Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn đã triển khai lại công tác tuyển dụng nhân công để phục vụ sản xuất. Trong tháng 11/2021, có 276 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 15.936 lao động.
Những vị trí việc làm đang có nhu cầu cao như: lao động phổ thông, kế toán, nhân sự, thợ sơn, thợ hàn, bảo trì, IT, nhân viên kinh doanh, phiên dịch, nhân viên kho… Trong đó, lao động phổ thông là vị trí hầu hết doanh nghiệp đều có nhu cầu.
Các ngành đang có nhu cầu cao về lao động là sản xuất gỗ nội thât (10.000 lao động), sản xuất quần áo, da giày (5.000 lao động)... Một số ngành có nhu cầu ít hơn: Bao bì, kho vận, có liên quan đến thiết bị cơ khí, điện tử.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đưa ra các chế độ hấp dẫn mời gọi lao động như: Lương cơ bản từ 4,8 - 5,2 triệu đồng/tháng; có đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn; có phụ cấp chuyên cần, thâm niên, nhà trọ, xăng xe, con nhỏ dưới 6 tuổi; hỗ trợ tiền xe đò từ quê lên; tiêm vaccine; du lịch, lễ tết; được cấp phát dụng cụ bảo hộ, đồng phục ngay ngày đầu tiên làm việc; cung cấp 2 bữa ăn miễn phí mỗi ca làm việc...
Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương cho biết, nguồn lao động phổ thông hiện thiếu hụt do nguy cơ tiềm ẩn của dịch COVID-19 phần nào vẫn đang tác động đến tâm lý của người lao động. Các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến việc tuyên truyền cụ thể về lương cơ bản, tổng thu nhập, chế độ phụ cấp, chế độ đãi ngộ dành cho người lao động, dẫn đến Trung tâm không thể tư vấn cụ thể cho người lao động.
Mặc dù Trung tâm đã tích cực kết nối doanh nghiệp với người lao động thông qua các hình thức gián tiếp, online nhưng các hình thức này sẽ gặp hạn chế trong giao tiếp nên gây nhàm chán cho doanh nghiệp. Việc tiếp nhận thông tin đăng ký tìm việc qua các hình thức gián tiếp, online phần nào còn hạn chế đối với người lao động có trình độ thấp, dẫn đến việc thu thập thông tin cũng như nhu cầu của người tìm việc chưa đầy đủ. Thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán không còn nhiều, vì vậy những lao động đã về quê sẽ khó quay lại, nếu như các doanh nghiệp chưa có phương án phúc lợi để thu hút họ.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Để giúp doanh nghiệp giải "cơn khát" lao động, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã giao Sở làm đầu mối phối hợp với các tỉnh, thành phố tạo điều kiện để các doanh nghiệp đưa xe về đón công nhân quay trở lại Bình Dương làm việc. Người lao động đến Bình Dương sẽ được quan tâm, chăm lo mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần và tiêm vaccine phòng COVID-19.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương đã liên tục tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến; kết nối lao động ở các doanh nghiệp ngưng sản xuất chuyển qua các doanh nghiệp hoạt động trở lại. Trung tâm đã ký kết với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền Trung, kể cả phía Bắc để tìm kiếm nguồn lao động. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ kết hợp với Doanh nghiệp đến các tỉnh có nguồn lao động dôi dư để tư vấn vấn thu hút, tìm nguồn lao động...