Doanh nghiệp cân não với bài toán thiếu lao động sau dịch

Lương Đàm
Sau khi "thích ứng an toàn với dịch", lượng doanh nghiệp mở lại tăng lên nhưng họ vẫn đối diện với bài toàn thiếu hụt lao động trầm trọng.

Tháng 10, Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và Báo điện tử VnExpress thực hiện khảo sát về khó khăn của người lao động; lao động tại doanh nghiệp trong bối cảnh thích ứng an toàn với Covid-19.

Khảo sát 3.440 doanh nghiệp và 8.835 người lao động cho thấy những tín hiệu tích cực từ việc chuyển trạng thái phòng, chống dịch "zero Covid" sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh (Nghị quyết 128).

39% doanh nghiệp trả lời cho biết vẫn "đang hoạt động". Số này tăng gấp hơn 2 lần so với tỷ lệ hồi tháng 8. Số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất kinh doanh giảm về còn 61%, so với mức 82% hồi tháng 8. Trong đó, dịch vụ, xây dựng, nông lâm nghiệp và thuỷ sản vẫn là các ngành có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất nhiều nhất.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đối diện thiếu hụt lao động trầm trọng do "cuộc di cư hồi sức" của hàng vạn lao động sau đợt dịch lần 4. Một phần ba doanh nghiệp tham gia khảo sát trả lời họ khó tuyển được lao động, nhất là người có chuyên môn.

screenshot-vnexpressnet-20211209-22-03-50-1639062381.png

Một trong những lý do là người lao động không dễ di chuyển giữa các địa phương. Doanh nghiệp mở hoạt động trở lại nhưng nếu có F0 hoặc khu vực lân cận có F0 thì lại bị đóng. Hơn 25% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng chính quyền địa phương một số nơi vẫn quản lý theo tư duy "zero Covid".

Nhưng lý do được người lao động đưa ra giải thích cho cuộc di cư về quê của mình, chủ yếu do không kiếm được việc ngay cả khi nhiều tỉnh, thành phố họ đã làm việc trước đây mở cửa lại.

capture-1639062381.JPG

Ngoài thiếu lao động, chi phí cho lao động tăng và khó khăn cố hữu như vấn đề về vốn lưu động, các doanh nghiệp đang đối mặt với loạt khó khăn mới. 56% doanh nghiệp khảo sát nói họ gặp khó vì giá thành nguyên liệu đầu vào cao; cầu thị trường chưa đảm bảo mở cửa để kinh doanh có lãi (43% doanh nghiệp) và 41% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết họ phải bỏ nhiều chi phí xét nghiệm... Chi phí xét nghiệm cho lao động là áp lực rất lớn cấu thành trong chi phí của doanh nghiệp.

Về triển vọng phục hồi, 22% doanh nghiệp ở diện "đang hoạt động" cho biết đã phục hồi như trước dịch. 45% đơn vị thông tin, nếu các địa phương thực hiện đúng Nghị quyết 128 thì doanh nghiệp sẽ phục hồi trong khoảng thời gian từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Doanh nghiệp thiếu lao động, còn người lao động thiếu việc làm. Thậm chí, hơn 59% người lao động không có nguồn tiết kiệm để trang trải cuộc sống trong bối cảnh dịch nên phải vay nợ, hoặc trông chờ hỗ trợ từ gia đình, xã hội ngay trong dịch, và sau khi nhà máy nơi họ làm việc bị đóng cửa vì dịch.

41% không tìm được việc, 59% thì mong muốn được ký hợp đồng lao động nếu có việc mới và 54% muốn đề nghị doanh nghiệp phải có cam kết đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo số liệu khảo sát doanh nghiệp, 30% doanh nghiệp đang hoạt động không thể tuyển dụng được lao động nói chung và lao động có chuyên môn, tay nghề. Trong khi đó 41% số người mất việc gặp khó khăn là không tìm được việc. Điều này được giải thích là do đang có sự mất cân đối cung cầu về chất lượng nguồn nhân lực, lao động mất việc không có đủ trình độ, tay nghề để có thể đáp ứng với những doanh nghiệp tuyển mới.

55% người lao động mất việc chưa xác định được thời điểm tìm việc, và 52% số người mất việc về quê mong muốn quay lại nơi làm việc trước đây. Ở góc độ an sinh xã hội, số người lao động này cũng rất cần sự trợ giúp của các chính quyền địa phương nơi cư trú để hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Chỉ 52% số người mất việc đã về quê mong muốn quay trở lại nơi làm việc trước đây.

capture1-1639062381.JPG

Tình hình chung là khó khăn nhưng 43% lãnh đạo công ty ở diện "đang hoạt động" vẫn luôn tỏ ra lạc quan chèo lái doanh nghiệp. Hơn 45% doanh nghiệp nói họ đã đưa ra mức thu nhập cao hơn so với trước dịch để thu hút lao động trở lại. Dù vậy, mức độ ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch lần 4 từ cuối tháng 4 đã tác động rất lớn tới hoạt động của doanh nghiệp.

Để doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn, Ban IV đề xuất Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn dễ hiểu, dễ áp dụng tại doanh nghiệp và người lao động áp dụng. Cơ quan quản lý y tế cũng cần sớm có hướng dẫn cụ thể về quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại doanh nghiệp.

"Trường hợp doanh nghiệp có F0 nhưng có tổ chức phân ca kíp, phân nhóm thì dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế, chính quyền cơ sở có thể cùng doanh nghiệp đánh giá bóc tách theo cấp độ nguy cơ nhỏ nhất để họ vẫn duy trì được sản xuất kinh doanh", kiến nghị của Ban IV nêu.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét tăng quy định về giờ làm thêm của người lao động để doanh nghiệp bố trí nhân lực đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng các đơn hàng bị chậm trong thời gian qua.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, sớm công bố các gói hỗ trợ về lãi suất lớn cho họ, cũng như tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ trên 24 tháng.

Nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ xem xét các chính sách nhằm bình ổn giá nguyên vật liệu đang xu hướng tăng mạnh thời gian qua, chẳng hạn giá nguyên liệu inox, sắt thép đã tăng 60% so với tháng 10/2020.

Bên cạnh việc mở lại các đường bay nội địa, doanh nghiệp đề xuất Chính phủ sớm mở lại đường bay thương mại quốc tế, vừa hỗ trợ ngành hàng không phục hồi, vừa giúp đẩy mạnh giao thương.

Cuối cùng, về hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các khó khăn về tài chính và khó khăn khác để phục hồi, phát triển, Ban IV kiến nghị Chính phủ thiết kế các gói hỗ trợ đủ sâu, đủ rộng, có tính toán tới đặc thù của từng ngành và triển khai ngay trong đầu năm 2022.