vinh danh đại danh y Lê Hữu Trác (hiệu là Hải Thượng Lãn Ông) là danh nhân thế giới. Để sưu tầm những gì liên quan đến một người sống cách đây gần 3 thế kỷ không phải là điều dễ dàng vì thời đó việc ghi chép, lưu trữ tư liệu không thuận tiện như bây giờ. Chính vì vậy, ngành y tế, nhà khoa học và cả những người trong dòng họ Lễ Hữu đã dày công tìm kiếm tư liệu về danh y để bộ hồ sơ đầy đủ nhất có thể.
anh-noi-tho-tu-hai-thuong-lan-ong-tai-hung-yen-1681715285.jpg
Nơi thờ tự Hải Thượng Lãn Ông tại Hưng Yên

Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác không chỉ là đại danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc mà còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại, là niềm tự hào của dân tộc tộc ta. Ông sinh ra trong một gia đình ở xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Hải Thượng Lãn Ông đã đúc kết hàng nghìn bài thuốc hay và phát hiện bổ sung hơn 350 vị thuốc mới để đồng nghiệp đương thời và thế hệ mai sau cùng nghiên cứu, sử dụng. Ông để lại nhiều tác phẩm lớn như Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất thời trung đại Việt Nam. Từ đó, đại danh y là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp. Sau khi mất, Hải Thưởng Lãn Ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc "Y thánh của Việt Nam".

anh-le-dang-huong-tuong-niem-232-nam-ngay-mat-cua-dai-danh-y-hai-thuong-lan-ong-1681715285.jpg
Lễ dâng hương tưởng niệm 232 năm ngày mất của Đại danh y Hải Thưởng Lãn Ông

Việc UNESCO vinh đại danh Lê Hữu Trác sẽ tiếp tục lan tỏa, tạo thành những phong trào học hỏi ở nhiều mặt như: y lý, y đức và y thuật. Y lý là lý luận y học, gồm các quan niệm về bệnh tật, cách phòng và chữa bệnh. Y thuật là phương pháp chữa bệnh. Y đức là hệ thống các nguyên tắc hay luân lý đạo đức trong khám chữa bệnh. Mấy năm qua, Bộ Y tế đã tổ chức rất nhiều hội thảo để thu thập những tư liệu quý, từ đó chuẩn bị Hồ sơ khoa học trình UNESCO đề nghị vinh danh Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác. 

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Tuấn, thuộc Ban Đại diện xây dựng hồ sơ để trình UNESCO cho biết: “Khi nghiên cứu sâu về Hải Thượng Lãn Ông, tôi thấy “bầu trời” kiến thức không thể nào hiểu hết được. Cụ nói một câu như thế này “Người thầy thuốc trước khi học y thì phải học dịch đã”. Kinh dịch là một hệ thống tư tưởng của triết học. Những bộ kinh dịch, những công trình nghiên cứu và đóng góp của Hải Thượng Lãn Ông rất nhiều. Để chúng tôi hoàn thiện được hồ sơ một cách đầy đủ, có chiều sâu thì phải rất công phu. Ngay cả thân thế của đại danh y chúng tôi cũng tìm hiểu rất kỹ”. 

anh-nha-nghien-cuu-van-hoa-tran-dinh-tuan-1681715285.jpg
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Tuấn

Từ các công cụ tra cứu trên internet, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều tài liệu chứa đựng thông tin về năm sinh của đại danh y Lê Hữu Trác nhưng không có sự đồng nhất. Hiện nay, phần lớn tài liệu đều ghi năm sinh của ông là 1720. Nhưng trong một số Hội thảo mà Bộ Y tế tổ chức, ông Lê Hữu Khánh, là cháu chín đời của Hải Thượng Lãn Ông, đồng thời là nhà nghiên cứu văn hóa Việt cổ lại đưa ra thông tin: “Tôi rất tâm huyết tìm hiểu, đọc về những tài liệu của dòng họ, đặc biệt là những gì liên quan đến Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác). Tôi nghiên cứu rất sâu về đại danh y, đặc biệt là từ năm 2012. Tôi đã sưu tầm và lưu giữ 8 quyển gia phả cùng những tài liệu quý, xác định của Viện Hán Nôm. Tất cả những tài liệu tôi có đều ghi rõ ràng năm sinh, năm mất là 1724 - 1791."

anh-nha-nghien-cuu-van-hoa-le-huu-khanh-1681715285.jpg
Nhà nghiên cứu văn hóa Lê Hữu Khánh

Trong hồ sơ trình UNESCO phải xác định, nhấn mạnh Hải Thượng Lãn Ông là ai? Thân thế, sự nghiệp như thế nào? Những thông tin đó phải kèm theo tài liệu chứng thực rõ ràng. Tài liệu, gia phả của dòng họ Lê Hữu về Hải Thượng Lãn Ông được Nhà nghiên cứu văn hóa Lê Hữu Khánh cất kỹ càng: “Thường gia phả ngày xưa - thời trung đại, các cụ chủ yếu ghi chép về con trai, ít viết về con gái. Trong gia đình, nếu tính riêng con trai thì Hải Thượng Lãn Ông đứng thứ 7. Nhưng gia đình có 12 người con thì đại danh ý lại đứng thứ 11. Một số tư liệu ghi trong các người con thì Hải Thượng Lãn Ông ở thứ 7, năm sinh 1720. Nhưng không phải vậy, đó là người anh của đại danh y. Ngoài ra, Hải Thượng Lãn Ông còn có người anh nữa là Lê Hữu Đề, sinh năm 1722, rồi mới đến Lê Hữu Trác, sinh năm 1724”, ông Lê Hữu Khánh nhấn mạnh. 

Tư liệu về Hải Thượng Lãn Ông rất nhiều nhưng để có những tư liệu gốc như cuốn gia phả của dòng họ Lê Hữu thì rất khó. Ông Lê Hữu Khánh đã phải mày mò ở rất nhiều thư viện và đến nhiều tỉnh/thành, trong đó có Hà Tĩnh - quê mẹ của danh y để tìm kiếm, thu thập thông tin. Những tư liệu này đã góp phần xây dựng hồ sơ để trình UNESCO vinh danh đại danh y Lê Hữu Trác là danh nhân thế giới.  

Truyền thống người Việt vốn "Lấy đạo tích thiện" làm lẽ sống - "Thiện lương là quốc bảo". Sự lương thiện và tấm lòng nhân ái, hết lòng quan tâm, giúp đỡ các bệnh nhân của Hải Thưởng Lãn Ông đã trở thành biểu tượng của nghành y. Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm, ở bất cứ thời điểm, thời đại nào, những người có công với dân, với nước đều được người đời sau lưu danh để lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Đó là lý do ngành y tế, các nhà văn hóa và dòng họ Lê Hữu tâm huyết với hành trình đề nghị UNESCO vinh danh đại danh y Lê Hữu Trác là danh nhân thế giới./. 

Mạnh Sáu