Thị xã Hoàng Mai cùng huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch (DL), cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh, vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ. Nơi đây có bãi biển đẹp, kéo dài từ xã Quỳnh Lập (Hoàng Mai) đến xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu); sông, núi hữu tình, cùng nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia, như: Hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang Liệt sĩ Đường Sắt, Đền Cờn, Đền Xuân úc (Hoàng mai); Nhà thờ, khu lăng mộ Hồ Tùng Mậu, Mộ và đền thờ Hồ Sỹ Dương, Nhà thờ họ Hồ, Đền thờ Hồ Hưng Dật, Đình Làng Quỳnh Đôi, Đền Thượng (Quỳnh Lưu)….Trong đó Đền Cờn ( Hoàng Mai) là một điểm nhất về du lịch văn hóa tâm linh; tại Lễ hội Đền Cờn năm 2019, Đền Cờn được công nhận là điểm du lịch của tỉnh Nghệ An. Ở Xứ Nghệ, Đền Cờn từ lâu đã được dân gian xếp đứng đầu “Tứ linh” : “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Đền Cờn bao gồm Đền Cờn trong và Đền Cờn ngoài.
Theo phả hệ Đền Cờn và truyền miệng trong dân gian, Đền Cờn trong dựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra sông Mai Giang tấp nập trên bến dưới thuyền, thờ Tứ Vị Thánh Nương nhà Nam Tống, bao gồm thái hậu Dương Nguyệt Quả; hoàng hậu Quách Thị và hai công chúa Triệu Nguyệt Khiêu, Triệu Nguyệt Hương. Đền Cờn ngoài tựa lưng vào núi Hùng Vương, ngoảnh mặt ra biển Đông, thờ vua Tống Đế Bính và 3 vị quan đại thần nhà Nam Tống là Lục Tú Phu, Trương Thế Kiệt và Văn Thiên Tường.
Với tiềm năng sẵn có, mỗi năm, Hoàng Mai & Quỳnh Lưu đón hàng chục ngàn lượt du khách đến tham quan DL, hành hương, chiêm bái, lưu trú vui chơi nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay vẫn là đường giao thông. Từ Quốc lộ 1A xuống biển Hoàng Mai & Quỳnh Lưu ( gọi chung là biển Quỳnh) tuy đã có nhiều tuyến đường song vẩn còn nhỏ, đặc biệt tuyến đường đê ven biển từ Hoàng Mai vào đến biển Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) chưa thông. Các cơ sở hạ tầng lưu trú đạt tiêu chuẩn chưa cao. Bên cạnh đó, tuy đã có quy hoạch cụ thể cho từng khu vực song vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát. Bên cạnh đó là những ấn tượng không tốt của khách khi đến du lịch. Đứng đầu là mức độ an toàn khi tham gia giao. Tiếp đó là các yếu tố như bị gian lận khi mua hàng hóa – dịch vụ, bị hàng rong chèo kéo mua hàng, thói quen xả rác bừa bãi của người dân và sản phẩm dịch vụ du lịch còn nghèo nàn. Cách làm du lịch chưa mang tính khoa học, chuyên nghiệp; chưa có các tua du lịch kết hợp khám phá nghỉ dưỡng dài ngày, chưa có các nhà đầu tư lớn trong nước và Quốc tế đầu tư vào khu vực này...
Để phát huy tiềm năng sẵn có, Thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu cần tiếp tục quán triệt thực hiện triệt để Quyết định Số 69/QĐ Ngày 13/1/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về Ban hành kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; trong đó chú trọng thực hiện Đề án phát triển vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu thành cực tăng trưởng ở phía Bắc của tỉnh và Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035: “Xây dựng quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề xuất và lựa chọn phương án phát triển du lịch, phương án phân vùng phát triển du lịch. Xây dựng các định hướng phát triển chủ yếu về thị trường, sản phẩm, nhân lực, hoạt động du lịch”.
Trong đó cần tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp, các khâu đột phá thực hiện. Trên cơ sở đánh giá về tiềm năng du lịch và thực trạng khai thác du lịch văn hóa gắn với du lịch biển, tác giả đề xuất một số giải pháp căn cơ nhằm phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch biển khu vực Hoàng Mai – Quỳnh Lưu như sau:
Thứ nhất, Giải pháp về đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch
Để phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch biển, một trong những yếu tố đóng vai trò vô cùng quan trọng đó là cộng đồng địa phương. Đây là yếu tố quyết định sự hình thành và thành công của loại du lịch này. Do vậy, cần phải huy động cộng đồng địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương. Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của địa phương, Ban quản lý du lịch văn hóa của các khu vực cần thường xuyên tổ chức các lớp học nâng cao trình độ tay nghề, các chuyến tham quan học tập, giao lưu cho các cá nhân, tập thể làm du lịch; Hướng dẫn cung cấp kiến thức về du lịch và du lịch cộng đồng cho người dân địa phương; Đào tạo kỹ năng tiếp đón và phục vụ khách du lịch như cách giao tiếp, thái độ và hành động đón tiếp; Đào tạo người dân nơi đây tìm hiểu thị hiếu của khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài; Đào tạo về cách nắm bắt thị trường, phân tích thị trường, xây dựng hoàn thiện sản phẩm đáp ứng khách du lịch; Đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người dân địa phương nhằm tạo điều kiện để họ có thể giao tiếp với khách nước ngoài; Đào tạo công tác xúc tiến, quảng bá du lịch văn hóa, sinh thái biển kết hợp du lịch cộng đồng.
