GS.TS Hoàng Chí Bảo: Để phát triển đất nước, cần phải đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao

Huyền Văn
“Cần phải huy động được tất cả các nguồn lực, bao gồm cả về vật chất và tinh thần lẫn những nguồn lực quốc tế để phát triển nhân lực nhân tài Việt Nam trong thời gian tới”. PV Tạp chí điện tử Nhân lực Nhân tài Việt đã có cuộc phỏng vấn với GS.TS Hoàng Chí Bảo về vấn đề này tại Hội thảo khoa học “Nghiên cứu danh nhân - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Danh nhân thuộc Trung ương Hội Khoa học và Phát triển nguồn nhân lực – nhân tài Việt Nam
nlntv-1677736727.jpg
GS.TS Hoàng Chí Bảo phát biểu đề dẫn trong cuộc Hội thảo

Trong hội thảo khoa học “Nghiên cứu danh nhân - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Danh nhân thuộc Trung ương Hội Khoa học và Phát triển nguồn nhân lực – nhân tài Việt Nam, GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã có những chia sẻ sâu sắc về nhân tài đất nước và hướng đi phát triển nguồn nhân lực nhân tài cho Việt Nam trong thời gian tới.

PV: Theo giáo sư, chính sách thu hút và bồi dưỡng nhân tài quốc gia hiện nay có cần phải đổi mới?

GS Hoàng Chí Bảo: Để phát triển đất nước cần phải đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao. Mà muốn đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao thì liên quan mật thiết đến vấn đề chính sách đào tạo nhân tài của Việt Nam. Viện Nghiên cứu danh nhân tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về danh nhân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh thì cũng rất chú trọng đến phương diện đào tạo và bồi dưỡng nhân lực nhân tài Việt Nam. Để làm được điều đó, theo tôi trước hết phải có những chính sách khuyến khích, tạo động lực để cho nhân tài Việt Nam, nhất là với thế hệ trẻ có môi trường phát huy những khả năng sáng tạo để phục vụ cho đất nước. Thứ hai, Phải tạo được môi trường dân chủ, cả về khoa học lẫn đời sống thực tiễn, nhất là về văn hóa lối sống để làm cho nhân tài trẻ có điều kiện tìm được các nguồn kích thích, nguồn cảm hứng để họ tự nuôi dưỡng năng lực sáng tạo của bản thân.

PV: Thưa giáo sư, hiện nay Việt Nam ta vẫn đang phải đối mặt với vấn đề chảy máu chất xám. Ngài có góc nhìn như thế nào về vấn đề này?

GS Hoàng Chí Bảo: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, thực tế là không thể không nảy sinh những cạnh tranh giữa các quốc gia dân tộc và các khu vực trên thế giới, trong đó cạnh tranh về nhân lực nhân tài là một trong những thực trạng khốc liệt nhất và Việt Nam ta là quốc gia đang phải chứng kiến cảnh hàng loạt những nhân tài chọn phát triển ở những “miền đất hứa”. Vì vậy làm thế nào để thu hút những nhân tài trong nước và cả những nhân tài quốc tế tham gia vào sự phát triển của Việt Nam là mối quan tâm hiện nay của chúng ta.

PV: Vậy theo giáo sư, đâu là việc chúng ta có thể làm để giảm thiểu được hiện tượng này?

GS Hoàng Chí Bảo: Để tránh được nạn chảy máu chất xám này, tránh lãng phí nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cần phải có nhiều chính sách khuyến khích, bao gồm những chính sách về môi trường làm việc, chế độ lương bổng, trao tặng những danh hiệu xứng đáng với đóng góp của họ, tức là bằng nhiều cách để thu hút nhân tài và giảm thiểu tối đa việc chúng ta lãng phí chất xám, chảy máu chất xám ra nước ngoài. Bên cạnh đó, phải tập trung vào vấn đề giáo dục và đào tạo. Phải xây dựng được các vụ, viện, tập trung vào các nghiên cứu khoa học, và quan trọng nhất là phải có được những diễn đàn trao đổi để cho những nhân tài trẻ tuổi Việt Nam họ bộc lộ được những khả năng và sáng tạo của mình; phải tạo được dư luận xã hội là quý trọng nhân tài, hiền tài để phục vụ cho sự phát triển đất nước sau này, tránh được sự lãng phí chất xám, chảy máu chất xám ra nước ngoài.

PV: Cuối cùng, theo giáo sư, đâu là nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới?

GS Hoàng Chí Bảo: Về phía Đảng và Nhà nước, cần phải xây dựng được một chiến lược lâu dài và hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực nhân tài Việt Nam, và trong đó, Trung ương Hội Nhân lực Nhân tài Việt Nam chính là nơi tư vấn để tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc hoạch định những chiến lược chính sách này. Bên cạnh đó, cần phải huy động được tất cả các nguồn lực, bao gồm cả về vật chất và tinh thần lẫn những nguồn lực quốc tế để phát triển nhân lực nhân tài Việt Nam trong thời gian tới.

Xin cảm ơn Giáo sư!

PV