Các thành viên như anh Lê Huy Thanh (Trạm trưởng Trạm y tế xã Đăk Man) là Đội phó Đội cứu nạn, Đội phó Ngô Quang Quyết, anh Trương Thừa Kiếm, anh Đinh Văn Hoàng… cùng rất nhiều thành viên khác. Tháng 11/2017, Đội SOS Đèo Lò Xo được thành lập với 9 thành viên từ 26 đến 34 tuổi, cùng sinh sống tại H.Đăk Glei, Kon Tum. Hằng ngày, họ làm nghề lái xe hay sửa xe, buôn bán nhỏ trên đỉnh đèo hay giữa lưng chừng đèo. Nhưng mỗi khi có TNGT, họ lập tức lên đường đến hiện trường cứu hộ tai nạn, bảo vệ và giải phóng hàng hóa qua phương tiện khác. Gần 4 năm qua, khi nhắc đến Đội SOS đèo Lò Xo (Kon Tum), cánh lái xe khi đi qua cung đường này đều biết đến họ. Những vụ tai nạn trên đèo này thường xuyên xảy ra, và gần như những thành viên trong đội là người tiếp cận đầu tiên để giúp đỡ các tài xế hay nạn nhân, bảo đảm hiện trường để lực lượng chức năng có mặt xử lý các vấn đề tiếp theo.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Vỹ Ly (32 tuổi), Đội trưởng Đội SOS đèo Lò Xo cho biết, Đội SOS Đèo Lò Xo được thành lập với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ lái xe, chủ xe và phối hợp các cơ quan chức năng trong hoạt động cứu hộ xe gặp tai nạn hoặc sự cố không mong muốn tại khu vực đèo Lò Xo. Đội SOS Đèo Lò Xo phát triển trên tinh thần tự nguyện, hoạt động phi lợi nhuận. Việc cứu hộ là hoàn toàn miễn phí. Anh Nguyễn Vỹ Ly cho biết: “Đèo Lò Xo (nằm ở địa phận tỉnh Kon Tum và Quảng Nam) được đánh giá hiểm trở bậc nhất Việt Nam. Đường đèo này không có nhiều khúc cua tay áo như các cung đèo phía Bắc, nhưng độ dốc lớn và xuống dốc liên tục, thêm vào đó hiện tại đường đèo này có nhiều vị trí xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn rủi ro tai nạn giao thông. Các thành viên trong đội SOS Đèo Lò Xo đều chứng kiến không ít những vụ tai nạn thương tâm, và mọi người đều mong những chuyến đi bình an cho tất cả mọi người qua cung đường hiểm trở này”.
Đèo Lò Xo có chiều dài 37km (trong đó tại tỉnh kon Tum dài khoảng 17km, còn lại của tỉnh Quảng Nam), nằm trên QL14 (hay còn gọi đường mòn Hồ Chí Minh). Toàn bộ lộ trình đèo này uốn lượn, quanh co giữa núi cao, vực thẳm, từng xảy ra rất nhiều vụ tai nạn thương tâm. Mỗi lần di chuyển qua đèo này là nỗi ám ảnh đối với cánh tài xế. Trong những năm gần đây, đèo này được chính quyền mở rộng, xóa nhiều điểm đen tai nạn, thiết kế hộ lan mềm bằng lốp xe ô tô, và làm nhiều đường lánh nạn. Những sự cải thiện ấy phần nào đã giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, tuy nhiên con số thống kê về những vụ tai nạn vẫn khá lớn. Đội cứu nạn trên đèo Lò Xo đã cứu hàng trăm người trong hoạn nạn, từ anh tài xế xe tải, đến xe khách, xe máy và cả những anh Tây "ba lô" chạy xe máy bị nạn trên đèo đã được họ cứu kịp thời.
Anh Nguyễn Vỹ Ly cho biết, để nắm bắt và trao đổi thông tin kịp thời về tình hình thời tiết và các vụ việc trên đèo Lò Xo, anh em trong đội đã lập trang mạng xã hội với tên “SOS Đèo Lò Xo+”; đến nay, trang này đã có gần 1.300 thành viên tham gia. Bên cạnh đó, Hội Ford Everest Việt Nam cũng luôn đồng hành cùng đội. Để có trang bị hoạt động, tháng 6/2019, Hội Ford Everest Việt Nam đã trao tặng cho Đội SOS đèo Lò Xo bộ trang bị cứu hộ giao thông gồm 7 bộ đàm các loại, gậy cảnh báo, tam giác, áo mưa phản quang, cáp tời xe, cáp kéo người, túi cứu thương... Anh Nguyễn Vỹ Ly cho biết, hiện tại đội rất mong có nhà hảo tâm nào đó hỗ trợ một chiếc xe cứu thương. Trong những lần cứu hộ, khi xe cứu thương không kịp đến, anh em trong đội phải đưa người bị nạn đi cấp cứu bằng xe bán tải, xe cá nhân. Để người bị nạn nằm trong thùng xe, lại thiếu thốn các thiết bị sơ cứu khiến anh em trong đội cảm thấy chạnh lòng.
Không chỉ cứu hộ, cứu nạn trên cung đường đèo thuộc địa phận tỉnh Kon Tum, mà Đội SOS Đèo Lò Xo vẫn thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam cứu hộ cứu nạn những đoạn đường đèo thuộc địa phận huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Các thành viên trong đội vẫn nhớ như in lần cứu người ở địa phận huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Đó là vụ TNGT vào ngày 18/4/2015. Vụ này, Đội phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cấp cứu 29 nạn nhân, trong đó tử vong 2 người, 17 người bị thương. Tiếp đến ngày 23/6/2015, Đội lại tham gia cứu nạn vụ TNGT xe khách rơi xuống vực trên đèo Lò Xo thuộc địa phận huyện Phước Sơn, trong đó có 34 nạn nhân, trong đó tử vong 1 người, 6 người bị thương nặng.
Thượng tá Âu Ly Uấn, Phó trưởng Công an huyện Đắk Glei (Kon Tum), cho biết: "Đội SOS Đèo Lò Xo được thành lập với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ anh chị em lái xe, chủ xe và phối hợp các cơ quan chức năng trong hoạt động cứu hộ xe gặp tai nạn hoặc sự cố không mong muốn tại khu vực đèo Lò Xo. Đặc biệt đội SOS Đèo Lò Xo đã hoạt động hiệu quả rất cao. Đội SOS chủ động hoạt động nhưng vẫn tuân thủ quy định pháp luật, và luôn luôn chủ động phối hợp với chính quyền, với lực lượng chức năng để hỗ trợ các phương tiện va chạm gia thông, TNGT. Đội SOS đã không kể ngày đêm làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn cũng như tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT”.
Trước tấm lòng cao quý và hành động đẹp của Đội SOS đèo Lò Xo, tháng 12/2019, Chủ tịch UBND H.Đăk Glei đã tặng giấy khen cho các thành viên của đội vì đã có thành tích cứu hộ, cứu nạn trên đèo Lò Xo. Đến tháng 6/2020, Đội SOS đèo Lò Xo được Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ngày 10/1/2022 , được sự quan tâm động viên của lãnh đạo huyện Đăk Glei, Ban ATGT huyện Đăk Glei đã trao quyết định khen thưởng cho tập thể cá nhân đội SOS Đèo Lò Xo vì đã có thành tích trong việc đảm bảo an toàn giao thông, cứu hộ cứu nạn trên đèo Lò Xo trong năm 2021. Với các thành viên, sự tin tưởng, động viên của các ban ngành chức năng là niềm hanh phúc khi được ghi nhận cho công việc của mọi người dành cho cộng đồng.