Cần liên kết với các Trung tâm, Trường dạy nghề phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân ... các xã, phường trên địa bàn thường xuyên mở các lớp đào tạo kỹ năng nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Hai là, Giải pháp về đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịc\h
Khu vực Hoàng Mai – Quỳnh lưu cần phát triển các dịch vụ mới cho khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú chất lượng cao, nhằm tạo sức hấp dẫn cho khách du lịch:
Trước hết phải tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về DL của vùng, phát triển DL có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính bền vững và phù hợp với các quy hoạch của tỉnh, nhất là phát triển DL văn hóa gắn với DL sinh thái biển. Xây dựng sản phẩm DL đa dạng, cạnh tranh trên cơ sở phát huy tài nguyên DL độc đáo, mang bản sắc riêng có của vùng Hoàng Mai – Quỳnh Lưu, với thế mạnh nổi trội về văn hóa tín ngưỡng, cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia, mô hình vườn sinh thái, làng nghề… đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế.
Hình thành các dịch vụ tham quan các di tích lịch sử – văn hóa, tham gia các lễ hội truyền thống tiêu biểu tại địa phương. Phát triển sản phẩm DL, như: xây dựng gian hàng mẫu về quà lưu niệm, vật phẩm cúng bái; hình thành các khu chợ đêm phục vụ mua sắm, thưởng thức đặc sản… phục vụ du khách và người dân.
Sản phẩm quà lưu niệm tại điểm du lịch: cần có quy hoạch và khai thác cụ thể các làng nghề. Chẳng hạn, nghề muối nước mắm, chế biến hải sản, rau sạch, nuôi hươu nai, tảo xoán, rong biển... cần phát triển thành sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng du lịch Lưu - Mai; các sản phẩm nên chế biến tinh gọn, ăn nhanh hoặc để được dài ngày và kiểu mẫu nên hiện thực hóa bằng những hình ảnh “danh thắng” đặc trưng của vùng Hoàng Mai – Quỳnh Lưu.
Cần có logo và slogan chính thức, trên sản phẩm của các làng nghề; đồng thời cần thể hiện thương hiệu du lịch Hoàng Mai – Quỳnh Lưu và tại các làng nghề, xưởng mộc có thể sản xuất quà lưu niệm như thuyền du lịch, thuyền rồng (lễ hội đua thuyền Đền Cờn).
Thiết kế thêm chương trình “một ngày làm ngư dân, diêm dân” qua các hoạt động như: đánh bắt hải sản, chế biến nước mắm, chế biến hải sản, tham gia sản xuất muối... tổ chức thi nấu ăn nhằm nâng việc giao lưu văn hóa giữa người dân bản địa và khách du lịch.
Bên cạnh đó phải phát triển các sản phẩm DL khám phá như: thiết kế các tuyến DL khám phá hang động Núi Rồng (Quỳnh Nghĩa). Phát triển thêm các loại hình du lịch: du lịch nông thôn; du lịch tham quan; du lịch khám phá lồng ghép lịch sử, văn hóa, khảo cổ để tăng sự hấp dẫn đối với du khách. Chương trình kết nối hợp tác du lịch với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và thị xã Nghi Sơn, Sâm Sơn tỉnh Thanh Hóa... để đa dạng hóa và phát triển thị trường nguồn khách, cũng như thu hút đầu tư vào du lịch.
Ba là, Giải pháp về công tác quảng bá xúc tiến du lịch
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá tiềm năng, sản phẩm, tài nguyên du lịch nhằm thu hút lượng khách ngày càng đông góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hình ảnh du lịch Biển Quỳnh trong và ngoài nước; phối hợp với các doanh nghiệp, công ty lữ hành lớn trong nước và quốc tế khảo sát thực tế tại địa phương (Famtrip thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo, diễn đàn (Roadshow); tranh thủ mời gọi đầu tư và các chính sách về ưu đãi đầu tư để phát triển du lịch của huyện Quỳnh Lưu và Thị xã Hoàng Mai.
Nâng cấp các trang web du lịch Quỳnh Lưu và Thị xã Hoàng Mai, tổ chức các cuộc thi ảnh, thi sáng tác các tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học nghệ thuật, bản đồ, tập gấp, ảnh, sách hướng dẫn, phim tài liệu, phim truyện giới thiệu các điểm đến du lịch của vùng, đặc biệt là thí điểm loại hình du lịch homestay nhằm thu hút du khách nội địa và quốc tế.
Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý DL. Triển khai thực hiện mô hình DL thực tế ảo, bản đồ số, 3D tại khu, điểm tham quan DL.
