Để nông nghiệp Việt Nam vững bước trên con đường chuyển đổi số

Đinh Thảo
Ngày 9/11, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNN) tổ chức Diễn đàn “Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Con đường để tiến về phía trước của Việt Nam”, nhằm tìm giải pháp phát huy tiềm năng to lớn của số hóa cho nông nghiệp Việt Nam.
chuyen-doi-1-1699606929.jpg
Diễn đàn “Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Con đường để tiến về phía trước của Việt Nam”

Tại Diễn đàn, các đại biểu, khách mời, chuyên gia đều đồng nhất quan điểm, tại Việt Nam - một quốc gia có ngành nông nghiệp là “trụ cột chiến lược” của nền kinh tế, thì sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số sẽ mang đến những cơ hội tốt giúp tăng năng suất, nâng cao tính bền vững và đa dạng hóa sinh kế cho nông dân sản xuất nhỏ.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng các công cụ và công nghệ kỹ thuật số hứa hẹn sẽ tăng cường khả năng truy suất nguồn gốc và tính bền vững của các loại cây trồng chủ lực của Việt Nam như gạo, hạt tiêu, cà phê,... Những tiến bộ này rất quan trọng để duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo vệ cơ hội cho các nhà sản xuất lương thực trong nước.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong nông nghiệp còn có tiềm năng góp phần vào việc thực hiện cam kết đạt mức phát thải rằng bằng 0 vào năm 2050 và giảm 30% lượng phát thải khí mêtan vào năm 2030 của Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Carrie Turk - Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cho biết: Nông nghiệp có một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân Việt Nam, đóng góp 12% GDP và tạo gần 30% việc làm. Mặc dù nông nghiệp đã đạt được những thành tựu lớn trong một vài thập kỷ qua, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết để phát huy tiềm năng phát triển của ngành và góp phần thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam.

Bà Crolyn Turk khẳng định, chuyển đổi số có ý nghĩa rất quan trọng cho tương lai ngành nông nghiệp tại Việt Nam. Cơ hội nằm ở sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI. Vấn đề là Việt Nam cần phải hành động để có thể nắm bắt được cơ hội này.

Trong bài phát biểu của mình, bà Crolyn Turk đã chia sẻ một số ví dụ về cách thức công nghệ số có thể cách mạng hóa ngành nông nghiệp, như: Công nghệ nông nghiệp chính xác tạo ra sản phẩm có chất lượng cao hơn, giúp người nông dân có thể đưa ra các quyết định dựa trên các dữ liệu để tối ưu hóa phân bổ nguồn lực; hệ thống truy suất nguồn gốc được số hóa phục vụ cho an toàn thực phẩm, giúp đảm bảo tính minh bạch tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, tạo cơ hội tiếp cận rộng rãi với các thị trường quốc tế,...

Bà Crolyn Turk nhấn mạnh rằng, nền tảng thương mại điện tử giúp kết nối nông dân với người tiêu dùng mà không cần qua thương lái trung gian, giúp giảm chi phí giao dịch, nông dân có được lợi nhuận cao hơn.

Ngoài ra, còn có hệ thống thanh toán kỹ thuật số để mở rộng các dịch vụ tài chính, các nền tảng thanh toán kỹ thuật số, tăng khả năng tiếp cận tài chính ở khu vực nông thôn; ứng dụng AI sáng tạo trong nông nghiệp cung cấp kiến thức và hỗ trợ nông nghiệp cho nông dân…

chuyen-doi-2-1699606929.jpg
Chuyển đổi số trong nông nghiệp

Đồng quan điểm về chủ trương và cách thức chuyển đổi số trong nông nghiệp, ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Campuchia và Lào - cho biết: Ngành nông nghiệp cần phải nhanh chóng bắt kịp lộ trình tăng trưởng xanh và phát thải carbon thấp vì đây là ngành phát thải khí nhà kính lớn thứ hai ở Việt Nam, đóng góp khoảng 20% lượng phát thải khi như kính hàng năm của cả nước.

Ông Thomas Jacobs cho rằng, giảm phát thải, nâng cao hiệu quả và tăng cường tính bền vững trong chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ giúp hiện thực hóa cam kết của chính phủ Việt Nam về đạt mức phát thải rộng bằng 0 vào năm 2050, ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học và mang lại sinh kế bền vững. Chính phủ cũng đã đặt ra các mục tiêu cụ thể để giảm lượng khi thải mêtan từ sản xuất lúa gạo và đảm bảo không sản xuất cà phê ở những khu vực rừng đã bị tàn phá.

“Để đạt được những mục tiêu này, Chính phủ, người nông dân, các công ty kinh doanh nông nghiệp và các bên liên quan chủ chốt khác trong lĩnh vực nông nghiệp cần chung tay hành động. Công nghệ kỹ thuật số trong nông nghiệp sẽ là giải pháp căn bản, đi kèm với những giải pháp về đổi mới sáng tạo và nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân”, ông Thomas Jacobs nhấn mạnh.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam khẳng định lợi ích của chuyển đổi số là không thể tranh cãi. Chuyển đổi số không chỉ giúp cho người nông dân tiếp cận thông tin thị trường nhanh chóng, giúp họ áp dụng những phương pháp canh tác tiên tiến, tăng cường sự quản lý và giám sát chặt chẽ các quy trình sản xuất; mà còn giúp toàn bộ các tác nhân trong chuỗi giá trị sản xuất cùng được hưởng những giá trị mà số hóa mang lại.

Chuyển đổi số còn góp phần tạo ra sự minh bạch trong từng khâu sản xuất, từ gieo trồng đến thu hoạch và phân phối. Khi chúng ta đang hướng tới sản xuất sạch, hiệu quả và tiên tiến, chúng ta đang xây dựng một nền nông nghiệp bền vững cho tương lai - một nền nông nghiệp có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và đóng góp tích cực vào an ninh lương thực của đất nước và thế giới.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định rằng, con đường phía trước của Việt Nam có thể đầy thách thức, nhưng tin tưởng rằng, với sự quyết tâm và sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp, các nhà khoa học và đặc biệt là người nông dân, chúng ta sẽ đưa ngành nông nghiệp Việt Nam vững bước trên con đường chuyển đổi số.

Nguyễn Liên