Sáng nay (28/11), Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024 tại Hà Nội. Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý được đệ trình ĐHĐCĐ xem xét thông qua miễn nhiệm hai thành viên HĐQT là ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lương Thị Cẩm Tú và chức danh thành viên Ban kiểm soát Eximbank đối với ông Ngo Tony.
Theo kết quả được công bố, với tỷ lệ đồng ý chỉ nhỉnh hơn 50% chút đỉnh, việc miễn nhiệm cả 03 lãnh đạo cấp cao trên đã được thông qua chóng vánh.
Đến phần thảo luận, đại diện cho hơn 10% cổ phần Eximbank, ông Nam cho biết cảm thấy bất ngờ khi có nhóm cổ đông trên 5% đòi miễn nhiệm vì ông tham gia thiếu cuộc họp HĐQT. Nhà sáng lập Bamboo Capital khẳng định khi tham gia HĐQT Eximbank, ông luôn hợp tác, xây dựng ngân hàng trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
"Ngân hàng không chỉ phục vụ cho cổ đông, mà còn cho nền an ninh, minh bạch của quốc gia. Do đó sử dụng diễn giải không tuân thủ pháp luật, mang ý trù dập, loại bỏ người dám nói chính kiến ra khỏi HĐQT là tiền lệ nguy hiểm", ông Nam nhấn mạnh.
Phát biểu sau ông Nam, ông Ngo Tony cho biết bản thân đã cùng các thành viên trong Ban Kiểm soát phát hiện hơn 2.200 rủi ro của nhà băng, trong đó có hai phần ba là rủi ro cao và rất cao. Ông cũng khẳng định đưa ra 8.240 lần kiến nghị giúp bảo vệ hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo ông, Eximbank đối mặt 3 vấn đề lớn. Một là chất lượng tài sản giảm sút, thể hiện qua nợ xấu, nợ quá hạn và nợ có khả năng mất vốn. Thứ hai là cấp tín dụng mới "có một số việc cần phải bàn". Cuối cùng là gia tăng một số hoạt động có rủi ro cao. Ông khẳng định đã nhiều lần đề cập với Ban điều hành, HĐQT nhưng chưa thấy "có hành động nghiêm túc khắc phục".
Bà Lương Thị Cẩm Tú cũng cho biết bản thân không thuộc diện bị xem xét miễn nhiệm vì đã tham dự đầy đủ cuộc họp và không vắng mặt liên tục 6 tháng theo quy định. Khi nghỉ (4 cuộc họp vắng mặt) do đi công tác nước ngoài, bà đã báo cáo HĐQT và ủy quyền cho người khác tham gia.
Bà cũng nói việc một số thành viên HĐQT trì hoãn ra quyết định trong vấn đề kiểm soát rủi ro, có thể ảnh hưởng đến tính minh bạch và hoạt động của ngân hàng.
Cơ sở pháp lý nào cho việc miễn nhiệm?
Theo Điều 46 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 việc miễn nhiệm tư cách thành viên hội đồng quản trị của một tổ chức tín dụng chỉ trong trường hợp có đơn xin từ chức gửi Hội đồng quản trị hoặc các trường hợp miễn nhiệm khác theo Điều lệ của các tổ chức tín dụng. Điều 160 Luật Doanh nghiệp 2024 cũng quy định Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp có đơn từ chức và được chấp thuận hoặc các trường hợp khác quy định tại Điều lệ.
Như vậy, "việc không tham dự đầy đủ các cuộc họp hội đồng quản trị và các lần lấy ý kiến văn bản” không thuộc bất cứ trường hợp cụ thể và trực tiếp nào dẫn đến việc phải miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị được quy định tại Điều 46 Luật các tổ chức tín dụng 2024 và Điều 47 Điều lệ của Eximbank.
Điểm e khoản 4 Điều 47 Điều lệ Eximbank nêu một trường hợp làm căn cứ miễn nhiệm như sau: "Khi cơ quan có thẩm quyền bầu, bổ nhiệm xét thấy cần thiết".
Để áp dụng điểm này thì cơ quan có thẩm quyền ở đây là ĐHĐCĐ cần chứng minh được yếu tố "xét thấy cần thiết". Dựa trên tư duy pháp lý mang tính phổ quát thì "xét thấy cần thiết" được hiểu là việc miễn nhiệm đó phải có lợi cho lợi ích chung của ngân hàng hoặc ông Nam và bà Tú phải có các vi phạm nghiêm trọng đến mức mà nếu tiếp tục là thành viên HĐQT thì gây các thiệt hại, bất lợi cho lợi ích chung của ngân hàng. Và tất nhiên, động cơ của việc miễn nhiệm này phải khách quan, là ý chí chung của phần lớn cổ đông, xuất phát từ lợi ích chính đáng của ngân hàng thì mới đủ sức thuyết phục.
Tuy nhiên, ĐHĐCĐ lần này đã không trình bày cụ thể và nêu bật được yếu tố "xét thấy cần thiết" nhằm giải thích cho cổ đông về việc miễn nhiệm ông Nam và bà Tú; cũng như không có bất cứ luận giải chi tiết nào về lý do "lạm dụng chức quyền, vi phạm nghiêm trọng các quy định nội bộ" mà một nhóm cổ đông viện dẫn để đề xuất miễn nhiệm Ngo Tony.
Do đó, liệu các nội dung miễn nhiệm trong Nghị quyết ĐHĐCĐ Eximbank sắp được ban hành có đúng luật? Đây là vấn đề cần được các cơ quan chức năng vào cuộc xem xét bởi ngân hàng là một ngành đặc thù, có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội và các doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân trong lĩnh vực này luôn đặt dưới sự giám sát chặt chẽ, sát sao của cơ quan chức năng.
Một Đại hội đồng cổ đông kỳ lạ, thể hiện sự lo sợ?
Sau Đại hội, một cổ đông cho biết đây là lần đầu tiên chứng kiến ĐHĐCĐ của một công ty đại chúng áp dụng các biện pháp an ninh nghiêm ngặt như: sử dụng máy dò kim loại; cấm quay phim, ghi hình; huy động lực lượng security dày đặc..
"Có cảm tưởng đây là hội nghị dành cho giới lãnh đạo quân sự hay an ninh cấp cao chứ không phải là ĐHĐCĐ của ngân hàng đại chúng", cổ đông này nhấn mạnh.
Ngoài ra, ĐHCĐ của Eximbank lần này cũng ghi nhận một biện pháp chất vấn "kỳ lạ" đó là các cổ đông phải ghi câu hỏi ra giấy và Chủ tọa đoàn sẽ có quyền lựa chọn câu hỏi để trả lời chứ không như các công ty khác trả lời tất cả câu hỏi của cổ đông tại Đại hội.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng nhận định rằng minh bạch, công khai là đặc điểm và yêu cầu quan trọng đầu tiên của công ty đại chúng, vậy ban lãnh đạo Eximbank đang lo sợ điều gì khi áp dụng các biện pháp an ninh, kiểm soát hà khắc đến vậy tại một đại hội chỉ nhằm bàn bạc về chuyển trụ sở và miễn nhiệm nhân sự?