Căn cứ pháp lý nào cho đề xuất miễn nhiệm hai thành viên HĐQT Eximbank?

Dư luận đang đặt vấn đề liên quan đến tính pháp lý của việc đề xuất miễn nhiệm các chức danh quan trọng cuả Eximbank (EIB) như thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban Kiểm soát

Ngân hàng Eximbank mới đây công bố nghị quyết HĐQT, chấp thuận đưa kiến nghị ngày 19/11/2024 của nhóm cổ đông sở hữu trên 5% cổ phần vào chương trình ĐHĐCĐ bất thường ngày 28/11.

Theo đó, nhóm cổ đông này muốn miễn nhiệm hai trên 7 thành viên hội đồng quản trị hiện tại là bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Nguyễn Hồ Nam. Lý do được đưa ra là ông Nam, bà Tú không tham dự đầy đủ các cuộc họp hội đồng quản trị và các lần lấy ý kiến văn bản.

Cụ thể, bà Cẩm Tú vắng mặt 4 trên tổng cộng 21 cuộc họp hội đồng quản trị và không uỷ quyền cho thành viên khác. Bà cũng không tham gia lấy ý kiến Hội đồng quản trị bằng văn bản 23 lần trên tổng cộng 243 lần lấy ý kiến.
Còn với ông Hồ Nam, trong 2 tháng tham gia Hội đồng quản trị từ cuối tháng 4/2024, ông không tham gia lấy ý kiến của Hội đồng quản trị bằng văn bản 2 trên tổng 38 lần, nhóm cổ đông cho biết.

Căn cứ pháp lý nào?

Theo Điều 46 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 việc miễn nhiệm tư cách thành viên hội đồng quản trị của một tổ chức tín dụng chỉ trong trường hợp có đơn xin từ chức gửi Hội đồng quản trị hoặc các trường hợp miễn nhiệm khác theo Điều lệ của các tổ chức tín dụng. Điều 160 Luật Doanh nghiệp 2024 cũng quy định Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp có đơn tư chức và được chấp thuận hoặc các trường hợp khác quy định tại Điều lệ.

Bên cạnh đó, Khoản 4 Điều 47 Điều lệ của Eximbank cũng có quy định các trường hợp thành viên Hội đồng quản trị chỉ bao gồm các trường hợp quy định tại Điều lệ này và các quy định của pháp luật. Do đó, việc nhóm cổ đông nói trên viện dẫn các căn cứ như: Điểm e Khoản 1 Điều 31 Quy chế quản trị; Điểm e khoản 1 Điều 9 Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT là không phù hợp. Sự thiếu hiểu biết pháp luật của nhóm cổ đông và Hội đồng quản trị Eximbank còn được thể hiện qua cách viết hoa tùy tiện khi dẫn chiếu các quy định luật trong các tài liệu quan trọng như Văn bản kiến nghị ngày 19/11/2024 và Tờ trình ngày 21/11/2024.

co-dong-exim-2023-17320939114381785904155-2-1732674554.webp
Các cổ đông tham dự Đại hội cổ đông Eximbank năm 2023

Đặc biệt, “việc không tham dự đầy đủ các cuộc họp hội đồng quản trị và các lần lấy ý kiến văn bản” không thuộc bất cứ trường hợp cụ thể và trực tiếp nào dẫn đến việc phải miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị được quy định tại Điều 46 Luật các tổ chức tín dụng 2024 và Điều 47.4 Điều lệ của Eximbank.

Điểm e khoản 4 Điều 47 Điều lệ Eximbank nêu một trường hợp làm căn cứ miễn nhiệm như sau: "Khi cơ quan có thẩm quyền bầu, bổ nhiệm xét thấy cần thiết". Trước tiên cần phải nhấn mạnh chủ thể của hành động'‘xét thấy cần thiết” ở đây là Cơ quan có thẩm quyền bầu và bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị tức Đại hội đồng cổ đông -  cơ quan lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng chứ không phải một nhóm cổ đông sở hữu chưa đầy 6% vốn cổ phần. Việc nhóm cổ đông viện dẫn trường hợp này liệu có đúng luật?

Ngoài ra, đây là quy định có tính chất chung chung hay nói cách khác là quy định “quét”, được các thế hệ cổ đông và lãnh đạo Ngân hàng trước đó đưa ra nhằm trao quyền cho Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm, bãi nhiệm những thành viên hội đồng quản trị có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, hoặc có những quyết định đi trái lợi ích ngân hàng, gây tổn lớn đến ngân hàng và cổ đông.