Bốn là, Nhóm giải pháp bảo vệ môi trường, tôn tạo tài nguyên du lịch, công tác quy hoạch và đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch.
Cần lồng ghép với công tác bảo vệ môi trường, kích thích sự bảo vệ cảnh quan thiên nhiên với bảo vệ môi trường tự nhiên. Các cơ sở lưu trú cần xây dựng các chương trình cho khách du lịch vừa tham quan, vừa thực hiện bảo vệ môi trường: thu gom rác thải đúng nơi quy định, tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, sử dụng nước sinh hoạt hợp lý.
Đồng thời từng bước xây dựng hạ tầng phục vụ DL, phát triển DL văn hóa, DL sinh thái biển có sự tham gia của cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Xây dựng các công trình phục vụ hoạt động khám phá của du khách (thông tin DL, hệ thống đường mòn, chòi vọng cảnh, điểm dừng chân, lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn…). Xây dựng các công trình phục vụ các hoạt động thể thao (đua xe, leo núi…).
Kết hợp chặt chẽ việc khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên DL, giữ gìn an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Quảng bá, mời gọi, thu hút đầu tư phát triển DL đối với các thành phần kinh tế và các nhà đầu tư; phát huy vai trò cộng đồng trong phát triển DL bền vững.
Năm là, Chính sách phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát triển bền vững
Cần kết hợp cho khách tham quan các di tích lịch sử, làng nghề trước khi lưu trú tại các cơ sở nghĩ dưỡng, thí điềm loại hình du lịch homestay sẽ góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, trùng tu các di tích lịch sử, các cơ sở làng nghề có nguồn kinh phí duy trì hoạt động và phát triển.
Hỗ trợ, liên kết các hộ, doanh nghiệp kinh doanh mô hình DL sinh thái và triển khai các mô hình DL tham quan làng bè, DL sinh thái, vườn để phục vụ nhu cầu tham quan thưởng thức ẩm thực của du khách, đảm bảo tính đặc trưng riêng biệt, không trùng lắp nhằm tránh sự nhàm chán.
Thưởng thức nghệ thuật hát dân ca Nghệ An: Hện nay, dịch vụ dân ca, chưa phát triển. Vì vậy cần quảng bá, đầu tư các thuyền du lịch trên sông Mai Giang và sông Hoàng Mai, để cho du khách thưởng lãm theo nhu cầu cần trải nghiệm, kết hợp phục vụ du khách ăn uống, ngắm cảnh hai bên bờ sông, rừng ngập mặn.
Gắn kết với các phong tục tập quán, lễ hội của người dân địa phương, như: Lễ hội đền Cờn, Lễ Cầu ngư... giúp du khách trải nghiệm như là một thành viên của cộng đồng địa phương.
Du lịch văn hóa lịch sử đang trở thành xu hướng phổ biến, gắn kết các nền văn hóa trong thế giới tinh thần. Nghệ An nói chung và vùng Hoàng Mai – Quỳnh Lưu nói riêng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hóa bởi nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với nhu cầu hướng tới những giá trị tinh thần cao cả, đức tin, tín ngưỡng, cầu mong cuộc sống an yên.
Những giá trị văn hóa tín ngưỡng trên khắp xứ Nghệ có sức hấp dẫn du lịch mạnh mẽ. Thời gian qua, số lượng lớn khách du lịch tới điểm lịch sử văn hóa hàng năm và xu hướng ngày càng đông đảo du khách có nhu cầu du lịch văn hóa – lịch sử; hoạt động du lịch văn hóa không chỉ gắn với tín ngưỡng mà biết kết hợp phát huy triết học phương đông, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, anh hùng dân tộc, các vị tiền bối có công với nước.
Du lịch văn hóa kết hợp du lịch sinh thái biển đã trở thành nhu cầu không thể thiếu, ngày càng sôi động, mang lại hiệu quả thiết thực cho kinh tế địa phương, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và đóng góp tích cực vào phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước không ngừng quan tâm chăm lo tới đời sống tinh thần cho nhân dân thông qua các chính sách tạo điều kiện cho du lịch văn hóa phát triển theo đúng hướng mang lại những giá trị tinh thần thiết thực, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội và phát triển kinh tế du lịch nói riêng.
Trong thời gian tới, theo quan điểm chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, khu vực Hoàng Mai - Quỳnh Lưu cần triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa kết hợp với du lịch sinh thái biển phù hợp với xu hướng chung và vì sự phát triển bền vững. Vì vậy, cần chú trọng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch; quan tâm bảo vệ môi trường và tôn tạo tài nguyên du lịch; bảo tồn hệ thống di tích lịch sử, phát triển văn hóa truyền thống kết hợp với việc khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống, góp phần làm phong phú thêm nguồn tài nguyên du lịch nhân văn của khu vực. Đồng thời, tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, tuyên truyền quảng bá tiềm năng, sản phẩm, tài nguyên du lịch để thu hút du khách đến với khu vực Hoàng Mai – Quỳnh Lưu ngày càng tăng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội./.