Hà Nội: Hỗ trợ 2.000 đoàn viên, người lao động khó khăn

Huyền Văn
Ngày 31/3, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đối với đoàn viên công đoàn, người lao động, nhân dịp Tháng Công nhân 2023 (tháng 5) và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ 2.000 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Mức hỗ trợ là 1.000.000đ/người từ nguồn tài chính của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội.
nlntv-may-10-1972021-1680307279.jpg
Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Theo đó, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn cơ sở trực thuộc rà soát số lượng đoàn viên, người lao động để hỗ trợ. Đối tượng là đoàn viên Công đoàn, người lao động trực thuộc các cấp, công nhân lao động ở những doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn nhưng đã đóng kinh phí Công đoàn theo quy định.

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn cơ sở trực thuộc căn cứ đặc thù từng địa phương, đơn vị xây dựng tiêu chí để áp dụng thực hiện lựa chọn đoàn viên, người lao động khó khăn nhất đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ (theo số lượng phân bổ). Đoàn viên, người lao động đã được hỗ trợ bằng tiền theo Kế hoạch 60/KH LĐLĐ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và Kế hoạch 71/KH-LĐLĐ dịp kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, tổng kết phong trào thi đua "Giỏi việc nước, Đảm việc nhà" năm 2022 không thuộc đối tượng hỗ trợ từ nguồn Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội.

Cũng trong dịp này, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đề nghị Công đoàn Cấp trên trực tiếp cơ sở căn cứ nguồn lực tài chính hiện có và điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch chăm lo cho đoàn viên, người lao động, đảm bảo thiết thực, phù hợp.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cũng cho biết, để Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với công nhân lao động (dự kiến tổ chức vào tháng 5 tới) đạt kết quả cao, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khẩn trương triển khai, tổng hợp lấy ý kiến, kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động và cán bộ Công đoàn với lãnh đạo thành phố.

Nội dung các ý kiến, kiến nghị tập trung vào những vấn đề như: Những khó khăn, vướng mắc về tình hình đời sống, việc làm, việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với công nhân lao động; việc giải quyết các thủ tục hành chính, quản lý nhà nước có liên quan đến công nhân lao động, doanh nghiệp về lĩnh vực lao động, chế độ bảo hiểm xã hội, giáo dục, đảm bảo an ninh trật tự; cơ chế khuyến khích, động viên, phát huy vai trò đội ngũ công nhân giỏi Thủ đô, công nhân có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và đất nước; các ý kiến, kiến nghị về hạ tầng, nhà ở, nhà trẻ, chăm sóc sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, con công nhân.

Các ý kiến, kiến nghị phải đảm bảo chất lượng, mang tính tổng quát, đại diện, ngắn gọn, thiết thực, trọng tâm và mang tính xây dựng. Mỗi Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành và Công đoàn cấp trên cơ sở tổng hợp ít nhất 5 ý kiến, kiến nghị của công nhân, lao động và cán bộ Công đoàn.