Tuy nhiên khi sử dụng trường hợp này làm căn cứ, Đại hội đồng cổ đông cũng cần phải trình bày và nêu được cụ thể sự cần thiết của việc miễn nhiệm. Ví dụ; những sai phạm của người bị miễn nhiệm nghiêm trọng đến mức nào, có bị cơ quan chức năng xử lý hay không và ảnh hưởng gì đến lợi ích Ngân hàng; việc miễn nhiệm họ sẽ đem lại lợi ích gì cho Ngân hàng….

Vì lợi ích hay cố tình tìm cách loại bỏ nhân sự ?

Tại Đại hội cổ đông bất thường vào 28/11/2024 tới đây, liệu Nhóm cổ đông đề xuất trên cũng như Hội đồng quản trị Eximbank có nêu được sự “cần thiết” về việc miễn nhiệm ông Nam và bà Tú. Nếu lý do “không tham dự đầy đủ các cuộc họp hội đồng quản trị và các lần lấy ý kiến văn bản” tiếp tục được lấy làm căn cứ, có thể khẳng định ban lãnh đạo Eximbank đang cố tình tìm cách “loại bỏ” hai thành viên quản trị rất am hiều, dày dạn kinh nghiệm và luôn hết mình vì lợi ích chung của tổ chức.

Phải kể thêm rằng trong hai lần không tham gia lấy ý kiến, ông Nam đều có lý do chính đáng khi đang đi công tác xa không về kịp do thời gian triệu tập ngắn hơn 5 ngày làm việc trước ngày họp theo như quy định tại Điều lệ Eximbank. Ông Nam cũng đã ủy quyền cho bà Tú tham gia cuộc họp và lấy ý kiến.

Liệu Bộ giáo dục và Đào tạo, dư luận xã hội có chấp chận việc một hiệu trưởng ra quyết định sa thải một thầy giáo giỏi và nhiều kinh nghiệm chỉ vì lý do không tham gia và phát biểu ý kiến tại 2/38 cuộc họp trong vòng hai tháng vì lý do bất khả kháng, trong khi thày giáo này vẫn đảm bảo mọi tiêu chuẩn khác. Chắc chắn là không! Thậm chí ban giám hiệu đó có thể bị dư luận lên án, khinh bỉ và bị cơ quan chức năng xử lý.

81-1721897272-biet-gi-ve-nhom-co-dong-moi-xuat-hien-tai-eximbank20241011091559-1732674765.jpg
Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 15/11, nhóm cổ đông sở hữu 5,66% tổng số cổ phần phổ thông của Eximbank đã có văn bản kiến nghị HĐQT ngân hàng hủy Nghị quyết số 366/2024/EIB ngày 06/11/2024 đồng thời loại bỏ nội dung miễn nhiệm chức danh Thành viên Ban Kiểm soát đối với ông Ngo Tony và các tài liệu liên quan khỏi chương trình đại hội  và nội dung cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường với lý do vi phạm nghiêm trọng điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của ban Kiểm soát, Luật các tổ chức tín dụng và quy định của pháp luật hiện hành.

Vẫn biết Eximbank là doanh nghiệp tư nhân không nằm trong hệ thống nhà nước. Nhưng cũng như giáo dục, ngân hàng là một ngành đặc thù, có ảnh hường lớn đến đời sống kinh tế- xã hội và các doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân trong lĩnh vực này luôn đặt dưới sự giám sát chặt chẽ, sít sao của cơ quan chức năng. Do đó, để làm sáng tỏ mọi vấn đề thì các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc xác minh, điều tra, làm rõ đúng - sai của các cá nhân có trách nhiệm tại đây, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống Eximbank, bảo vệ lợi ích chính đáng của tất cả các nhà đầu tư, cổ đông, củng cố niềm tin của nhân dân về tinh thần thượng tôn pháp luật.

Cũng cần lắm tiếng nói của các cổ đông chân chính tại Đại hội cổ đông bất thường lần này, vì lợi ích của  Ngân hàng hãy đứng ra lên tiếng yêu cầu HĐQT và chủ tọa đoàn trình bày và nêu rõ được sự cần thiết của các đề xuất miễn nhiệm đối với ông Nam, bà Tú và ông Ngo Tony.

Quản trị nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân sự cấp cao trong hoạt động ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của các ngân hàng. Hiện nay, vấn đề quản trị nguồn nhân lực trong hoạt động ngân hàng vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn nhất định, điều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của các ngân hàng.

Gia Anh