Nhiều địa phương phục hồi ấn tượng về số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Trong tháng 11 ghi nhận 4.958 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, cao nhất từ tháng 4/2021. Trong đó, một số địa phương có sự phục hồi ấn tượng về số doanh nghiệp quay trở lại, bao gồm TP.HCM.
sx-1638461022.jpg

Việc chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã có tác động tích cực tới tinh thần khởi nghiệp của người dân trong tháng 11 năm 2021. Đó là điều đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tháng 11/2021, đã có 4.958 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, cao nhất kể từ tháng 4/2021.

Trong đó, có 36/63 địa phương có số lượng doanh nghiệp tái gia nhập thị trường tăng so với tháng 10/2021 và 45/63 địa phương có sự gia tăng so với tháng 9/2021.

Đặc biệt, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số địa phương có sự phục hồi ấn tượng về số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 11/2021. Trong đó, đáng chú ý có TP.HCM, với 1.557 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 34,6% so với tháng 10/2021 và tăng 77,1% so với tháng 9/2021.

Bình Dương có 154 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 49,5% so với tháng 10/2021 và tăng 75% so với tháng 9/2021. Con số này ở Hải Phòng là 137 doanh nghiệp, tăng 14,2% so với tháng 10/2021 và tăng 37% so với tháng 9/2021; Đồng Nai là 80 doanh nghiệp, tăng 45,5% so với tháng 10/2021 và tăng 50,9% so với tháng 9/2021...

Tính chung 11 tháng, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 40.530 doanh nghiệp, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2020. Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong 11 tháng năm 2021 là bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (14.769 doanh nghiệp, chiếm 36,4%); xây dựng (5.879 doanh nghiệp, chiếm 14,5%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (5.021 doanh nghiệp, chiếm 12,4%).

Không chỉ ghi nhận sự phục hồi ấn tượng về số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tháng 11/2021 cũng là tháng có số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường cao nhất kể từ tháng 4/2021, khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở nước ta. 

Những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh trong thời gian qua cũng có sự phục hồi ấn tượng. Trong đó, TP.HCM có 3.355 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, mặc dù giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng tăng 85,4% so với tháng 10/2021, tăng 464,8% so với tháng 9/2021 và tăng 322% so với tháng 8/2021.

Hà Nội có 2.305 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, mặc dù giảm 9% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng tăng 23,1% so với tháng 10/2021, tăng 158,7% so với tháng 9/2021 và tăng 45,5% so với tháng 8/2021.

Bình Dương có 673 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, mặc dù giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng tăng 196,5% so với tháng 10/2021, tăng 968,3% so với tháng 9/2021 và tăng 935,4% so với tháng 8/2021.

Đồng Nai có 342 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, mặc dù giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng tăng 106% so với tháng 10/2021, tăng 776,9% so với tháng 9/2021 và tăng 479,7% so với tháng 8/2021.

Cần Thơ có 136 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, mặc dù giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng tăng 83,8% so với tháng 10/2021, tăng 615,8% so với tháng 9/2021 và tăng 518,2% so với tháng 8/2021. 

Các con số trên cho thấy các tín hiệu tích cực trong phục hồi sản xuất và kinh doanh, kể từ sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.

Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, sau khi được thành lập vào cuối tháng 8/2021, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đã có nhiều hoạt động để tháo gỡ khó khăn, đề xuất các giải pháp kịp thời, báo cáo Chính phủ đưa ra các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Đến nay, các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn vừa qua đã được xử lý kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân quay lại ổn định sản xuất - kinh doanh, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Tuy vậy, một cách thẳng thắn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tính chung 11 tháng, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 15% so với cùng kỳ; doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 13,9%.

Hiện nay, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao, do phải đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch, do giá cước vận tải tăng; bị thiếu hụt lao động; và vẫn có nhiều nguy cơ tác động trong trung và dài hạn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, năng lực cạnh tranh, nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời.