Chiến lược nguồn nhân lực

'Gót chân Asin' cản trở tham vọng siêu cường kinh tế của Ấn Độ

Những hạn chế trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực khiên Ấn Độ chưa thể hiện thực hóa được mong muốn trở thành siêu cường kinh tế như Trung Quốc.

Vào tháng 3/1985, truyền thông Mỹ hết lời ca ngợi chính sách cắt giảm thuế của tân Thủ tướng Ấn Độ khi đó là ông Rajiv Gandhi, đồng thời nhấn mạnh những quy định mới của Thủ tướng 40 tuổi này đã tạo ra một cuộc cách mạng mới cho New Delhi.

Ba tháng sau, vào đêm trước chuyến thăm của ông Gandhi tới Mỹ, nhà kinh tế Jagdish Bhagwati của Đại học Columbia thậm chí còn ca tụng rằng “vượt trên cả Trung Quốc ‘phép màu kinh tế Ấn Độ” sắp trở thành sự thật với nhân vật trung tâm là vị Thủ tướng trẻ tuổi với những quyết sách về thuế đầy hiệu quả".

Đầu những năm 1980 đánh dấu thời điểm lịch sử quan trọng khi Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia đông dân nhất thế giới, với thu nhập bình quân đầu người tương đương nhau - bắt đầu tự do hóa và mở cửa nền kinh tế, làm dấy lên những dự đoán về sự phát triển nhảy vọt và “phép màu kinh tế” đối với cả Bắc Kinh và New Delhi.

91715128pmt11-1725637214.jpg
Tuyến đường khu vực dinh Tổng thống ở Thủ đô New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: Getty Images)

Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc có mức tăng trưởng nhanh chóng trên nền tảng vững chắc là phát triển nguồn nhân lực, Ấn Độ lại không đạt được thành công đó. Bắc Kinh hiện đã trở thành siêu cường kinh tế, trong khi những dự đoán về sự "lột xác" của New Delhi vẫn chưa trở thành sự thật.

Nguồn nhân lực, chính là yếu tố khác biệt giữa hai quốc gia, vốn đã được chỉ ra từ lâu. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 1981, tuổi thọ trung bình ở Trung Quốc là 64, trong khi con số này ở Ấn Độ chỉ là 51. Theo WB, ngay từ thời điểm đó Chính quyền Bắc Kinh đã tỏ ra quan tâm hơn tới việc phát triển nguồn nhân lực qua các chính sách về giáo dục, y tế, dinh dưỡng và đặc biệt là bình đẳng giới thiết thực và hiệu quả.

Hai chuyên gia kinh tế Mỹ Nicholas Kristof và Sheryl WuDunn đã nhấn mạnh vào năm 2009 rằng Trung Quốc (đặc biệt là các khu vực thành thị) đã trở thành “một trong những môi trường tốt nhất để phụ nữ phát triển”. Phụ nữ Trung Quốc khi đó đã có học vấn cao hơn và ngày càng tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động.

Nhận thấy sự tiến bộ của Trung Quốc trong việc phát triển nguồn nhân lực và trao quyền cho phụ nữ, WB khi đó đã đưa ra một dự đoán táo bạo: "Trung Quốc sẽ đạt được cải thiện lớn về mức sống trong vòng một thế hệ nữa".

Theo nhà kinh tế Oded Galor của Đại học Brown, tăng trưởng năng suất bền vững- yếu tố quan trọng cốt lõi của mọi trường hợp nhảy vọt về kinh tế - đều gắn liền với việc đầu tư vào nhân lực và khuyến khích phụ nữ tham gia lao động nhiều hơn. Tuy tự do hóa thị trường đã giúp ích rất nhiều cho sự tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng Trung Quốc đã xây dựng thành công chiến lược phát triển của mình dựa trên hai trụ cột là nguồn nhân lực và bình đẳng giới, những lĩnh vực mà Ấn Độ đã bị tụt hậu rất xa.

Ngay cả sau khi nền kinh tế có tính chất thị trường hơn, Trung Quốc vẫn tập trung đầu tư vào nguồn nhân lực hơn Ấn Độ. Điều này khiến lực lượng lao động của Bắc Kinh được cải thiện và có khả năng cạnh tranh tầm quốc tế.

Chỉ số Vốn con người năm 2020 của WB - đo lường kết quả giáo dục và y tế của các quốc gia trên thang điểm từ 0 đến 1 - cho Ấn Độ điểm 0,49, thấp hơn cả Nepal và Kenya - vốn đều là những quốc gia nghèo hơn New Delhi. Trung Quốc được 0,65 điểm, bằng Chile và Slovakia - hai nước giàu hơn Bắc Kinh (tính theo thu nhập đầu người). Trong khi đó, tỉ lệ phụ nữ tham gia lao động của Trung Quốc cũng vượt trội Ấn Độ.

an-do-kinh-te-1725637575.jpg
Các công nhân làm việc tại một xưởng may mặc tại Andhra Pradesh, Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)

Có xuất phát điểm giống nhau, nhưng nguồn nhân lực vượt trội và bình đẳng giới tốt hơn đã giúp Trung Quốc tăng trưởng năng suất cao hơn nhiều - đây là thước đo toàn diện nhất về hiệu quả sử dụng nguồn lực. Hai nền kinh tế có năng suất như nhau vào năm 1953, thời điểm bắt đầu hiện đại hóa, Trung Quốc đã đạt mức tăng năng suất hơn 50% vào cuối những năm 1980. Ngày nay, năng suất của Trung Quốc gần gấp đôi của Ấn Độ. Trong khi 45% lao động Ấn Độ vẫn đang làm việc trong ngành nông nghiệp năng suất thấp, Trung Quốc thậm chí đã "qua thời" sản xuất giản đơn, sử dụng nhiều lao động và dần trở thành một lực lượng thống trị thị trường oto toàn cầu, đặc biệt là xe điện.

Trung Quốc cũng đầu tư tốt hơn cho các thế hệ tương lai. Bảy trường đại học của Trung Quốc nằm trong danh sách 100 trường hàng đầu thế giới, trong đó Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh nằm trong top 20. Đại học Thanh Hoa được xếp loại hàng đầu thế giới về khoa học máy tính, trong khi Đại học Bắc Kinh đứng thứ chín. Tương tự, 9 trường đại học Trung Quốc nằm trong top 50 thế giới về toán học. Ngược lại, không có trường đại học nào của Ấn Độ, kể cả Viện Công nghệ Ấn Độ nổi tiếng, được xếp vào danh sách 100 trường hàng đầu thế giới.

Các nhà khoa học Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong việc nâng cao số lượng và chất lượng nghiên cứu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như hóa học, kỹ thuật và khoa học vật liệu và nhiều khả năng sẽ sớm dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. 

Kể từ giữa những năm 1980, các nhà quan sát Ấn Độ và quốc tế đã dự đoán rằng Trung Quốc sẽ sớm cài số lùi và Ấn Độ sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua. Tuy nhiên, thực tế chứng minh điều ngược lại. Trong khi Trung Quốc - với nguồn nhân lực dồi dào và bình đẳng giới tốt hơn - hiện đứng ở vị trí số 2 thế giới thì Ấn Độ chỉ đứng vị trí thứ 5 và vẫn chưa tìm ra được con đường hiện thực hóa tham vọng.
 

Nguyễn Hoàng (Theo Taipei Times)